Saturday, September 23, 2006

Lời Nói Đầu

Lời Nói Đầu  

Từng nghe nói trong mỗi con người luôn tiềm ẩn một thiên thần và một ác quỷ.
Nhưng con người không phải là thần cũng chẳng phải là quỷ. Lý tưởng mà con người theo đuổi, thành quả mà con người đạt được cùng với hành vi biểu hiện cuộc sống của con người sẽ cho phép nhận diện con người nghiêng về phía thần hay về phía quỷ.
Điều này càng đúng khi áp dụng với những người đấu tranh chính trị. Mục tiêu mà họ theo đuổi, phương thức dành quyền lực mà họ thi thố, quyền lực mà họ vận dụng, ảnh hưởng vai trò của họ tác động vào sinh hoạt xã hội nói chung ... chính là nền tảng cụ thể nhất để đánh giá họ nghiêng về phía nào.

Hồ Chí Minh là người tham gia đấu tranh chính trị và là một nhân vật lịch sử Việt Nam. Thời kỳ đấu tranh của Hồ Chí Minh cũng là thời kỳ lịch sử Việt Nam gắn liền với nhiều biến cố trọng đại của thế giới trong thế kỷ 20. Vì thế, Hồ Chí Minh còn được coi là một nhân vật lịch sử của thế giới trong thế kỷ vừa qua.

Nhưng, có những nhân vật lịch sử thường xuyên hiện ra giữa ánh sáng chói chang thì cũng có những nhân vật lịch sử luôn lẩn khuất sau nhiều lớp sa mù. Có những nhân vật lịch sử hoàn toàn trở thành dấu tích dĩ vãng ngay sau khi từ giã cõi đời thì cũng có những nhân vật lịch sử tiếp tục tác động vào mọi sinh hoạt của nhiều thế hệ tiếp nối.
Hồ Chí Minh không nằm trong số nhân vật lịch sử mau chóng trở thành dĩ vãng. Ông trút hơi thở cuối cùng từ ngày 2 tháng 9 năm 1969, nhưng gần như vẫn có mặt trong từng biến cố của Việt Nam sau ngày đó. Hồ Chí Minh cũng không nằm trong số nhân vật lịch sử mà toàn bộ cuộc sống và con người là những trang sách luôn mở rộng cho bất kỳ ai muốn tìm đọc. Cuộc sống và con người Hồ Chí Minh lẩn khuất sau nhiều lớp màn che với những màu sắc trái ngược để luôn là một bí ẩn giữa những huyền thoại.
Chính vì thế, Hồ Chí Minh trở thành đối tượng được diễn tả theo nhiều cách khác biệt, thậm chí trái ngược như  ngày với đêm, như trắng với đen.

Nhiều nhà văn, nhà báo, nhà viết sử trên thế giới đã coi Hồ Chí Minh là một chính trị gia tài ba, một người nặng tinh thần quốc gia chủ nghĩa hơn là tinh thần quốc tế chủ nghĩa dù Hồ Chí Minh là người cộng sản. Một số tác giả còn đi xa hơn không ngần ngại gọi Hồ Chí Minh là nhà ái quốc của Việt Nam. Đa số các tác giả này đều nghĩ rằng Hồ Chí Minh đã được toàn thể hoặc ít nhất là phần lớn dân chúng Việt Nam tôn kính và tin tưởng. Nhiều tác giả đã nhắc tiếng “Bác” mà người dân Việt Nam dùng gọi Hồ Chí Minh, nhắc chuyện Hồ Chí Minh được sùng bái như một vị thần, được dân chúng ở vài nơi lập miếu thờ và coi đó như bằng chứng xác minh nhận định của họ là trong trái tim người dân Việt Nam, Hồ Chí Minh đã có vị thế của một “lãnh tụ vĩ đại”, một “anh hùng cứu quốc”, một “cha già dân tộc”...

Đồng thời, không thiếu những người cầm bút khác lại nhìn Hồ Chí Minh như kẻ đại phản quốc đối với dân tộc Việt Nam. Dưới mắt những tác giả này, Hồ Chí Minh đã say mê lý tưởng cộng sản tới mức sẵn sàng đưa đất nước và đồng bào vào những thảm cảnh đau đớn cùng tột để cố giành thắng lợi cho Khối Đệ Tam Quốc Tế trong cuộc đối đầu với các quốc gia Tây Phương. Không những thế, Hồ Chí Minh còn là con người tàn ác xảo trá, trọn đời là một chuỗi dài thủ đoạn hiểm độc. Chứng cớ viện dẫn cho nhận định này là hành vi sát hại các nhà ái quốc vào thời gian trước và sau 1945 để nắm độc quyền lãnh đạo, hành vi bịp bợm tuyên bố giải tán Đảng Cộng Sản năm 1945, hành vi dối gạt dư luận tự tô vẽ một bề ngoài thánh thiện trong khi sống nhầy nhụa như một kẻ vô luân, hành vi tắm máu nửa triệu người vô tội với chính sách cải cách ruộng đất thời khoảng 1953-1955, hành vi cưỡng chiếm miền Nam bằng võ lực gây nên cuộc chiến đẫm máu suốt 20 năm, và trên hết là sự đẩy lui đất nước vào cảnh sống đọa đày trong ngu dốt, đói nghèo và ngục tù áp chế cho tới ngày nay... Tất nhiên, theo những tác giả này, hình tượng Hồ Chí Minh trong trái tim người dân Việt Nam chỉ có thể diễn tả bằng những từ thóa mạ đã xuất hiện ngay từ 1945-46 như “cáo Hồ”, “quỷ vương”, “ma đầu”... Bằng chứng cao hơn hết cho sự khiếp hãi và lòng thù hận của người dân Việt Nam đối với Hồ Chí Minh là sự kiện hàng triệu người bỏ trốn khỏi miền Bắc năm 1954 và ít nhất hơn hai triệu người đã bất chấp mọi nỗi hiểm nghèo, kể cả sóng gió đại dương, bỏ quê hương vượt biển ra đi sau ngày 30.4.1975.

Tóm lại, ý kiến nhận định về Hồ Chí Minh rải rác trong hàng trăm tác phẩm viết về chiến tranh Việt Nam và về tiểu sử Hồ Chí Minh được chia làm hai loại rõ rệt, hoàn toàn trái ngược. Một bên coi ông như thần tượng, một bên coi ông là "tên phản quốc số một của thời đại".

Sự kiện này không chỉ xảy ra với riêng Hồ Chí Minh và có thể dễ dàng gạt qua nếu Hồ Chí Minh không thuộc hàng ngũ đấu tranh chính trị, tức cuộc sống và hành vi của ông không gắn liền với các biến cố chung trong một giai đoạn lịch sử. Ở trường hợp này, dù ông là thiên thần hay ác quỉ thì ảnh hưởng lớn nhất vẫn không vượt khỏi giới hạn thúc đẩy sự ngưỡng mộ hay khinh ghét đối với riêng một cá nhân biệt lập. Sự ngưỡng mộ hay khinh ghét dành cho một nghệ sĩ chẳng hạn không trở thành mối bận tâm của xã hội, vì đó là biểu hiện quyền tự do và không hề dẫn tới những nhận định sai lạc về các biến cố chung đã diễn ra. 

Sự kiện này vẫn có thể gạt qua dù Hồ Chí Minh thuộc hàng ngũ đấu tranh chính trị nhưng nằm trong số những nhân vật lịch sử đã hoàn toàn trở thành dĩ vãng. Những bạo chúa như Tần Thủy Hoàng, Neron... những lãnh tụ tàn ác như  Hitler, Staline... ngay giờ phút này vẫn có thể còn được một số người ngưỡng mộ và tiếp tục là đề tài ca ngợi của một số người cầm bút nào đó trên thế giới. Nhưng việc bày tỏ sự ngưỡng mộ những nhân vật này và sự xuất hiện các tác phẩm ca ngợi họ không thể khiến đổi ngược thực chất mọi biến cố mà họ từng tham dự. Đồng thời, dù được chiếu sáng bằng ánh hào quang nào thì họ cũng không thể vượt khỏi vai trò dấu tích của một thời đã khuất để tác động nổi vào tiến trình sinh hoạt chung của xã hội hiện nay.
Hồ Chí Minh nằm ngoài cả hai trường hợp trên.

Với tư cách chính trị gia, con người và hoạt động của Hồ Chí Minh gắn kết với hàng loạt biến cố có tầm mức xoay chuyển hẳn chiều hướng sinh hoạt xã hội Việt Nam suốt hơn nửa thế kỷ qua. Không thể bác bỏ dấu ấn Hồ Chí Minh trên thực tế Việt Nam kể từ đầu thập niên 1940 hay nói một cách khác, lịch sử Việt Nam từ thời điểm trên không thể tách khỏi con người và hành động của Hồ Chí Minh.

Nhu cầu đánh giá chính xác các biến cố đương nhiên bao gồm nhu cầu đánh giá chính xác về con người và hành động của Hồ Chí Minh. Tác động hỗ tương giữa người và việc ở đây rất rõ ràng. Điều này đã lý giải sự trạng có một số đông người cầm bút trên thế giới viết về Hồ Chí Minh. Con người và tên tuổi Hồ Chí Minh chưa hẳn đủ tầm vóc khiến nổi số người trên chọn đề tài Hồ Chí Minh, nhưng mức tác động vào đời sống thế giới của vấn đề Việt Nam từ nửa thế kỷ qua đòi hỏi phải được tìm hiểu thấu đáo và trong tiến trình đánh giá các biến cố tại Việt Nam, các tác giả không thể không đánh giá về nhân vật Hồ Chí Minh.

Tiến trình đánh giá các biến cố tại Việt Nam chưa dừng lại vì nhiều ẩn số vẫn chưa tìm được giải đáp dứt khoát. Chứng cớ cụ thể là đang hiện diện song song hai lối nhìn trái ngược về Hồ Chí Minh. 

Cần xác định ngay rằng sự hiện diện hai lối nhìn trái ngược về riêng một con người không phải động cơ chủ yếu thúc đẩy việc tiếp tục nhận dạng Hồ Chí Minh. Nhận dạng Hồ Chí Minh hoàn toàn không cần thiết nếu nằm ngoài ý nghĩa là một đoạn đường trên con đường nhận dạng một thời kỳ lịch sử. Vấn đề được đặt ra, và bắt buộc phải đặt ra, chính là yêu cầu thẩm định chính xác về mọi biến cố tại Việt Nam, trong đó không thể bỏ qua sự thẩm định chính xác về nhân vật Hồ Chí Minh.

Yêu cầu trên càng khẩn thiết do tính nối dài liên tục của những biến cố khởi đầu từ thập niên 1940. Cho tới nay, thực tế và tương lai Việt Nam không chỉ in hằn dấu vết những biến cố đã qua mà tiếp tục bị nhào nặn, bị khuôn nén bởi chính những biến cố đó. Nếu hình dung Việt Nam như một con thuyền thì con thuyền Việt Nam chưa ra khỏi cảnh ngộ quay cuồng giữa cơn lũ dấy lên từ hơn nửa thế kỷ qua. Điều kiện tất yếu cho nỗ lực định hướng vượt qua sóng gió để thuận mái xuôi dòng chính là sự đáp ứng đòi hỏi nhận thức chính xác về cơn lũ.

Ngoài ra, sự hiện diện của Hồ Chí Minh trong các biến cố đang tiếp diễn tại Việt Nam là điều không thể phủ nhận. Tính tới nay, Hồ Chí Minh đã qua đời tròn 34 năm, nhưng dưới chế độ hiện nay trong nước, từng ngày từng giờ tên Hồ Chí Minh vẫn được nhắc nhở như ánh sáng soi đường cho mọi công việc và khuôn mẫu sống cho mọi lứa tuổi, từ trẻ đến già. Hồ Chí Minh không chỉ là dấu ấn trên thực tế của một thời kỳ mà tiếp tục là động cơ chi phối thực tế xã hội Việt Nam. Vì thế, việc nhận dạng Hồ Chí Minh còn vượt xa thêm khỏi ý nghĩa một đoạn đường nhận dạng các biến cố lịch sử. 
Phải nhận dạng Hồ Chí Minh, nếu muốn đánh giá chính xác các biến cố đã và đang diễn ra trên đất nước Việt Nam. Và, càng phải nhận dạng Hồ Chí Minh, nếu muốn đánh giá chính xác hướng tương lai của đời sống Việt Nam dưới ảnh hưởng trùm lấp mọi phương diện sinh hoạt xã hội của ông.

Đây là hai động cơ chủ yếu thúc đẩy sự hình thành nội dung cuốn sách này –  nhận dạng một con người đã và đang tiếp tục chi phối đời sống Việt Nam để góp phần nhận dạng một giai đoạn lịch sử, đồng thời góp phần đánh giá chính xác chiều hướng diễn biến của thực tế xã hội Việt Nam hiện nay. 
 
*
Qua nhận định của những tác phẩm mà chúng tôi được đọc, nhân vật Hồ Chí Minh đã được quan sát từ nhiều góc độ và được khắc họa bằng nhiều màu sắc. Chân dung nhân vật Hồ Chí Minh không chỉ là một hình tượng mà bao gồm toàn bộ khía cạnh sống của con người từ tâm tưởng, ý chí, lời lẽ, hành vi, tương quan, sự nghiệp ... thậm chí gồm cả những nét diễn tả theo huyền thoại và theo cảm xúc riêng của một số người viết.
Tất nhiên, các góc độ quan sát khác biệt đã đưa đến những bức chân dung khác biệt và không thể có sự tương hợp hoàn toàn giữa các bức chân dung. Nhưng mức độ khác biệt dù mở lớn tới cùng cực vẫn chỉ đặt vào mọi bức chân dung hai màu sắc chủ yếu để có thể phân thành hai loại tương phản như đã nhắc ở trên.

Lý do nào khiến xuất hiện hai loại chân dung Hồ Chí Minh tương phản như thế?  
Bằng cách nghĩ bình thường, người ta dễ dàng cho rằng sự kiện trên chỉ do thế đứng đối nghịch của các tác giả trong tình trạng phân tranh từng diễn ra tại Việt Nam. Ngay từ tháng 8-1945, chính trường Việt Nam đã có sự đối đầu giữa những người chọn chủ nghĩa Cộng Sản làm lý tưởng và những người tham gia đấu tranh với tinh thần quốc gia yêu nước. Cuộc phân tranh kéo dài đã tác động vào hướng suy tư của nhiều người cầm bút trên thế giới và dần dần hình thành thái độ hỗ trợ phía này hoặc phía khác.
Các tác giả thuộc phe Cộng Sản hoặc nghiêng về phe này dĩ nhiên phải ca tụng Hồ Chí Minh, phải tìm thấy ở nhân vật này mọi đức tính của một con người cao cả, một bậc anh hùng. Ngược lại, các tác giả thuộc phe đối kháng không thể nhìn nhận Hồ Chí Minh là người yêu nước vì vai trò cán bộ Quốc Tế Cộng Sản của ông ta và không ngần ngại đổ hết mọi sự tàn ác gian trá lên đầu kẻ tiêu biểu cho phe đã đánh bại mình.
Sự thực có giản dị như vậy không?

Đành rằng không thể phủ nhận thái độ hận thù do phe phái, nhưng không thể vì thế mà dễ dàng đẩy hết người trên khắp thế giới vào phe này hay phe kia để tùy tiện đánh giá mọi nhận định đã được phát biểu.

Trong thực tế, bên cạnh những người cộng sản Việt Nam vốn là thủ hạ của Hồ Chí Minh cầm bút ca ngợi lãnh tụ vẫn có nhiều người cầm bút trên thế giới không hề đứng chung trận tuyến với họ có cái nhìn về Hồ Chí Minh phần nào tương hợp với họ. Đồng thời, bên cạnh những người Việt Nam thù hận Cộng Sản sẵn sàng thóa mạ Hồ Chí Minh cũng có không ít người cầm bút trên thế giới chưa từng chọn thế đứng chống đối Cộng Sản đã khắc họa Hồ Chí Minh như một tai họa đối với dân tộc Việt Nam. 

Hơn nữa, trong số những tác phẩm xóa bỏ các huyền thoại tô vẽ cho Hồ Chí Minh và coi ông ta như một kẻ xảo quyệt, tham tàn lại có những tác phẩm mà tác giả chính là người cộng sản Việt Nam. Cũng không thể quên rằng nhiều tài liệu được các tác giả dùng làm cơ sở cho nhận định chính là tài liệu được lưu trữ hoặc công bố bởi các cơ quan hay giới chức từ Mạc Tư  Khoa và Bắc Kinh.

Thái độ thù hận phe phái dù là một thực tế nhưng không đủ để lý giải sự nhận định trái ngược đang có về Hồ Chí Minh.

Theo thiển kiến, nhận định trái ngược này xuất phát từ quan niệm khác nhau về lý tưởng và tiếp theo là quan niệm khác nhau về lý tưởng mà Hồ Chí Minh theo đuổi.
Sự đánh giá cao lý tưởng cộng sản với mục đích đấu tranh giai cấp trên toàn thế giới hay đánh giá cao lý tưởng quốc gia với mục đích đấu tranh giải phóng dân tộc là nền tảng thứ nhất hình thành cái nhìn khác biệt về Hồ Chí Minh. Nền tảng thứ hai hình thành cái nhìn khác biệt là sự xác định về lý tưởng của bản thân Hồ Chí Minh. Dù Hồ Chí Minh là cán bộ của Đệ Tam Quốc Tế với những nhiệm vụ rõ rệt được trao phó từ Liên Xô nhưng vẫn có người cho rằng Hồ Chí Minh không theo con đường đấu tranh giai cấp mà là một người yêu nước.

Những nhận định khởi từ nền tảng thứ nhất có thể dễ dàng giải thích bằng thế đứng nghiêng về phía này hay phía khác và cũng dễ dàng thẩm định mức độ chân xác do dụng ý đề cao hoặc hạ thấp đối tượng. Từ nền tảng này, thế đứng của người cầm bút luôn giữ vai trò quyết định sự hình thành các nhận định được phát biểu trong khi yêu cầu khắc họa chính xác về đối tượng có thể sẵn sàng bị gạt bỏ nếu cần thiết.
Những nhận định khởi từ nền tảng thứ hai không nằm trong vòng chi phối của các thế đứng nghiêng về phía này hay phía khác nên có thể kể là biểu hiện hoàn toàn hướng nhìn chủ quan của người cầm bút. Nhưng hướng nhìn chủ quan của bất kể cá nhân nào cũng không thoát khỏi qui luật hình thành dựa trên tác động của mọi mặt diễn hóa sự sống bao gồm từ cảnh ngộ, tâm tư riêng biệt của từng cá nhân tới khung cảnh thực tế chung của thời đại thông qua cách tiếp nhận cũng hoàn toàn riêng biệt của từng cá nhân. Một thảm cảnh chiến tranh, một hành vi tranh đấu, một lời nói dịu dàng, một giai thoại cảm động hay vóc dáng, cử chỉ của một nhân vật nào đó... luôn ghi lại dấu ấn khác nhau trong tâm tư của các đối tượng để từ đó dẫn tới những hướng nhận định không thể tương hợp. Những nhận định trái ngược từ nền tảng này rất khó khăn cho nỗ lực giải thích và thẩm định mức chân xác vì không giới hạn theo một định hướng và vô cùng phức tạp.

Dù vậy, đối diện với những nhận định đã có về Hồ Chí Minh vẫn là bước bắt buộc phải qua để xóa những lớp mây mù che khuất một khuôn mặt thật đầy bí ẩn hầu có thể hoàn tất cái công việc nhận dạng chính xác về một nhân vật lịch sử mà nhu cầu thực tế Việt Nam đang đòi phải đáp ứng.

Chúng tôi sẽ cố gắng xem xét tất cả những nhận định trên từ nhiều góc độ, phân tích trên cả 3 phương diện lịch sử, chiến lược sách lược và chủ thuyết với mong ước đi tới một nhận định tổng hợp thể hiện mức chính xác hơn.

Khi dùng từ tổng hợp, chúng tôi đã nhớ tới từ ngoại ngữ synthétique hay synthetical và có thể khiến bạn đọc liên tưởng tới các từ synthèse hay synthesis vừa có nghĩa khoa học vừa có nghĩa triết học đã được biết trong quá trình biện chứng tam cấp của Hégel: Đề (thèse), Phản Đề (antithèse), và Hợp Đề hay Tổng Đề (synthèse) (1).  Sự liên tưởng như vậy không có hại gì, vì trong hàng trăm tác phẩm viết về Hồ Chí Minh, hoặc hàng ngàn câu nói ca tụng hay chỉ trích ông, quả tình, nói chung, có hai xu hướng trái ngược nhau, như đề với phản đề. Nếu từ đó đưa ra một nhận xét cân bằng hơn thì cũng là một thứ tổng đề hay hợp đề nào đó.

Nghĩa khoa học của từ tổng hợp (synthèse) thì biểu hiện cụ thể bằng công việc tại các phòng thí nghiệm: phân tích (analyse, analysis) và tổng hợp (synthèse, synthesis). Đem nước phân tích sẽ thành khinh khí và dưỡng khí. Đem 2 chất khí này tổng hợp theo tỷ lệ H2O sẽ có nước. Như vậy tổng hợp khác hẳn tổng cộng và càng khác với pha trộn (mélange).

Chính trong khái niệm đó, chúng tôi chọn từ tổng hợp với ý nghĩ xác định không theo đuổi công việc pha trộn hay chỉ đúc kết, tổng cộng các nhận định đã được phát biểu về Hồ Chí Minh.

Nhưng việc phân tích và tổng hợp khoa học luôn đòi phải có chất xúc tác thì việc nhận dạng một con người không thể thiếu nhận thức về môi trường sống của con người đó. Tác động hỗ tương giữa môi trường sống và con người không chỉ giúp xác định mức chính xác của các biến cố liên hệ đến con người mà còn giúp thấu triệt quá trình hình thành những nét đặc trưng của chính con người. Môi trường của một con người luôn thay đổi theo thời gian và con người cũng có thể liên tục thay đổi môi trường nên việc đáp ứng nhu cầu nhận thức về khía cạnh này đòi hỏi không thể rời xa những thay đổi đó.

Một cách cụ thể, để nhận dạng Hồ Chí Minh, bắt buộc phải nhìn lại những môi trường sống của ông khi còn là cậu bé Nguyễn Sinh Cung tự Cuông hay Coong hay Bé Con, khi mang tên Nguyễn Tất Thành để đến trường cho tới lúc xuất dương, khi mang tên Ba ở trên tàu biển, khi mang tên Nguyễn Ái Quốc ở Pháp chung với các nhà cách mạng Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh (và có thể cả Phan Châu Trinh), khi một mình mang cái tên đó, khi lấy tên Lý Thụy, Vương, Tống Văn Sơ,  Hồ Quang... ở Trung Hoa và ở Xiêm, khi chọn cái tên cuối cùng Hồ Chí Minh “để ghi nhớ không nguôi người vợ Trung Hoa Tăng Tuyết Minh”, một nữ hộ sinh Kitô giáo, một đảng viên cộng sản trung kiên và một người chung tình.(**) 

Tất nhiên khi nhận dạng một nhân vật đấu tranh, những ghi nhận về môi trường sống không thể khuôn hạn trong thực trạng sinh hoạt kinh tế, xã hội, văn hóa mà bắt buộc phải mở rộng qua phạm vi chính trị với những ghi nhận chính xác về các biến cố, các lực lượng cùng các chủ thuyết, các chiến lược sách lược đấu tranh... Thiếu những ghi nhận trên, bức tường trở ngại sẽ trở thành bất khả vượt với độ cao vòi vọi.
Bởi vì, bằng cách nào để nhận dạng nhân vật Hồ Chí Minh khi không thấu hiểu về chủ nghĩa cộng sản, không thấu hiểu về chiến lược sách lược của tổ chức Đệ Tam Quốc Tế (cụ thể là Liên Xô), không thấu hiểu về cách thức Cộng Sản thu dụng, đào tạo Hồ Chí Minh cùng nhiệm vụ ông đã nhận lãnh? Và bằng cách nào để nhận dạng Hồ Chí Minh, khi không thấu hiểu về tổ chức Đảng và Chính Phủ do ông lãnh đạo, không thấu hiểu về chủ trương đường lối của ông trong cuộc chiến Việt Nam, không thấu hiểu về cái chế độ mà ông đã để lại như một di sản?

Ý thức về yêu cầu đó khiến chúng tôi hiểu rằng dù chọn từ tổng hợp để định danh cho công việc của mình, giới hạn hiểu biết của chúng tôi khó cho phép chúng tôi vượt qua mức độ chỉ góp phần cho nỗ lực tiến tới một nhận định tổng hợp về Hồ Chí Minh.
 
*
Về suy luận, chúng tôi phối hợp phương pháp cổ điển giản đơn của Aristote (384–322 B.C) từng phổ cập bởi các triết gia lớn như Saint Thomas Aquinas (1225-1274), René Descartes (1596-1650)... với biện chứng pháp của Friedrich Hégel (1770-1831), duy vật biện chứng của Karl Marx (1818-1883), suy diễn theo cả diễn dịch pháp (deduction) lẫn quy nạp pháp (induction), vừa khởi từ các nguyên tắc cơ bản của chủ thuyết để đi tới những sự kiện cụ thể, vừa đi ngược từ những sự kiện cụ thể trở về các nguyên tắc cơ bản của chủ thuyết. Nói một cách nôm na, xét cây để hiểu quả, và ngược lại, xem quả để biết cây.

Đây là một con đường gập ghềnh, nhưng chúng tôi không còn chọn lựa nào khác để có thể đạt kết quả tương đối hợp với mong mỏi.

Chúng tôi hy vọng phương pháp này sẽ giúp vượt khỏi khuyết điểm võ đoán rất thường xẩy ra với tất cả mọi người để góp phần tích cực vào công việc loại bỏ những đám mây mù cho tới lúc này vẫn không ngừng che phủ nhân vật Hồ Chí Minh và vì thế vẫn tiếp tục ngăn trở mọi nỗ lực đánh giá chính xác về thực tế lịch sử Việt Nam nửa thế kỷ qua. Nhưng chúng tôi đạt được mức độ nào trong công việc vẫn là vấn đề của thực tế và hoàn toàn theo sự lượng định của bạn đọc.
 
*
Nội dung sách được chia làm 3 phần.
Phần I và II giới thiệu và phân tích sơ lược về những tác phẩm viết về đề tài Hồ Chí Minh đã xuất bản, gồm 2 loại: Loại tiểu sử và loại nhận định.
Mỗi loại này đều được chia thành 2 theo phân loại tác giả:

– 1. Tác giả ngoại quốc
– 2. Tác giả Việt Nam.

Những tác phẩm được giới thiệu hầu hết đều trên dưới 500 trang với nội dung đa dạng và phức tạp. Do đó, chúng tôi chỉ tóm tắt những ý kiến trực tiếp liên hệ đến nhân vật Hồ Chí Minh hoặc giúp tìm hiểu bối cảnh sống của Hồ Chí Minh. Dĩ nhiên cuộc chiến Việt Nam, đảng CSVN, Quốc Tế CS, chủ nghĩa CS, chiến lược chiến thuật CS ... đều là những bối cảnh cần lưu ý. Việc chọn lọc và trưng dẫn ý kiến của các tác giả tùy theo nhu cầu của đề tài và mục đích của cuốn sách. Có những ý chúng tôi trưng dẫn nhiều lần có thể do được nhiều tác giả cùng lập lại, có thể do muốn nhấn mạnh sự tương đồng hay dị biệt giữa các tác giả và cũng có thể do dụng ý để độc giả tự giải thích lý do tại sao đã có sự đồng ý hoặc bất đồng về một vấn đề nào đó.
Khi chọn giới thiệu các tác phẩm, chúng tôi không đặt nặng vấn đề xu hướng chính trị mà trước tiên dựa vào tầm vóc nội dung và mức độ đóng góp cho vấn đề nhận dạng Hồ Chí Minh. Tuy vậy nếu xét về xu hướng đối nghịch của các tác giả được giới thiệu, chúng tôi vẫn giữ được mức tỷ lệ tương đối cân bằng. Thực ra, ngoài các tác giả đứng hẳn về một phe rõ rệt, thái độ chính trị của các tác giả, dù có thể gọi là đối nghịch, vẫn rất đa dạng thay đổi từ cực tả sang cực hữu hoặc ngược lại với nhiều sắc thái khác nhau.

Chúng tôi cũng không gạt bỏ một số tác giả thực sự là thủ hạ của Hồ Chí Minh hoặc một số tác giả chống đối không che dấu thái độ hằn học với ông Hồ, dù sự việc này có thể khiến những nhà nghiên cứu không đồng ý vì phải đối diện với thái độ tôn sùng quá độ hoặc những từ ngữ thiếu tao nhã. Theo chúng tôi, thái độ tôn sùng mù quáng của thủ hạ cũng có thể phản ảnh phần nào tính cách của nhân vật trong khi giữa thảm họa chết chóc, đau thương xẩy ra với hàng chục triệu sinh linh, tiếng nói của các nạn nhân hay nhân chứng từng trải những cảnh tàn bạo khủng khiếp, biểu hiện sự phẫn nộ và lòng đau xót cũng có một giá trị đóng góp tích cực cho công việc nhận dạng nhân vật có cuộc đời gắn liền với sự trạng đó.

Trong Phần III, chúng tôi chắt lọc một số ý kiến khác nhau cùng những dữ kiện đa dạng mà các tác giả cung cấp đã được giới thiệu nơi phần I và II để tìm lời giải thích cho mọi vấn đề liên quan đến nhân vật Hồ Chí Minh và cuộc chiến tranh Việt Nam theo hướng góp phần giúp độc giả đánh giá một cách tổng hợp về nhân vật này.
Ý kiến của các tác giả rất phức tạp, vừa trái ngược gay gắt vừa bao gồm từ cực tả sang cực hữu vừa mở rộng liên quan đến rất nhiều vấn đề.

Trong nỗ lực của mình, chúng tôi đã tập trung các ý kiến đó trong một số điểm chủ yếu thường gây tranh cãi như sau:

– Hồ Chí Minh là quốc gia hay cộng sản?
– Hồ Chí Minh đã có thể là một Tito Việt Nam?
– Hồ Chí Minh có chịu trách nhiệm về việc bán đứng nhà cách mạng Phan Bội Châu, về phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, về cuộc cải cách ruộng đất đẫm máu, về vụ Tết Mậu Thân...?
– Hồ Chí Minh là người có lòng nhân ái hay chỉ khéo đóng kịch?
– Hồ Chí Minh đã bị Lê Duẩn, Lê Đức Thọ lấn át kiềm chế nên gây ra cuộc chiến đẫm máu sau 1954?
– Nếu Hồ Chí Minh còn sống đến 1975, tình hình Việt Nam đã tốt đẹp hơn?...
Những vấn đề nêu trên sẽ được lý giải trong các chương của Phần III.
  
CHÚ THÍCH:
__________________________
 
(01) Về sau Karl Marx, học trò của Hégel, cho là duy tâm nên đã biến chế ra một quá trình "tam cấp" khác của biện chứng pháp duy vật: Quyết thể (affirmation), Hủy thể (négation) và Hủy thể của hủy thể (négation de la négation). Hay Khẳng Định, Phủ Định và Phủ Định của Phủ Định.
(02)  Theo tác giả Trung Cộng Hoàng Tranh cho biết năm 2001.   

No comments: