Sunday, September 24, 2006

* Chương 43* Bối cảnh chiến tranh ý thức hệ của tình hình Việt Nam

Qua ý kiến và nhận định của gần 70 tác giả, Hồ Chí Minh luôn luôn hiện ra dưới hai khuôn vóc hoàn toàn trái ngược và trở thành trung tâm của hàng loạt nghi vấn.

Hồ Chí Minh là người yêu nước đã mang hạnh phúc về cho nhân dân hay chỉ là kẻ đưa chủ nghĩa Cộng Sản vào Việt Nam dựng nên một chế độ chuyên chính biến toàn dân thành nô lệ sống dưới trăm ngàn mối áp bức đe dọa?

Hồ Chí Minh là đại anh hùng cứu quốc có công giải phóng dân tộc khỏi ách thực dân bảo vệ nền độc lập quốc gia hay chỉ là kẻ gây cảnh núi xương sông máu kéo dài suốt một nửa thế kỷ, tàn sát hàng chục triệu nạn nhân?

Hồ Chí Minh là vị cha già dân tộc đã chấp nhận hy sinh trọn đời để phụng sự đồng bào hay chỉ là kẻ mê hoặc cưỡng bức đồng bào đóng vai những công cụ phụng sự cho tham vọng bá chủ thế giới của Liên Xô?

Hồ Chí Minh là con người giản dị, ngay thẳng có cuộc sống thanh khiết cao cả thánh thiện như một thiên thần hay chỉ là kẻ xảo trá, lường gạt với trăm ngàn thủ đoạn che giấu chân tướng đầy những vết nhơ?…

Hồ Chí Minh là con người ôn nhu, hiếu hòa bị đàn em hiếu chiến khống chế trong chủ trương đánh chiếm miền Nam bằng võ lực hay là một lãnh tụ gian hùng bề ngoài đóng vai ông Thiện để điều khiển thủ hạ làm ác? ….

Đó là một vài nghi vấn tiêu biểu.

Để giải đáp thỏa đáng những nghi vấn này, không thể dựa vào số lượng lời khen tiếng chê, cũng không thể giới hạn theo một số sự kiện nào đó thuộc phạm vi đời sống cá nhân.

Hồ Chí Minh có thể rất đắc nhân tâm do luôn biểu hiện phong thái chân thành đơn giản, tự nhiên thân mật.

Hồ Chí Minh có thể từng ôm ấp những ước mong phù hợp với ước mong của hết thẩy mọi người.

Hồ Chí Minh có thể chỉ có một thói xấu duy nhất như chính ông đã từng tự đánh giá là “nghiền thuốc lá”.

Hồ Chí Minh có thể bị thù ghét nhiều hơn yêu thương hoặc ngược lại, được toàn dân kính mến vv…

Bản thân những sự kiện trên rất quan trọng để hiểu về bất kỳ con người nào nhưng không đóng góp được bao nhiêu trong việc đánh giá con người Hồ Chí Minh.

Dù muốn dù không, Hồ Chí Minh đã là một nhân vật lịch sử và là nhân vật lịch sử ghi lại dấu ấn đậm đà trong một giai đoạn đầy sóng gió của Việt Nam. Cho nên, những nghi vấn về con người Hồ Chí Minh chỉ có thể giải đáp bằng chính thực tế lịch sử Việt Nam gắn bó với mọi hành vi của ông.

Thực tế lịch sử Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 lại không thể tách rời khỏi ảnh hưởng của nhiều biến cố thế giới, trong đó có cuộc Cách Mạng Tân Hợi xóa bỏ chế độ phong kiến tại Trung Hoa và đặc biệt là cuộc Cách Mạng Vô Sản Nga.

Cả hai cuộc cách mạng trên đều trực tiếp ảnh hưởng vào tình hình Việt Nam với những dấu ấn rõ rệt.

Cuộc Cách Mạng Tân Hợi thúc đẩy những nỗ lực đấu tranh nhắm mục tiêu tiến tới Dân Tộc Độc Lập, Dân Quyền Tự Do, Dân Sinh Hạnh Phúc trong đó, kẻ địch cần lật đổ được xác định cụ thể là thế lực ngoại bang thống trị.

Cuộc Cách Mạng Vô Sản chọn chủ nghĩa Marx làm lý tưởng thúc đẩy một cuộc đấu tranh không hướng về quyền lợi dân tộc mà nhắm phụng sự quyền lợi giai cấp vô sản trên toàn thế giới nên bao trùm nhiều mặt phức tạp hơn, trong đó quan niệm bạn và thù thay đổi tùy theo thực tế của từng giai đoạn đã dẫn tới không ít ngộ nhận về mọi biến cố.

Để tránh tình trạng này, cần nhìn lại chủ thuyết Cộng Sản cùng các phương thức đấu tranh mà Cộng Sản áp dụng, nhất là vì trên thực tế, Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản đã giành được vai trò chủ động trên chính trường Việt Nam từ tháng 8-1945.

Ngày nay, chủ thuyết Cộng Sản đã lỗi thời, nhưng không thể phủ nhận tác động của nó trong tình hình Việt Nam kể từ thời điểm trên. Cho nên, dù muốn dù không vẫn cần ghi lại một số nét chủ yếu trong mấy tiêu điểm đã trở thành nền tảng của mọi biến cố từng xẩy ra tại Việt Nam (1) :

– Chủ thuyết Cộng Sản và mục tiêu cuối cùng.

– Chiến lược và sách lược đấu tranh.

– Vai trò lãnh đạo của Đệ Tam Quốc Tế.

– Võ khí chính trong tiến hành đấu tranh.



I. Chủ thuyết và mục tiêu cuối cùng.

Chủ thuyết Cộng Sản minh thị mục tiêu cuối cùng là phụng sự giai cấp vô sản nên chủ trương phải phát động đấu tranh giai cấp. Đấu tranh giai cấp phát xuất từ định luật mâu thuẫn trong duy vật biện chứng và từ quan niệm duy vật lịch sử cho rằng đã đến lúc giai cấp bị bóc lột là vô sản vùng lên đấu tranh lật đổ giai cấp bóc lột là tư bản để thiết lập chuyên chính vô sản.

* Duy vật biện chứng gồm 4 định luật chính: vạn vật tương quan, vạn vật biến chuyển, lượng biến chất biến và mâu thuẫn nội tại.

– Vạn vật tương quan: Theo duy vật biện chứng, thiên nhiên là một toàn bộ trong đó các sự vật và hiện tượng liên hệ hữu cơ với nhau, lệ thuộc vào nhau, quyết định lẫn nhau. Không có hiện tượng nào trong thiên nhiên có thể hiểu được, nếu tách rời khỏi những hiện tượng khác ở xung quanh.

– Vạn vật biến chuyển: Thiên nhiên luôn luôn chuyển biến, luôn luôn đổi mới và phát triển theo hướng một cái gì đó đang hình thành, lớn dần lên trong khi một cái gì đó đang tan rã, tự hủy. Engels viết trong Biện Chứng của thiên nhiên: “Tất cả thiên nhiên, từ cái nhỏ nhất tới cái lớn nhất, từ hạt cát tới mặt trời, từ một sinh vật nguyên sinh (gồm chỉ một đơn bào sống) tới con người, luôn luôn ở trong trạng thái đang phát sinh và đang tiêu diệt, trong một dòng chảy đổi thay liên tục, trong một trạng thái chuyển động và đổi thay không ngừng.”

– Lượng biến chất biến: Engels dùng khoa học tự nhiên với những ví dụ đơn sơ như nước đun sôi biến thành hơi nước và sự tiến hóa nhảy vọt từ loại này sang loại khác, như từ vượn lên người (thuyết tiến hóa của Darwin) vv… để chứng minh nếu lượng (quantity) tăng, tăng mãi sẽ đến lúc biến thành chất (quality). Sự biến đổi này là một đột biến, không phải ngẫu nhiên mà theo quy luật thiên nhiên, do tích lũy kết quả nhiều đổi thay từ từ không cảm thấy được chất chứa lại mà thành.

– Mâu thuẫn nội tại: là định luật quan trọng nhất. Lênin nói: “Biện chứng, có nghĩa là sự nghiên cứu mâu thuẫn trong chính bản chất tinh túy của sự vật.” Người ta thường nói nhìn sự vật bằng con mắt biện chứng tức là nhìn cái gì cũng thấy hai khía cạnh tương phản của nó, mặt tích cực và mặt tiêu cực.

Stalin viết: “Biện chứng pháp cho rằng tiến trình phát triển từ cái thấp hơn tới cái cao hơn xảy ra không phải như một diễn biến hài hòa của các hiện tượng mà như sự bộc lộ của những mâu thuẫn nằm sẵn trong các sự vật và hiện tượng, như là “sự đấu tranh” giữa những xu hướng đối nghịch đang hoạt động trên nền tảng của những mâu thuẫn đó.”

Chủ nghĩa Marx cho rằng trong sự vật và hiện tượng luôn luôn sẵn có mâu thuẫn như thế nên đấu tranh là luật tự nhiên không thể tránh và từ đó phát xuất cuộc đấu tranh giai cấp.

* Duy vật lịch sử chia lịch sử nhân loại làm 5 thời kỳ: cộng sản nguyên thủy, nô lệ, phong kiến, tư bản và cuối cùng là cộng sản (chuyên chính vô sản).

Chế độ cộng sản nguyên thủy phát triển đã mang sẵn trong mình cái mầm mâu thuẫn và một chế độ khác tốt đẹp hơn từ cái mầm đó mà phát sinh là chế độ nô lệ.

Stalin viết: “Ngày nay trong những điều kiện xã hội hiện tại, nhìn lại ta thấy chế độ nô lệ là phi lý, nhưng trong hoàn cảnh lịch sử lúc ấy, nó là hiện tượng tự nhiên của thiên nhiên có thể hiểu được, vì nó tượng trưng cho một bước tiến hơn so với chế độ cộng sản nguyên thủy.”

Stalin tiếp tục nói về các chế độ kế tiếp cũng tương tự như vậy với chủ ý diễn tả định luật mâu thuẫn và định luật biến chuyển luôn theo đà tiến về phía trước của phép biện chứng duy vật. Áp dụng các định luật này vào việc tìm hiểu mọi biến chuyển của xã hội loài người sẽ nhận thức chính xác hơn về các hiện tượng lịch sử. Điều quan trọng là trong mỗi biến chuyển bao giờ cũng có tình trạng nhảy vọt từ lượng lên chất. Do đó cần phải làm cách mạng, chứ không chấp nhận cải lương (cải cách từ từ). Stalin viết: “Do đó, sự quá độ (sự chuyển tiếp) từ tư bản chủ nghĩa đến xã hội chủ nghĩa và giải phóng giai cấp công nhân khỏi ách tư bản chủ nghĩa không thể thực hiện bằng những thay đổi từ từ chầm chậm, bằng những cải cách, mà chỉ có thể thực hiện bằng một thay đổi về chất của chế độ tư bản, nghĩa là bằng cách mạng. Vì vậy, để khỏi lạc đường trong chính sách, cần phải làm cách mạng, chứ không phải cải cách.”

Trong Tuyên Ngôn Cộng Sản, Marx viết: “Bạo lực là bà đỡ của cách mạng” và sau này Mao Trạch Đông phỏng theo: “Quyền lực phát xuất từ họng súng.” Engels cũng nói: “Không có vũ khí phê phán nào thay thế được sự phê phán bằng vũ khí.”

Đó là dòng tư duy xuyên suốt từ mâu thuẫn nội tại tới đấu tranh giai cấp, đấu tranh cách mạng theo luật lượng biến chất biến nhảy vọt và cách mạng bạo lực.

Stalin giải thích rõ hơn về tính chất và nhu cầu của đấu tranh giai cấp: “Nếu sự phát triển xuất phát bằng cách bộc lộ những mâu thuẫn nội tại, bằng cách va chạm, xung đột giữa những lực đối kháng trên căn bản của những mâu thuẫn đó, và như thế, để lướt thắng những mâu thuẫn, thì đã rõ cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản là một hiện tượng hoàn toàn tự nhiên và không thể tránh.”

Tóm lại, theo các nhà duy vật, đấu tranh giai cấp bằng cách mạng bạo lực là lẽ tất yếu. Đấu tranh giai cấp là cuộc chiến giữa hai giai cấp tư bản và vô sản nên bắt buộc là cuộc chiến mang tính toàn cầu vì giai cấp hiện diện ở mọi quốc gia. Đấu tranh giai cấp cũng là cuộc chiến trường kỳ vì chỉ chấm dứt khi chế độ Tư Bản hoàn toàn bị thủ tiêu để hình thành chế độ Cộng Sản trên toàn thế giới. (2) Đó là cuộc chiến ý thức hệ, bắt nguồn từ bản chất ý hệ Mác Xít.



2- Chiến lược và sách lược đấu tranh.


Xác định đấu tranh giai cấp là tất yếu, nhưng Marx cho rằng cách mạng vô sản chỉ có thể bùng nổ ở những nước tư bản công nghiệp cực thịnh, trong đó giai cấp vô sản chiếm đại đa số. Tại những nước này, giai cấp vô sản trở thành lực lượng áp đảo sẽ đánh bại và tiêu diệt giai cấp tư sản để nắm quyền độc tôn gọi là “chuyên chính vô sản”. (3) Giai cấp vô sản – proletariat, theo Mác, là giới công nhân không có tài sản, nhất là không có phương tiện sản xuất và chuyên chính vô sản là nền thống trị độc tôn của giai cấp đó.

Nhưng Lênin lại muốn thực hiện cách mạng vô sản tại Nga là một nước chưa đạt tới mức phát triển cao về công nghiệp.

Như thế, nếu chỉ dựa vào riêng giai cấp công nhân để tiến hành cách mạng chắc chắn sẽ thất bại. Nhìn vào thực tế xã hội Nga đầu thế kỷ 20, Lênin giải thích chữ proletariat theo nghĩa rộng hơn gồm cả giới quân nhân phần đông là nông dân cho nên trước tháng 4-1917, Lênin từng chủ trương liên minh công nông chống tư sản.

Sau đó, trong những văn kiện đưa ra vào các tháng 4, 7, 8-1917 được Stalin trưng dẫn trong Stalin tuyển tập, Lênin đã thu hẹp từ nông dân thành bần cố nông.

Tuy nhiên, theo trích dẫn của Stalin, định nghĩa về “chuyên chính vô sản” của Lênin vẫn không rời xa định nghĩa của Marx: “Nếu chúng ta dịch từ Latinh có tính khoa học – triết lý – sử học “dictature du proletariat”sang ngôn ngữ đơn giản thì nó chỉ có nghĩa như sau: Chỉ có một giai cấp nhất định, là giai cấp của công nhân thành thị, và công nhân công nghiệp nói chung, có khả năng lãnh đạo nhân dân lao động và những người bị áp bức bóc lột trong cuộc đấu tranh nhằm giải phóng họ khỏi ách thống trị của tư bản, trong tiến trình lật đổ này, trong cuộc đấu tranh để duy trì và củng cố chiến thắng, trong công cuộc tạo lập một hệ thống xã hội mới, hệ thống xã hội xã hội chủ nghĩa, trong cuộc đấu tranh toàn bộ nhắm xóa bỏ hoàn toàn các giai cấp.” (4)

Trên thực tế, Lênin từng đưa ra một định nghĩa về “chuyên chính vô sản” hơi khác: “Chuyên chính vô sản là một hình thức liên minh đặc biệt giữa giai cấp vô sản ( proletariat ) là đội tiền phong của nhân dân lao động và nhiều giai tầng nhân dân lao động khác không phải vô sản ( như tiểu tư sản, các tiểu chủ, nông dân và trí thức, vân vân...), hoặc đa số những tầng lớp này. Đó là một sự liên minh chống tư bản, một liên minh nhắm đánh đổ hoàn toàn tư bản, nhắm dẹp bỏ hoàn toàn sự chống đối của giới tư sản và bất cứ cố gắng nào của giai cấp này nhằm tự khôi phục, một liên minh nhắm thiết lập và củng cố chủ nghĩa xã hội.” (5)

Định nghĩa được gia giảm này có thể hiểu là do yêu cầu của chiến lược và sách lược đấu tranh nhắm thích ứng với hoàn cảnh thực tế của từng giai đoạn. Tuy nhiên, ngay trong gia giảm đã có sự xác định rõ vai trò lãnh đạo không hề thay đổi.

Thực tế đòi hỏi phải liên minh với những phần tử hay giai cấp khác, vì giai cấp vô sản không thể tự mình làm nổi cuộc cách mạng, đặc biệt tại một nước nông nghiệp như nước Nga, nhưng giai cấp vô sản (proletariat) vẫn là đội tiền phong tức ở vị thế nắm quyền lãnh đạo các lực lượng đồng minh. Mọi phần tử không chịu đặt mình dưới sự lãnh đạo đó phải gạt bỏ, thậm chí thủ tiêu và khi đã toàn thắng, không cần sự hỗ trợ của các thành phần khác thì các thành phần này cũng nằm trong thế bị loại trừ không do dự.

Vai trò nông dân trong xã hội Nga lúc ấy rất quan trọng nên tại đại hội kỳ 2 Đệ Tam Quốc Tế, Lênin đã cho thành lập tổ chức Quốc Tế Nông Dân (Krestintern).

Nhưng khai thác thành phần nông dân vẫn chưa đủ tạo sức mạnh cho phong trào cách mạng vô sản nên Lênin lại đưa ra đề cương về chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa thực dân nhắm thu phục những dân tộc bị áp bức tại các quốc gia bị trị biến thành lực lượng đồng minh của phong trào.

Stalin đã viết về quyết định này của Lênin như sau: “Lênin luôn luôn nhắc đi nhắc lại, không có sự liên minh với quần chúng của các dân tộc khác, thì vô sản Nga đã không chiến thắng. Trong những bài ông viết về vấn đề dân tộc và trong các đại hội Quốc Tế Cộng Sản, Lênin đã nói đi nói lại rằng thắng lợi của cách mạng thế giới sẽ không thể có, nếu không có liên minh cách mạng giữa vô sản của các nước tiên tiến với các dân tộc bị áp bức của các thuộc địa bị nô dịch.” (6)

Như vậy, từ căn bản, vấn đề liên minh không hề đặt trên nền tảng tinh thần đoàn kết giữa các thành phần khác nhau mà chỉ là hành vi cần thiết để giành chiến thắng cho phong trào cách mạng vô sản trong một giai đoạn nào đó. Nói một cách khác, liên minh chỉ là vấn đề sách lược trong đó, giai cấp vô sản luôn nắm quyền lãnh đạo và đấu tranh vì mục đích tiến tới chuyên chính vô sản chứ không vì lợi ích của các dân tộc bị trị cũng như lợi ích của các thành phần giai cấp khác.

Lênin liên minh với nông dân Nga chỉ vì mục đích giành quyền lãnh đạo cho đảng Bolchevick nên sau khi thành công đã lập tức cho dựng những nông trường tập thể và thẳng tay tiêu diệt các thành phần địa chủ, phú nông.

Đây cũng là thực tế diễn ra tại Việt Nam qua trường hợp các Mặt Trận Việt Minh, Mặt Trận Liên Việt, Mặt Trận Tổ Quốc… Hồ Chí Minh kêu gọi tinh thần đoàn kết của các tầng lớp yêu nước để phát triển lực lượng đấu tranh và khi nắm được quyền hành thì lập tức ban bố chính sách cải cách ruộng đất để tiêu diệt địa chủ, phú nông và tất cả những ai dám chống lại đường lối lãnh đạo của đảng, đồng thời cho tổ chức các cấp hợp tác xã theo mẫu mực Liên Xô.

Hồ Chí Minh đã thực hiện đúng sách lược của Lênin về liên minh và chủ nghĩa dân tộc theo hướng tiến tới thiết lập nền chuyên chính vô sản gom trọn quyền hành trong tay Đảng.

Thực ra tại Việt Nam cũng như tại Liên Xô và các quốc gia Cộng Sản khác, Đảng chỉ là một danh nghĩa được vận dụng bởi một thiểu số lãnh đạo. Do đó, phía sau những tấm bình phong đảng tiên phong, đảng của giai cấp công nhân…chỉ là một nhóm cá nhân thi hành những chính sách cai trị bất chấp quyền lợi của nhân dân, kể cả quyền lợi của chính giai cấp được đề cao trong mục tiêu phụng sự.

Dù vậy, phong trào cách mạng vô sản luôn gắn bó với quan niệm đấu tranh giai cấp phát xuất từ duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của Marx, đồng thời luôn trung thành với quan điểm chiến lược sách lược đấu tranh của Lênin và Stalin (7) để triển khai theo chiều hướng mâu thuẫn nội tại thường trực trong vạn vật là nguồn cỗi đấu tranh bất tận nên mâu thuẫn xã hội giữa giai cấp Tư Bản bóc lột và giai cấp Vô Sản bị bóc lột là nguồn cỗi đấu tranh trường kỳ cho đến khi giai cấp tư bản bị tiêu diệt.

Phát xuất từ định đề này, mọi khái niệm về chiến tranh hay hòa bình, về phương lược vận động, về đối tượng bạn hay thù vv…của cộng sản hoàn toàn khác biệt so với những khái niệm thông thường.

Trước hết, đấu tranh giai cấp được hình dung như một cuộc chiến toàn diện, thường trực và trường kỳ nên không nhất thiết phải xác định bằng những cảnh súng nổ bom rơi hay đâm chém chết chóc.

“Chiến tranh là kế tục của chính trị bằng những phương tiện khác” và “Hòa bình là kế tục của chiến tranh bằng những phương tiện khác.”

Định nghĩa ấy của Von Clausewitz, thày của Frederick Engels, trong khái niệm toàn bộ chiến đã được Cộng sản áp dụng triệt để trong việc theo đuổi mục tiêu cuối cùng và tối cao của đấu tranh giai cấp là “tiêu diệt hoàn toàn giai cấp tư sản”. Đó là chiến lược tổng quát soi sáng và giữ vững tính chất nhất quán cho mọi chiến lược giai đoạn cùng các sách lược cần thiết chiếu theo hoàn cảnh thực tế khác biệt trong từng thời kỳ.

Trong tác phẩm Những nguyên lý của chủ nghĩa Lênin, Stalin phân biệt chiến lược tổng quát là chiến lược chung cho toàn bộ cuộc đấu tranh giai cấp còn chiến lược giai đoạn là những chiến lược cụ thể hơn cho các giai đoạn tương đối dài và lớn. Trong chiến lược cụ thể lại gồm nhiều sách lược giai đoạn, tùy thuộc những điều kiện thực tế của từng thời kỳ tương đối ngắn hơn. Chiến lược giai đoạn hay sách lược đấu tranh giai cấp luôn được hình dung như một cuộc chiến nên luôn đòi hỏi sự xác định mục tiêu, sứ mạng, địa hình địa vật, kế hoạch bố trí lực lượng... và nhất là 3 yếu tố ta, thù, bạn.

Trong chiến lược tổng quát, mục tiêu cuối cùng và sứ mạng bất di bất dịch của cuộc chiến là tiêu diệt tư bản nên khái niệm về ta, thù và bạn đã hoàn toàn sáng tỏ. Ta là giai cấp vô sản, thù là giai cấp tư sản và tất cả những ai ủng hộ nó, còn bạn là những ai thuộc các giai cấp khác chịu đứng chung và ủng hộ giai cấp vô sản.

Nhưng trong các chiến lược giai đoạn và sách lược vắn hạn, khái niệm này trở nên bất định và vô cùng phức tạp. Tùy theo tình hình thế giới và tình hình địa phương, tùy theo “cao trào hay thoái trào cách mạng”, khái niệm về bạn và thù sẽ thay đổi, kẻ thù chính có thể trở thành kẻ thù phụ, thậm chí có khi tạm trở thành bạn.

Trên thực tế, đối với Liên Xô, có lúc Đức là kẻ thù chính khi Liên Xô cần liên minh với Anh – Pháp, có lúc Đức lại trở thành bạn khi do tình hình biến chuyển Liên Xô cần liên minh với Đức chống Anh – Pháp.

Qua sách lược vận động cách mạng Nga tháng 10-1917, theo trưng dẫn của Stalin trong Thư gửi đồng chí S. Pokrovsky, ban đầu đảng Bolshevik nêu khẩu hiệu “chuyên chính của giai cấp vô sản và giai cấp nông dân – the peasantry”, nhưng sau đó lại đổi thành “chuyên chính của giai cấp vô sản và giai cấp bần cố nông – the poorest strata of peasantry”. Như vậy, chỉ riêng trong giai đoạn đó thôi, một bộ phận nông dân đã bị gạt ra ngoài cái “ta” tức vừa là bạn đã trở thành thù..



3. Vai trò lãnh đạo của Đệ Tam Quốc Tế.

Do tính toàn cầu của đấu tranh giai cấp, năm 1864 Marx và Engels lập nên một tổ chức chung cho mọi quốc gia, khởi sự từ các nước công nghiệp châu Âu, với tên gọi là Liên Minh Công Nhân Quốc Tế tức Đệ Nhất Quốc Tế. Danh từ Quốc Tế bắt nguồn từ đó.

Năm 1889, sáu năm sau khi Marx mất, tổ chức Đệ Nhị Quốc Tế tức Liên Minh Quốc Tế Các Đảng Xã Hội ra đời với đường lối xã hội chủ nghĩa ôn hòa, áp dụng những phương pháp đấu tranh hợp pháp.

Lênin chê Đệ Nhị Quốc Tế đi lạc hướng cách mạng bạo lực do Marx chủ trương nên sau khi thành công trong việc cướp chính quyền ở Nga năm 1917 đã thành lập Đệ Tam Quốc Tế vào tháng 3-1919, thường gọi là Quốc Tế Cộng Sản – Komintern hay Comintern, Communist International.

Từ đó, cùng với chính quyền Liên Bang Xô Viết, Đệ Tam Quốc Tế đặt trụ sở ở Moscow trở thành tổng hành dinh của phong trào cộng sản thế giới.

Dựa vào những thành quả đạt được ở Nga, Lênin đẩy mạnh việc lãnh đạo, điều hành tổ chức này theo đường lối riêng tuy vẫn khẳng định theo đúng chủ nghĩa Marx và luôn trưng dẫn luận điểm của Marx về cách mạng bạo lực và chuyên chính vô sản.

Trong tác phẩm Nhà Nước và Cách Mạng, Lênin viết: “Thuyết đấu tranh của Mác về nhà nước và cách mạng xã hội chủ nghĩa đương nhiên đưa đến thừa nhận sự thống trị của giai cấp vô sản và sự chuyên chính vô sản....Chỉ những ai thừa nhận chuyên chính vô sản và sau khi đã thừa nhận đấu tranh giai cấp mới thực sự là người Mác-xít.” (8) Cũng từ đây, chủ nghĩa cộng sản được gọi bằng cái tên Mác xít – Lêninít.

Đệ Nhất Quốc Tế và Đệ Nhị Quốc Tế gần như chỉ có ảnh hưởng hạn chế trong phạm vi Âu Châu và không dành được quyền lực ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới nên chỉ còn là những dấu tích mờ nhạt trong quá trình vận động phát triển của chủ nghĩa Cộng Sản.

Đệ Tam Quốc Tế được chính quyền Liên Xô yểm trợ tối đa về mọi phương diện và chào đời giữa lúc Cách Mạng Vô Sản Nga đang đặc biệt cuốn hút sự lưu tâm của những người đấu tranh ở khắp nơi nên mau chóng phát triển ảnh hưởng tới nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia bị trị tại Đông Nam Á.

Năm 1935, khi tổ chức đại hội kỳ 7 tại Mạc Tư Khoa, Đệ Tam Quốc Tế đã quy tụ 76 (9) đảng cộng sản trên 5 lục địa, trong đó có những đảng chưa nắm được chính quyền cũng có cả triệu đảng viên như Nam Dương ở Á châu và Ý ở Âu châu.

Theo nội quy Đệ Tam Quốc Tế, đảng cộng sản của bất kỳ quốc gia nào đều chỉ là một chi bộ của Đệ Tam Quốc Tế, phải triệt để tuân thủ mọi điều lệ của tổ chức này (10) trong đó, điều 14 đòi các đảng thành viên phải đặt dưới sự kiểm soát của đảng Cộng Sản Nga, phải triệt để ủng hộ các cộng hòa Xô Viết mà sau năm 1922 đã trở thành Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Xô Viết, và điều 16 quy định mọi đảng cộng sản chỉ là chi nhánh của một đảng toàn cầu duy nhất là Quốc Tế Cộng Sản hay QT3.

Trên thực tế, Đệ Tam Quốc Tế hay Quốc Tế Cộng Sản do Lênin thành lập và hoạt động với phương tiện của Liên Xô nên ngay từ ban đầu đã mặc nhiên đồng hóa với Liên Xô. Liên Xô không những được coi là thành trì Cách Mạng Vô Sản mà còn giữ vai trò đầu não quyết định mọi phương hướng tiến lui cho tất cả các đảng Cộng Sản trên thế giới. Vì thế, ảnh hưởng và quyền lực của Đệ Tam Quốc Tế đối với tất cả các đảng Cộng Sản trên thế giới chính là ảnh hưởng và quyền lực của giới lãnh đạo Liên Xô, cụ thể là Lênin và người kế vị, Stalin, từng được mệnh danh là nhà độc tài áo đỏ – để phân biệt với nhà độc tài áo đen Mussolini và nhà độc tài áo nâu Hitler.

Nói một cách khác, trong khi hết thẩy các đảng cộng sản trên thế giới phải tuân thủ mọi điều lệ của Đệ Tam Quốc Tế, phải chấp hành mọi chỉ thị của Đệ Tam Quốc Tế thì người đề ra các điều lệ và ban bố mọi chỉ thị chính là Lênin và sau đó là Staline. Trong tình huống này, mọi điều lệ và chỉ thị đương nhiên phải đặt quyền lợi của Liên Xô lên hàng đầu và phải phản ảnh trung thực mọi quan điểm của Lênin và Staline.

Cụ thể là bản Luận cương về chủ nghĩa dân tộc và các vấn đề thuộc địa của Lênin đã trở thành nền tảng định hướng cho mọi hoạt động của Đệ Tam Quốc Tế từ khi xuất hiện và kể từ đại hội kỳ 7 năm 1935, Đệ Tam Quốc Tế đã coi tất cả những người tán thành đường lối của Trotski là kẻ địch phải tận diệt, chỉ vì Trotski chống lại Stalin.

Cụ thể hơn nữa là việc Stalin đơn phương quyết định giải tán tổ chức này vào tháng 6-1943 khi Liên Xô cần được Đồng Minh viện trợ để chống lại sức tấn công của Đức. Trước thái độ nghi ngại của Mỹ về hiểm họa Cộng Sản, việc giải tán Đệ Tam Quốc Tế đã được đặt ra và quyết định tức khắc bởi Stalin, dù ban lãnh đạo của tổ chức gồm nhiều thành viên mang các quốc tịch khác trên khắp thế giới.

Thực ra, việc giải tán chỉ là một thủ đoạn thay hình đổi dạng nhưng điều quan trọng là các thành viên khác chỉ có thể tham gia bằng cách tuân thủ quyết định của Stalin nhắm bảo vệ trước hết quyền lợi của riêng Liên Xô.

Với Liên Xô, Đệ Tam Quốc Tế đơn thuần là một tổ chức công cụ trực thuộc quyền điều động của Stalin, nhưng với tất cả các đảng Cộng Sản hoặc các quốc gia Cộng Sản khác, Đệ Tam Quốc Tế luôn luôn là một cơ quan chỉ đạo tối cao, ngoại trừ Nam Tư tách khỏi tổ chức này từ năm 1948.

Cho nên, ngoại trừ Nam Tư, mọi đảng Cộng Sản hoặc các quốc gia Cộng Sản trên thế giới đều phải trung thành với bản nội quy của Đệ Tam Quốc Tế, tự đặt mình dưới quyển kiểm soát của đảng Cộng Sản Nga và trung thành với tư cách một chi nhánh của Đệ Tam Quốc Tế.

Đảng Cộng Sản Việt Nam không thể vượt khỏi tình trạng này nên mới có lời dẫn giải của Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam được Trần Văn Giàu ghi lại như sau: "Cách mạng này là một phần của cách mạng thế giới. Mà cách mạng thế giới là gì thì không phải là đã hiểu rõ, đã nhất trí. Chánh thức được Nguyễn Ái Quốc trình giảng thì đó là cách mạng vô sản, cách mạng xã hội chủ nghĩa, đánh đổ tư bản chủ nghĩa; chế độ tư bản đế quốc là chế độ sinh ra chế độ thực dân. Chúng ta làm cách mạng đánh đế quốc thực dân tức là đánh tư bản chủ nghĩa. Cuộc cách mạng đó có qui mô thế giới mà cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam là một bộ phận. Cách mạng Việt Nam được sự ủng hộ của cách mạng thế giới, và cách mạng Việt Nam góp phần vào cuộc cách mạng thế giới đó.”


4. Võ khí chính trong chiến tranh ý hệ: Tuyên truyền.

Ý hệ Mác Xít là một hệ thống ý tưởng vừa mang tính xã hội, vừa mang tính chính trị thời đại. Chủ trương chiến tranh hay đấu tranh giai cấp nằm trong nội dung ý hệ này.

Trái lại không có một ý hệ tư bản. Tư bản chỉ có một hệ thống các biện pháp kinh tế. Vì vậy cuộc chiến ý hệ đúng ra chỉ là cuộc chiến do cộng sản chủ xướng và phía tư bản chỉ tiến hành chiến tranh tự vệ khi bị tấn công – dù thường được hiểu sai theo cộng sản tuyên truyền, là cuộc chiến giữa ý hệ tư bản và ý hệ cộng sản.

Cao nhất trong ý hệ Mác Xít là Niềm Tin giai cấp vô sản sẽ toàn thắng và lên nắm quyền chuyên chính khởi từ xác quyết đây là quy luật tất yếu của lịch sử. Niềm Tin không gì lay chuyển này đương nhiên phải tràn lan khắp nơi theo tiến trình chuyển hóa lịch sử như đã được thể hiện bằng sự tràn lan của ý niệm nô lệ thay cho cộng sản nguyên thủy, ý niệm tư bản thay cho phong kiến vv… Nhưng thay vì chờ đợi sự chuyển hóa tiệm tiến theo thời gian, Cộng Sản chủ trương thúc đẩy diễn trình chuyển hóa bằng đấu tranh cách mạng tức tiến hành đấu tranh truyền bá tràn lan ý niệm và niềm tin đặt vào nền chuyên chính vô sản. Vì đấu tranh cách mạng là cuộc chiến ý hệ hay đấu tranh truyền bá tràn lan ý niệm và niềm tin nên võ khí và phương pháp tiến hành chiến tranh không thể sở cậy riêng vào súng đạn mà phải vận dụng nhiều hình thức hoạt động khác theo một cách thế hòa nhịp tuyệt hảo để đạt hiệu quả truyền bá sâu rộng khắp nơi ý niệm và niềm tin trên. Do đó mới nói “tuyên truyền phát xuất từ bản chất chiến tranh ý thức hệ của cộng sản”.

Vì võ khí chính để dùng ý tưởng đối chọi ý tưởng là tuyên truyền. Ý tưởng nào chinh phục được đối tượng sẽ giành phần thắng nên cần tranh đua tạo nên những ý mạnh đủ sức chinh phục đối tượng. Ý mạnh có thể vì bản chất nó mạnh, nhưng cũng thường chỉ vì được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, dưới nhiều hình thức khác nhau, dĩ nhiên, với một sự hòa nhịp có kỹ thuật, nghệ thuật. Đó là nghệ thuật tuyên truyền tuyệt diệu trong cái gọi là Orchestration của những nhà tuyên truyền trứ danh. (11)

Tuyên Ngôn Cộng Sản lần đầu tiên xuất hiện như một kiệt tác tuyên truyền, làm rúng động thế giới một thời. Đây là tiếng pháo lệnh mở đầu cho hàng hàng lớp lớp những ý tưởng xông lên tiến công vào thành quách Tư Bản chủ nghĩa, là nguồn cảm hứng, là động lực cho mọi hoạt động tuyên truyền từ đó tới khi bức tường Bá Linh sụp đổ.

Cách mạng tháng 10 ở Nga, cách mạng tháng 8 ở Việt Nam, hay những trận Điện Biên, trận tổng công kích Tết Mậu Thân... đều mang dấu ấn của nó. Có thể nói tuyên ngôn cộng sản là khởi điểm cho một chiến dịch tuyên truyền bất tận được tiếp nối bằng toàn bộ công trình bao gồm nhiều mặt hoạt động của các lãnh tụ cộng sản sau này từ Lênin, Stalin, đến Mao Trạch Đông....

Trong hồi ký Khrutshchev Remembers, lãnh tụ Liên Xô Khrutshchev khen Hồ Chí Minh là “tông đồ” nhiệt thành của chủ nghĩa Cộng Sản. (12)

Sứ mạng của tông đồ là truyền bá đức tin như hết thẩy đã biết qua việc Chúa Giêsu chọn 12 tông đồ rao giảng về Ơn Cứu Độ để truyền bá đạo Chúa ra khắp thế giới. Truyền bá đức tin theo tiếng Latinh là De Propagande Fide. Hai chữ tuyên truyền có nguồn gốc là chữ Propagande này.

Tuyên truyền không cần tới bom đạn mà chỉ cần ý niệm biểu lộ qua lời nói, hay bất cứ hình thức chuyển ý nào khác.

Vận dụng võ khí tuyên truyền không đòi hỏi điều kiện tốn kém về trang bị, không đòi hỏi hình thành những mặt trận rõ ràng, không đòi hỏi phải có những đạo quân võ trang hùng hậu… đặc biệt là không cần chém giết nhưng lại thâu hoạch thành quả có thể vượt xa mọi tầm mức của những trận đánh bằng bom đạn.

Vận dụng võ khí tuyên truyền chỉ đơn giản là chuyển đạt ý mình sang đối phương để ảnh hưởng tới ý tưởng, tâm tư, tình cảm và quyết định của đối phương hầu trực tiếp hoặc gián tiếp buộc đối phương làm theo ý mình như khái niệm về giành đoạt mục tiêu trong chiến tranh của Clausewitz.

Vận dụng võ khí tuyên truyền không chỉ tiêu hao binh lực đối phương mà phá vỡ toàn bộ hoạt động của đối phương bằng lũng đoạn, khuynh đảo, thao túng, xách động ngay trong nội bộ đối phương theo chiều hướng dồn ép tới thế tự sụp đổ.

Vận dụng võ khí tuyên truyền còn mở ra những trận đánh trường kỳ liên tục biến hóa khôn lường tùy hoàn cảnh thực tế và vô cùng đa dạng vì có thể khai thác mọi lãnh vực sinh hoạt xã hội, học đường, thông tin, nghệ thuật …

Ba yếu tố chủ yếu trong vận dụng võ khí tuyên truyền là lý tưởng hay chính nghĩa, biểu tượng và thần tượng.

Về lý tưởng, tuyên truyền nhắm truyền bá và củng cố nơi các đối tượng một niềm tin tuyệt đối vào chính nghĩa Cách Mạng Vô Sản hay đấu tranh giai cấp với mục tiêu cuối cùng bất di bất dịch là tiêu diệt tư bản để tiến tới vô sản chuyên chính trên toàn thế giới. Nhưng vì cuộc chiến gồm nhiều giai đoạn chiến lược nên tùy thời điểm, tùy cao trào hay thoái trào, có những lúc cần che giấu lý tưởng Cách Mạng Vô Sản bằng cách trưng ra những chiêu bài thích ứng với thực tế giai đoạn như Đoàn Kết Dân Tộc, Bảo Vệ Tự Do, Tranh Thủ Độc Lập vv… theo đúng sách lược Lênin – đường đi tới Paris phải qua ngả Bắc Kinh. Cụ thể là trước những đám đông quần chúng đang khao khát dành chủ quyền độc lập hãy khoan nói đến tiêu diệt tư bản, khoan nói đến chuyên chính vô sản mà chỉ nói chống thực dân, đế quốc, giải phóng dân tộc. Giải phóng dân tộc rồi thì lực lượng vô sản lớn thêm lên trong khi thực dân đế quốc yếu đi và lúc đó sẽ nhắm tới tư bản.

Nói cách khác, tuy lý tưởng là bất di bất dịch, nhưng cần linh hoạt thu hút quần chúng đi theo Đảng để tạo sức mạnh tranh thủ quyền lực cho Đảng, rồi sau đó sẽ củng cố quyền lực của Đảng để tiến tới chuyên chính độc tôn.

Biểu tượng là hình ảnh tượng trưng cho chính nghĩa đồng thời cũng là một lời nhắc nhở để vừa nhìn thấy là nhớ ngay mục tiêu phải nhắm, công tác phải làm và thái độ phải có. Biểu tượng của đấu tranh giai cấp là hình ảnh búa, liềm và màu đỏ theo quốc kỳ Liên Xô cũng là đảng kỳ của các đảng cộng sản. Tương tự như lý tưởng luôn được viện dẫn, cổ võ với mọi đảng viên, biểu tượng luôn luôn xuất hiện trong mọi dịp sinh hoạt nội bộ.

Nhưng cũng như lý tưởng, đối với các đám đông quần chúng chưa sẵn sàng chấp nhận Cách Mạng Vô Sản hoặc trong những trường hợp hướng nhắm của quần chúng hoàn toàn khác biệt với mục tiêu của Cách Mạng Vô Sản, biểu tượng có thể cần phải che lấp bằng những hình ảnh biểu tượng khác.

Chính vì thế tại Việt Nam cho đến năm 1975, biểu tượng búa liềm gần như chỉ xuất hiện trong các sinh hoạt nội bộ Đảng Cộng Sản.

Yếu tố thứ ba không kém phần quan trọng là thần tượng. Trong mọi tôn giáo, thần tượng chiếm ví trí hàng đầu. Cộng sản là một chủ nghĩa độc tôn, một thứ tôn giáo vô thần nên cũng phải có thần tượng.

Thần tượng số một của Cộng Sản là Marx với vị thế của đấng sáng tạo chỉ đường vạch hướng cho nhân loại. Nhưng để mỗi bước đi của mọi người luôn theo đúng đường hướng đã được chỉ vạch lại cần có những vị thần dắt dẫn.

Những vị thần này chính là lãnh tụ của các đảng Cộng Sản như Lênin, Stalin, Mao Trạch Đông, Titô, Hồ Chí Minh. Tuy những vị thần này không thể sánh ngang với Marx, nhưng cũng là những thần tượng được tuyệt đối tôn sùng.

Trên thực tế, những thần tượng này còn được nhắc nhở nhiều hơn so với Marx vì tương quan gắn bó với mọi hoạt động đấu tranh diễn ra trước mắt. Marx chỉ tượng trưng cho chủ nghĩa Cộng Sản nên dù được đặt ở vị thế tối cao vẫn không thể quan trọng bằng những thần tượng có vai trò trực tiếp quyết định sự thành bại cho các phong trào đấu tranh.

Thần tượng không chỉ là hình ảnh tượng trưng để những thành viên của phong trào bày tỏ thái độ kính ngưỡng mà còn là lợi khí thu phục nhân tâm đối với các đám đông quần chúng.

Trong thực tiễn đấu tranh, sức hút của lý tưởng nhiều khi không thể sánh ngang sức hút của người lãnh đạo đấu tranh nên với vai trò tượng trưng cho phong trào, các thần tượng loại này không những trở thành bất khả xâm phạm mà còn được tô vẽ bằng mọi màu sắc, hình ảnh tuyệt vời.

Với cuốn sách mỏng Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chỉ Tịch dưới bút danh Trần Zân Tiên, điêu khắc gia họ Hồ đã phác họa những nét chính và khởi công tạo nên một bức tượng làm lợi khí sắc bén cho mặt trận tuyên truyền của Cộng sản Việt Nam.

Theo luật lượng biến chất biến và đột biến của duy vật biện chứng, hiệu quả tuyên truyền sẽ là tất yếu sau quá trình lập lại liên tục những lời lẽ diễn tả một điều nào đó, dù là không có thật – nhiều lời trở thành lời hay, lập lại nhiều lần thì không sẽ thành có. Quy luật biện chứng duy vật này cũng phù hợp với quy luật tâm lý thực nghiệm “phản ứng điều kiện” của thuyết Pavlov và được áp dụng triệt để vào tuyên truyền.

Tuyên truyền được coi là võ khí chủ yếu trong tiến hành đấu tranh nên cũng là vấn đề được đặc biệt quan tâm trong hoạt động của mọi đảng Cộng Sản.

Đệ Tam Quốc Tế lập hẳn một bộ phận chuyên trách về tuyên truyền là Ủy Ban Tuyên Truyền Quốc Tế trong khi tổ chức chính quyền của mọi quốc gia Cộng Sản đều có Bộ Tuyên Truyền và tuyên truyền trở thành một bộ môn nghiên cứu, huấn luyện để tiếp tục nâng cao hiệu quả.

Trong tác phẩm Il est moins cinq, nữ sĩ Suzanne Labin đã cho thấy mức tập trung nỗ lực của khối Cộng Sản vào tuyên truyền qua nhiều sự việc và những con số cụ thể.

Theo Suzanne Labin, trong thập niên 1950, kinh phí hàng năm dành cho tuyên truyền của Liên Xô là 2 tỷ mỹ kim và số nhân viên chuyên trách về tuyên truyền là nửa triệu.

Tại Mexico, một xứ 30 triệu dân trong đó chỉ có khoảng 10 ngàn người tham gia đảng Cộng Sản và tại Quốc Hội chỉ vỏn vẹn có một dân biểu, một nghị sĩ Cộng Sản, nhưng Cộng Sản Mexico đã cho xuất bản 7 tờ nhật báo bên cạnh một số tuần báo và báo định kỳ khác. Đó là chưa kể nỗ lực xâm nhập 2 tờ nhật báo lớn Novedales và Excelsior.

Về phát thanh, Hoa Kỳ nổi tiếng có nhiều đài phát thanh nhất thế giới, nhưng theo Suzane Labin, thời lượng thông tin của Hoa Kỳ cuối thập niên 1950 không bằng một phần tư thời lượng phát thanh tuyên truyền của Liên Xô.

Các đài Liên Xô còn đồng loạt thực hiện các chương trình phát thanh bằng tiếng Pháp nhắm vào các xứ thuộc địa của Pháp ở Bắc Phi liên tục tấn công chế độ thực dân trong khi Pháp không có một chương trình nào để đối phó.

Theo Leland Stowe, “năm 1956, Trung Cộng đã bịt miệng một tờ nhật báo chống cộng ở Miến Điện bằng cách dúi cho ông chủ báo một mối lợi lớn: cho ông gia nhập công ty thương mại béo bở của họ ở Đông Phương. Họ cũng làm như thế với nhiều chủ báo khác và đến cuối năm Miến Điện đã có 5 tờ báo thân cộng”. (13)

Douglas Pike cho biết năm 1935, Cộng Sản Việt Nam ấn hành đều đặn 30 tờ báo.

Võ khí tuyên truyền trở thành võ khí chiến lược hàng đầu của đấu tranh giai cấp trước hết vì giai cấp vô sản không thể có võ khí tối tân như giai cấp tư bản.

Do đó, để đương đầu với kẻ địch được trang bị đầy đủ chỉ có thể sở cậy vào lời nói là thứ võ khí luôn có sẵn. Sử dụng võ khí này lại luôn luôn ở vị thế tấn công tức là nắm vững quyền chủ động, đồng thời có thể mở những trận đánh kéo dài vô tận ở bất kỳ nơi nào, nhắm vào bất kỳ mục tiêu nào được bảo vệ nghiêm mật nhất của địch.

Bom đạn có thể đương đầu với bom đạn nhưng không thể ngăn chặn được dư luận trong khi lời nói có thể tạo những dư luận biến thành áp lực buộc bom đạn phải ngưng tiếng hoặc thúc đẩy một tình trạng phân hóa dẫn đến tan rã trong hàng ngũ địch.

Trong cuộc chiến Việt Nam trước năm 1975, võ khí tuyên truyền được khối Cộng Sản triệt để vận dụng đã thúc đẩy tâm trạng phản chiến ngay trên đất nước Mỹ, tạo thành áp lực dư luận khiến chính giới Mỹ phải từ bỏ cuộc chiến dẫn tới cái kỳ tích là châu chấu đá nghiêng xe.

Riêng trong khuôn khổ cuộc hội đàm Paris, võ khí tuyên truyền được vận dụng dưới nhiều hình thức đã khiến nhiều thành phần dân chúng, nhiều nhân vật tên tuổi trên thế giới tin rằng Cộng Sản Việt Nam là những người yêu nước, yêu tự do đang đấu tranh bênh vực cho nguyện vọng chính đáng của nhân dân Việt Nam.

Kết quả thực tế mà võ khí tuyên truyền mang lại là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, một công cụ của chính quyền Cộng Sản Hà Nội, đã được ngồi ngang với Mỹ trong bàn hội nghị và đại diện của tổ chức công cụ này là Nguyễn Văn Hiếu được đức Giáo Hoàng đích thân tiếp kiến tại thư viện Vatican.

Trong khi đó, một cán bộ nhân viên ngoại giao tầm thường của Hà Nội là Nguyễn Thị Bình được báo chí thế giới coi như một yếu nhân chính trị Việt Nam và Lê Đức Thọ đã đạt vinh dự nhận lãnh giải Nobel Hòa Bình …

Đây là những kết quả không thu hoạch từ bom đạn mà từ lời nói với tư cách võ khí tuyên truyền.

Lời nói với tư cách võ khí tuyên truyền không chỉ đơn thuần là ngôn ngữ mà là sự truyền đạt ý tưởng – cụ thể là truyền đạt một dụng ý – bằng vô hạn hình thức từ ngôn ngữ, cử chỉ, hành vi, thủ đoạn, trang phục, phong thái…

Lời nói với tư cách võ khí tuyên truyền là hành vi cắt tóc của Tào Tháo, hành vi ném con của Lưu Bị trong truyện Tam Quốc (14)…và cách chọn y phục của Hồ Chí Minh khi đi gặp tướng Tiêu Văn tại Hà Nội năm 1945 qua lời thuật lại của Võ Nguyên Giáp: “Bác chỉ định mấy đồng chí cùng đi. Thấy một đồng chí mang dép, Bác bảo về nhà thay giày. Bác nói: “Khi nào gặp “người ta”, tôi ăn mặc thế nào cứ mặc tôi, nhưng các chú thì phải cho tề chỉnh”. (15)

Từ cuối thập kỷ 1920, mục tiêu của chủ thuyết Cộng Sản, chiến lược sách lược đấu tranh giai cấp, vai trò lãnh đạo của Đệ Tam Quốc Tế và võ khí tuyên truyền đã trở thành những tác nhân chủ yếu đối với mọi phong trào cách mạng Việt Nam.

Những tác nhân này đã chia lực lượng cách mạng Việt Nam thành hai dòng đối nghịch khơi nguồn cho một cuộc chiến tới nay còn tiếp tục là đề tài tranh cãi về thực chất.

Với một số người, cuộc chiến Việt Nam từ 1945 là cuộc chiến của nhân dân Việt Nam do Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo chống lại các lực lượng ngoại xâm, cụ thể là hai cường quốc Pháp – Mỹ.

Hướng nhìn này xác định mục tiêu rõ rệt của cuộc chiến là giải phóng dân tộc, bảo vệ chủ quyền quốc gia nên Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản Việt Nam được tuyên dương là anh hùng yêu nước, cha già dân tộc do có công đánh đuổi thực dân đế quốc, thống nhất đất nước.

Nhưng cũng không ít người bác bỏ với nhiều lý do, đặc biệt là sự kiện nhiều triệu người dân Việt Nam đã chấp nhận đương đầu với cả cái chết để thoát khỏi cảnh sống tại quê hương sau khi được giải phóng.

Một chuyên gia về Việt Nam là Duncanson còn quả quyết đảng Cộng Sản Việt Nam không bao giờ là một lực lượng đấu tranh yêu nước mà ngược lại, gần như là một lực lượng chống lại những người yêu nước đấu tranh chống thực dân – almost anti-anti-colonial.

Tính phức tạp của cuộc chiến Việt Nam xuất phát từ sự bác bỏ hoặc lượng định khác biệt về dấu ấn Cách Mạng Vô Sản Nga dẫn tới những gắn kết được gán ghép trái ngược với cục diện thế giới đương thời.

Trên thực tế, không thể chối bỏ Cách Mạng Vô Sản Nga đã đặt toàn thế giới vào thế đối đầu do mục tiêu thanh toán giai cấp tư bản để thiết lập chuyên chính vô sản nên từ đó đã khởi diễn cuộc chiến tranh ý thức hệ mang tính toàn cầu giữa các quốc gia Tây Phương với khối Cộng Sản do Liên Xô lãnh đạo.

Bất kể các quốc gia Tây Phương có theo đuổi một ý thức hệ nào hay không, chiến tranh ý thức hệ vẫn hiện hữu do mục tiêu cuối cùng của chủ thuyết Cộng Sản đòi hỏi phải tiến hành mọi nỗ lực chiến tranh từng ngày từng giờ cho tới khi toàn bộ giai cấp tư bản bị tiêu diệt.

Chiến tranh không chỉ tiến hành bằng súng đạn mà bằng mọi phương tiện, không chỉ nhắm triệt hạ binh lực địch mà nhắm tiêu diệt toàn bộ địch, không chỉ đối đầu với địch ở một lãnh vực nào mà tấn công trên khắp các lãnh vực sinh hoạt...

Chiến tranh không cần lý do, không cần tuyên chiến, bất chấp mọi thái độ kể cả thiện chí hòa bình của kẻ địch vì nằm trong quy luật tất yếu của tiến trình sinh hóa với tính chất thường trực và trường kỳ.

Trong cuộc chiến tranh tất yếu này, hết thẩy các phong trào cộng sản trên thế giới đều phải tuân thủ sự chỉ đạo của tổ chức Đệ Tam Quốc Tế, liên kết và hỗ trợ lẫn nhau bằng mọi cách tùy theo vị thế tương quan.

Cho nên Hồ Chí Minh mới xác định “cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam là một bộ phận. Cách mạng Việt Nam được sự ủng hộ của cách mạng thế giới và cách mạng Việt Nam góp phần vào cuộc cách mạng thế giới đó – cách mạng vô sản, cách mạng xã hội chủ nghĩa, đánh đổ tư bản chủ nghĩa”.

Do đó, dù muốn dù không vẫn phải đặt cuộc chiến Việt Nam vào bối cảnh chiến tranh ý thức hệ toàn cầu giữa một bên là Cộng Sản và một bên là Tư Bản, theo quan niệm của Cộng Sản, kể cả khi phủ nhận sự hiện diện của một ý thức hệ Tư Bản.

Trong bối cảnh này, mọi cuộc chiến do Cộng Sản chi phối diễn ra ở bất kỳ nơi nào cũng đều không thoát khỏi tính cục bộ của chiến tranh ý thức hệ với mục tiêu giành quyền chuyên chính cho giai cấp Vô Sản – được đại diện bởi đảng Cộng Sản Nga hoặc chính quyền Liên Xô – dù mang bất kỳ chiêu bài nào.

Bác bỏ tính cục bộ của cuộc chiến Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh ý thức hệ toàn cầu là điều bất khả. Vì Hồ Chí Minh đã gia nhập Đệ Tam Quốc Tế từ tháng 12-1920, trở thành ủy viên Hội Đồng Quốc Tế Nông Dân từ tháng 10-1923, công tác tại Bộ Phương Đông Đệ Tam Quốc Tế từ ngày 14-4-1924 và Cộng Sản Việt Nam đã được chính thức nhìn nhận là một chi bộ của Đệ Tam Quốc Tế từ tháng 3-1931.

Vấn đề còn lại chỉ là thẩm định mức độ dấu ấn của Cách Mạng Vô Sản Nga trong cuộc chiến Việt Nam qua những tiêu điểm về chủ thuyết Cộng Sản, về chiến lược sách lược, về vai trò chỉ đạo của Đệ Tam Quốc Tế và về sự vận dụng võ khí tuyên truyền.

Mức độ dấu ấn này chính là những tiêu chuẩn định giá vững chắc về con người Hồ Chí Minh đồng thời cũng là lời giải đáp cho hàng loạt nghi vấn đang có.



CHÚ THÍCH

CHƯƠNG 43

_____________________________

(01) Trong tác phẩm Sách Lược Xâm Lăng của CS của Minh Võ, Saigon, 1963, tác giả đã dành 200 trang tóm tắt những khái niệm này. Ở đây chỉ xin nêu một số điểm hết sức đại cương.

(02) Cả Marx, Engels lẫn Lênin, Stalin đều không nói đến một chế độ nào tốt hơn sau chế độ cộng sản, giống như lịch sử loài người đến đó là chấm dứt. Vì nếu theo đúng luật biện chứng thì chế độ cộng sản không thể không chứa sẵn trong mình cái mầm mâu thuẫn để tự hủy diệt hầu phát sinh cái mới tiến bộ hơn.

(03) Cụ thể là “độc tài đảng trị” (đảng của giai cấp vô sản). Marx dùng tiếng Đức được dịch ra tiếng Anh là “dictatorship of the proletariat”. Bình thường chữ dictator được hiểu là độc tài. Nhưng CSVN và TC muốn gán cho từ đó một ý nghĩa “cao cả” nên đổi thành “chuyên chính”.

(04) Lênin toàn tập, tập IX, tr. 432, ghi theo Stalin.

(05) Lênin toàn tập, tập XXIV, bản Nga ngữ , tr. 311, cước chú của Stalin

(06) Stalin tuyển tập, bản Anh ngữ – International Publishers, New York 1942, tr. 14.

(07) Theo ngôn ngữ Tây Phương như tiếng Nga, Anh, Pháp … thì đó là chiến thuật – tactics. Trung Cộng và CS Việt Nam không dùng từ chiến thuật mà thay bằng từ sách lược có phần chính xác và đầy đủ hơn với khái niệm chiến tranh giai cấp của Marx là cuộc chiến toàn bộ, toàn diện và trường kỳ. Từ chiến thuật chỉ dùng để nói về những phương pháp chiến tranh thuần túy quân sự.

(08) Theo Di Sản Mác-xít tại Việt Nam của Đỗ Mạnh Tri, Cali, 2002, tr. 88.

(09) Tại đại hội các đảng cộng sản và công nhân thế giới năm 1960, khi không còn Đệ Tam Quốc Tế nữa, có sự hiện diện của 81 trên tổng số 87 đảng.

(10) Do điều lệ này nên trong biên bản hội nghị thứ 11 của ban chấp hành Đệ Tam Quốc Tế, cuối tháng 3 năm 1931, ghi rõ “Hội nghị nhất trí thông qua nghị quyết công nhận đảng Cộng Sản Đông Dương là một chi bộ độc lập của Quốc Tế Cộng Sản”.

Về chi tiết, xin đọc Bác Hồ Trên Đất Nước Lênin của Hồng Hà.

(11) Xin xem 2 chương 6–7, Tâm Sự Nước Non của Minh Võ, Tiếng Quê Hương, Virginia 2002.

(12) Xem chương 42 phần II.

(13) Về chi tiết khác, xin đọc Sách Lược Xâm Lăng của CS của Minh Võ xb tại SàiGòn 1963, 1970, hiện có lưu trữ trong thư viện Quốc Hội Mỹ và các trường đại học Seattle, WA, Cornell, NY, Wisconsin... từ tr. 92- 98.

(14) Trong Tam Quốc Chí, Tào Tháo hạ lệnh xử chém bất kỳ binh sĩ nào trên đường hành quân mà có hành vi nhiễu hại dân chúng. Sau khi quân lệnh được ban ra, chính Tào Tháo lại vô tình phóng ngựa làm hư hại một khu ruộng lúa. Tào Tháo gọi hình quan tới luận tội mình. Hình quan không dám luận tội chủ soái nên Tào Tháo dùng gươm cắt đứt mái tóc coi như chính mình đã chịu hình phạt chém đầu.

Phần Lưu Bị thua chạy trong trận Đương Dương, con trai là A Đẩu được Triệu Tử Long cứu thoát. Khi Tử Long bồng A Đẩu đưa cho Lưu Bị, Lưu Bị lập tức quăng con xuống đất và la lớn: “Chỉ vì mi mà ta suýt mất một viên đại tướng”

(15) Những năm tháng không thể nào quên của Võ Nguyên Giáp, Nxb Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội 2001, tr. 87

No comments: