Không chỉ riêng Neil Sheehan trưng dẫn ý kiến của nhà ngoại giao George Tabbott để cho rằng nếu các chính quyền Mỹ đừng ruồng rẫy Hồ Chí Minh thì ông ta đã có thể thành một thứ Tito của Việt Nam và như vậy đã tránh được chiến tranh.
Nhiều sử gia khác như Joseph Buttinger, Robert Shaplen, Stanley Karnow… cũng khẳng định tương tự.
Hai nhân vật này có gì giống nhau và khác nhau?
Hoàn cảnh hai đảng, hai nước cộng sản Nam Tư -Việt Nam như thế nào?
Và điều được các sử gia nói gần gũi ra sao với sự thật?
Josip Broz Tito sinh năm 1892 trẻ hơn Hồ Chí Minh 1 hoặc 2 tuổi (1) và mất năm 1980, sau Hồ Chí Minh 11 năm.
Tito được đào tạo tại Liên Xô, đã sống tại đây khoảng 7 năm. Hồ Chí Minh cũng được đào tạo tại Liên Xô và sống ở đây khoảng 5 năm.
Cả hai đều là lãnh tụ cộng sản, đến khi chết vẫn hãnh diện là đồ đệ trung kiên của Mác – Lênin.
Cả hai đều tàn sát những người khác chính kiến, đều áp dụng nguyên lý duy vật biện chứng trong cách hành xử, giành quyền bính bằng mọi giá.
Cả hai đều đề cao lý tưởng cách mạng vô sản, đều cổ võ tiến tới vô sản chuyên chính, lấy đó làm cứu cánh biện minh cho mọi hành động.
Trên thực tế, sau khi cả hai nắm được quyền lực, giai cấp vô sản tại cả hai quốc gia Nam Tư – Việt Nam lại bị thiệt thòi hơn hết.
Điểm khác biệt thứ nhất là Tito nhờ tách khỏi khối Cộng Sản Liên Xô nên được Tây phương viện trợ dồi dào khiến người dân Nam Tư có một chút tự do hơn, đỡ đói khổ hơn so với người dân Việt Nam. Điểm khác biệt thứ hai là Nam Tư không phải trải một cuộc chiến kéo dài ba mươi năm như Việt Nam.
Theo các sử gia trên, nếu Hồ Chí Minh trở thành Tito Việt Nam thì điểm khác biệt thứ hai chắc chắn không xẩy ra, tức là người dân Việt Nam không phải trải cảnh máu lửa, đồng thời các quốc gia Tây Phương như Pháp, đặc biệt là Mỹ không vướng vào chiến tranh như đã vướng.
Trở ngại lớn nhất khiến Hồ Chí Minh không thể biến thành Tito Việt Nam, theo các sử gia trên, là do các chính quyền Mỹ từ chối lời cầu thân của Hồ Chí Minh được đưa ra vào năm 1945. Sự từ chối khiến Hồ Chí Minh không còn chọn lựa nào khác ngoài việc chấp nhận dựa vào Liên Xô – Trung Cộng trong khi Mỹ theo đuổi đường lối ngăn chặn sự bành trướng ảnh hưởng Cộng Sản trên thế giới.
Lập luận này nêu hai lý do trực tiếp đưa đến cuộc chiến Việt Nam: thứ nhất là nguyện vọng giải phóng dân tộc do Mặt Trận Việt Minh theo đuổi và thứ hai là mục tiêu chống Cộng của các chính quyền Mỹ.
Do mục tiêu chống Cộng, các chính quyền Mỹ đã hỗ trợ Pháp trở lại Việt Nam và do mục tiêu giải phóng dân tộc, Mặt Trận Việt Minh đã phát động kháng chiến với hậu quả kéo dài tới mãi năm 1975.
Những người nêu lập luận cho rằng cả hai lý do trên đều không xẩy ra nếu các chính quyền Mỹ chấp nhận lời cầu thân của Hồ Chí Minh. Bởi, trong trường hợp này, Pháp không có sự hỗ trợ của Mỹ sẽ phải tôn trọng nền độc lập của Việt Nam và Hồ Chí Minh được Mỹ nhận là đồng minh sẽ tách khỏi khối Cộng Sản, như Tito năm 1948.
Như thế, cả lý do giải phóng dân tộc lẫn lý do chống Cộng đều đã giải trừ và cuộc chiến Việt Nam không thể bùng nổ.
Robert Shaplen viết: “… Pháp và Mỹ, nhất là những nhà làm chính sách ở Paris, đã sai lầm lớn khi không thương lượng với Hồ Chí Minh một cách thực tiển hơn trong những năm 1945-46 là lúc ông ta rất có thể đã được biến thành Titô (Titofied), ngay trước khi chưa nghe ai nói đến Titô hay “chủ nghĩa Titô” (Titoism); và như vậy một loạt biến cố đã có thể khác đi và đã tránh được nhiều máu đổ; và ngày nay đã có được một nước Việt Nam thống nhất; ngay cả nếu có bị lãnh đạo bởi phe tả, thì vẫn trở thành bức tường ngăn chặn của khối quốc gia trung lập ở Đông Nam Á là những nước đang muốn tránh bị Trung Cộng thống trị”. (2)
Xóa bỏ các biến cố đã xẩy ra để thay thế bằng các biến cố giả tượng là việc làm hoàn toàn vô nghĩa, nhất là trong trường hợp sự giả tưởng chỉ theo suy diễn chủ quan dựa trên nền tảng là những sự việc vụn vặt mơ hồ được cố tình gán ghép một ý nghĩa nào đó.
Thực khó nghĩ là đang đối diện với một người nghiêm túc khi nghe người đó xác quyết chắc chắn tránh khỏi cuộc chiến Việt Nam, nếu chính quyền Mỹ hiểu như anh trung úy John nào đó rằng Hồ Chí Minh là người dịu ngọt kinh khủng, rằng Hồ Chí Minh từng viết thư cho tướng Trương Phát Khuê của Trung Hoa Dân Quốc hứa sẽ giúp tổ chức mạng lưới tình báo ở Đông Dương và rằng từng có vài người Mỹ nghĩ ông ta sẵn sàng đứng về phe Tây Phương…
Nhưng theo các tác giả Shaplen, Buttinger, Lacouture, Neil Sheehan… đây chính là những chứng liệu bằng vàng cho thấy lịch sử bắt buộc phải xoay chiều nếu giới lãnh đạo Mỹ không quá ngu để nhìn ra vào năm 1945!
Buttinger còn quả quyết: “Tôi có thể đi xa hơn nữa để nói rằng vì những lý do thúc bách của lịch sử, Hồ Chí Minh đã trở thành một người theo chủ nghĩa Titô hơn cả chính Titô”.
Những chứng liệu bằng vàng này cùng lập luận về lịch sử xoay chiều kể trên khó tránh dẫn đến những nụ cười dành cho một trình độ nhận thức chính trị mang nặng tính hài hước.
Tuy nhiên, cứ giả dụ Buttinger và các tác giả trên hoàn toàn có lý và cứ giả dụ các chính quyền Mỹ biết rõ Hồ Chí Minh là người dịu ngọt kinh khủng và bắt tay với ông ta thì thực tế Việt Nam sẽ ra sao?
Năm 1985, nữ học giả Anh, Nora Beloff viết tác phẩm Tito’s Flawed Legacy – Di sản có tỳ vết của Titô, (3) sau nhiều năm lui tới nghiên cứu tại chỗ về Nam Tư đã có một số ghi nhận đáng lưu ý, đại để như Ti Tô không đánh phát xít Đức bằng đánh phe quốc gia thân Tây Phương, trong đó có cộng đồng người Chetniks (4) mà lãnh tụ là nhà ái quốc Mihaelovic. Nhân vật này không tìm cách trốn ra ngoại quốc, sau khi cộng sản toàn thắng ở Nam Tư, ở lại tìm cách quy tụ người Serb chống Cộng. Ông bị bắt trong rừng, bị kết tội phản quốc và xử tử ngày 17-7-1947. (5)
Nữ tác giả Nora Beloff khẳng định Tito không phải nhà ái quốc. Ông ta luôn luôn đặt quyền lực và chủ nghĩa cộng sản trên tổ quốc. Nora Beloff cũng chê Churchill và Roosevelt ngây thơ, dễ tin khi xử trí với Tito, vì Tito theo đúng con đường của Stalin là độc đảng, độc tài, diệt đối lập, kể cả đồng chí như Djilas chẳng hạn. Tác giả nhắc lại lời Stalin khen tặng Tito sau thế chiến II về sự tàn bạo đối với phe đối lập: “Tito là ngọn tháp của sức mạnh. Ông ta đã quét sạch bọn chúng”. (6) Theo Nora Beloff, không nên nhìn Nam Tư qua màu kính hồng mà nên ủng hộ những ý kiến tiến bộ đang nảy nở trên đất nước này, tức là sau khi chế độ Cộng Sản sụp đổ tại đây.
Tito trở nên nổi tiếng và có danh từ chủ nghĩa Tito chỉ do quyết định tách khỏi tổ chức quốc tế Cộng Sản, không chịu đặt dưới sự lãnh đạo của Đệ Tam Quốc Tế từ tháng 6-1948 (lúc ấy không còn mang tên Comintern mà trở thành Cominform – Phòng Thông Tin Quốc Tế Cộng Sản).
Hành động này rõ ràng xác định thế tự chủ, chống lại sự chi phối của Liên Xô nên được Tây Phương hỗ trợ. Nhờ vị trí Nam Tư ở giữa nhiều quốc gia thuộc khối Tây Phương như Ý, Áo, Hy Lạp và được Mỹ, Anh ủng hộ nên Stalin không đàn áp nổi phong trào ly khai này. Đây là trường hợp ly khai thành công duy nhất trong khối Cộng Sản Đông Âu.
Tito thành công trong việc thoát khỏi vòng kiềm tỏa Liên Xô và được báo chí thế giới lấy tên đặt tên cho một chủ thuyết chính trị mới là chủ nghĩa Tito.
Nhưng chủ nghĩa Tito là gì, đã mang lại gì cho đời sống của đất nước Nam Tư?
Nữ tác giả Nora Beloff xác định đó chỉ là con đường độc đảng, độc tài, diệt đối lập bất kể đồng chí hay người yêu nước, rập khuôn đúng chủ thuyết Stalin tàn bạo.
Điều mà Nora Beloff nêu lên đã được Milovan Djilas, nhân vật lãnh đạo thứ hai của Nam Tư sau Tito nêu lên từ cuối thập niên 1950.
Milovan Djilas là đồng chí kề cận, là bạn thân của Tito nhiều năm trong tranh đấu nhưng nhìn thấy Cộng Sản là một chủ nghĩa hoàn toàn không tưởng và cũng nhìn thấy Tito không thể từ bỏ chủ nghĩa Cộng Sản dù đã tách khỏi khối Cộng Sản Quốc Tế và được Tây Phương hỗ trợ.
Với vai trò phụ tá cho Tito, Milovan Djilas thấy rõ Tito vẫn tiếp tục là Cộng Sản và tiếp tục áp dụng chế độ Cộng Sản Mác – Lênin tại Nam Tư, bất chấp những hậu quả phản lại nguyện vọng nhân dân đồng thời di hại cho đất nước.
Theo Milovan Djilas, sở dĩ Tito bám lấy chủ nghĩa không tưởng này vì “nó tạo nên quyền lực của lãnh tụ cũng như nó đòi hỏi điều kiện tiên quyết là một đảng có kỷ luật tuyệt đối và một lãnh tụ độc tôn.”
Cho nên, dù ảnh hưởng viện trợ kinh tế Anh, Mỹ buộc Tito phải có một số nới lỏng trong chính sách cai trị so với Liên Xô, chế độ ở Nam Tư vẫn hoàn toàn là chế độ “chuyên chính vô sản”– dictatorship of the proletariat, nghĩa là chế độ độc tài toàn diện (7).
Các nhân vật đối lập vẫn bị bỏ tù, bị sát hại. Mọi mầm mống dân chủ hóa đều bị triệt tiêu. Tình trạng này không được miễn trừ ngay với Milovan Djilas, khi nhân vật này cho phổ biến tác phẩm Giai cấp mới năm 1957 mô tả tình trạng bất công trong xã hội Nam Tư, vì chế độ chính trị đã tạo ra một giai cấp đặc quyền đặc lợi, mặc tình tác oai, tác quái nhũng lạm, hà hiếp quần chúng để thâu đoạt lợi lộc cho bản thân.
Trên thực tế, Milovan Djilas không hô hào nổi dậy chống Tito, không kêu gọi lật đổ chế độ Cộng Sản. Milovan Djilas chỉ phân tích thực tế đời sống, nêu ra các mặt tệ hại không nên kéo dài để đề nghị tìm biện pháp cải tổ cần thiết hầu đem lại cho người dân những điều kiện dễ thở hơn đôi chút về cơm áo và tự do. Ngay lập tức, Milovan Djilas đã bị Tito lột hết quyền chức, tống vào nhà tù với tội danh “theo chủ nghĩa xét lại”.
Riêng cái tên tội danh chủ nghĩa xét lại gán cho Milovan Djilas đủ cho thấy không có sự khác biệt giữa chủ nghĩa Tito với chủ nghĩa Mác-Lênin, vì dù mang tên nào chủ nghĩa đó cũng không rời con đường độc tài thống trị, đặt dân chúng vào cảnh sống không còn một quyền hạn tối thiểu, ngoài phận sự phục tùng mọi chỉ thị của kẻ cầm quyền.
Trong chế độ đó, đối tượng phụng sự không phải đất nước, không phải nhân dân mà chỉ là cá nhân lãnh tụ với một thiểu số nô bộc xung quanh.
Milovan Djilas gọi thiểu số này là giai cấp mới, dựa theo uy quyền tối cao của lãnh tụ vun quén một cuộc sống phè phỡn thừa mứa trong khi đại đa số nhân dân quật quã trong áp bức, đói rét. Đây là luận cứ để nữ tác giả Nora Beloff nói Tito không phải người yêu nước vì luôn đặt quyền lực và chủ nghĩa Cộng Sản lên trên hết.
Về điểm này, chắc chắn không cần sự chấp nhận kết giao của các chính quyền Mỹ, không cần sự thương lượng thực tiễn của người Pháp, Hồ Chí Minh đã biến thành Tito từ trước khi có chủ nghĩa Tito.
Tito và Hồ Chí Minh là hai lãnh tụ có cùng một tính chất, có cùng một lý tưởng và cùng được rèn rũa kỹ lưỡng theo một đường lối hành động từ cùng một lò đào tạo.
Tito kiên trì theo đuổi chủ nghĩa Cộng Sản với chủ trương giành đoạt và duy trì quyền lực độc tôn bằng mọi giá. Cho nên, dù được Tây Phương hỗ trợ thoát khỏi vòng kiềm tỏa của Liên Xô, Tito vẫn không rời chủ nghĩa Cộng Sản, tự phong là Tổng Thống trọn đời và tiếp tục củng cố địa vị bằng những biện pháp sắt máu bất kể hậu quả của những biện pháp này xô đẩy đời sống người dân Nam Tư vào cảnh ngộ bị đày đọa ra sao. Nói cách khác, Tito chỉ đam mê theo đuổi tham vọng cá nhân chứ không nghĩ đến quyền lợi của nhân dân Nam Tư.
Hồ Chí Minh không hề khác biệt Tito qua lời tán tụng của Krutshshev về sự tận tụy với chủ nghĩa Cộng Sản và qua thổ lộ của chính Hồ Chí Minh với Lucien Laurat : "Tôi luôn đứng về phía quyền lực. Chỉ có bộ phận này mới có thể hậu thuẫn được cho tôi." (8)
Thực tế Nam Tư qua diễn tả của Milovan Djilas và Nora Beloff cũng không khác biệt với diễn tả của Michel Tauriac về thực tế Việt Nam – một xã hội công an lúc nhúc như rắn rết, linh mục bị đàn áp, tăng sĩ bị tấn công, trẻ ăn xin đầy đường phố, giới trẻ không phương hướng, bắt giam người không cần xét xử, nhà văn bị cấm viết những gì cần viết, nhà báo nhận lệnh phải viết bất cứ thứ gì, quan chức tham ô nhét tiền đầy túi trong khi dân chúng luôn quằn quại với cái bụng trống không... (9)
Bùi Tín luôn kính trọng Hồ Chí Minh cũng thú nhận dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh, Việt Nam vắng bóng hẳn ba hạng người cần thiết cho đời sống là người phát triển kinh tế, người bảo vệ luật pháp và người thể hiện tự do.
Tất nhiên, sự vắng bóng ba loại người trên không do lịch sử thôi thúc, không do Pháp – Mỹ từ chối kết thân với Hồ Chí Minh mà chủ yếu khởi phát từ những biện pháp củng cố quyền lực của Hồ Chí Minh, tức từ nhu cầu thể hiện tham vọng cá nhân của lãnh tụ bao hàm trong chân lý mà lãnh tụ tôn thờ và đường lối hành động mà lãnh tụ chọn lựa.
Kết quả cụ thể là lãnh tụ trở thành thần thánh ngự trị trên ngai quyền lực còn quần chúng sống trong nghèo đói, bất công và áp chế.
Joseph Buttinger, Robert Shaplen, Stanley Karnow, Neil Sheehan… chê bai các chính quyền Pháp – Mỹ quá ngu dốt khăng khăng duy trì chính sách ngăn chống Cộng Sản đến nỗi bỏ lỡ cơ hội biến Hồ Chí Minh thành Tito đã cho thấy một khoảng trống trong kiến thức về Cộng Sản và về thực tế ở cả Việt Nam lẫn Nam Tư.
Vì trên thực tế, Hồ Chí Minh không khác Tito và chủ nghĩa Tito cũng chỉ là cái tên gọi khác của chủ nghĩa Mác – Lênin đã được Stalin hóa.
Hồ Chí Minh đã thực sự trở thành Tito từ trước năm 1948 và rõ ràng còn Tito hơn cả Tito như Buttingger từng mong ước.
Tito tách khỏi vòng chi phối của Liên Xô nhưng vẫn đối xử với những người khác chính kiến theo cung cách của Stalin. Trong cuốn Tito (10), Milovan Djilas nhắc tới các trại tập trung nổi tiếng ở Goli Otok trong đó riêng số đảng viên bị giam giữ vì nghi ngờ phản đảng hay có khuynh hướng thân Liên Xô, còn luyến tiếc Phòng Thông Tin Quốc Tế Kominform đã có khoảng 15 ngàn người. Những người này thường xuyên bị tra tấn, có khi bị dúi đầu vào đống phân và khi được thả hầu hết không còn hình dạng người nữa.
Cảnh tù đầy không thiếu tại Việt Nam và đã được Tauriac lược thuật: “70 hoặc 80 người bị nhét vào một xà lim dành cho 20 người với một cái lỗ đào dưới đất để tiểu tiện, một chút nước với chút gạo đỏ trộn sạn làm thức ăn, nước uống nhiễm độc và rất hiếm hoi, không thuốc men, không một tấm mền che gió bấc lạnh thấu xương ở vài vùng, không thư từ, không thăm viếng ... Việc lao động khổ sai bất kể tuổi tác (nhiều khi cải tạo già hơn 70 tuổi) dưới mặt trời thiêu đốt hay trong gió mùa khốc liệt ... Kẻ hành hạ “không cần nghe nạn nhân giải thích lý do hành động của mình, cũng không cần nêu bất kỳ lý do nào để cho nạn nhân biết tại sao họ bị giết” … Cán bộ tuyên bố với tù nhân là mình được đào tạo để trừng trị cặn bã của xã hội tư bản bằng cách tận diệt chúng... Đảng đã ra lệnh như thế.” (11)
Trong A Dragon Embattled, Buttinger đã viết về việc Hồ Chí Minh thành lập Mặt Trận Liên Việt ngày 27-5-1946 như sau: “Thực ra Liên Việt chẳng là gì khác hơn một thứ siêu Việt Minh. Kẻ nào từ chối không chịu tham gia Mặt Trận Liên Việt sẽ bị tố cáo là chống độc lập dân chủ và bị dán cho nhãn hiệu phản động, để có thể bị giết ...”
Và, theo Buttinger, “điều khiến ông Hồ vui là tay chân của ông đã tiêu diệt được những đảng phái thân Trung Hoa – tức các đảng quốc gia đối lập”.
Vu cáo, tàn sát, giam giữ những người chống đối để củng cố quyền lực là hành vi quen thuộc của cả Tito lẫn Hồ Chí Minh không cần có điều kiện lịch sử thúc đẩy và không hề tùy thuộc thái độ của các nước Tây Phương.
Sự tương đồng giữa Tito và Hồ Chí Minh còn có trong cả đời sống cá nhân.
Theo Milovan Djilas, các bà vợ và tình nhân của Tito đều “đẹp một cách lạ lùng” và đều rất trẻ. Bà vợ đầu tiên kém Tito 9 tuổi, bà vợ thứ hai kém 12 tuổi, bà vợ thứ năm và cuối cùng kém 31 tuổi. Tất cả đều không được sống trọn đời với Tito. Ngay Jovanka Budisavljevic duyên dáng, đẹp tuyệt vời, kém Tito 31 tuổi, từng qua nhiều năm chăm sóc Tito với tư cách trợ lý, thư ký, bảo vệ... trước khi thành hôn, cũng bị Tito ruồng bỏ vào lúc ông đã ngoài 80 tuổi khiến không ai dám nhắc tới tên bà nữa.
Milovan Djilas vốn rất thân với Tito khi chưa ly khai và chưa bị bỏ tù nên biết nhiều về liên hệ gia đình của Tito, kể rằng khi Tito bị bệnh thập tử nhất sinh, bác sĩ Lavric đã tâm sự với Djilas là nếu không có Jovanka (lúc ấy còn vài năm nữa mới thành hôn với Tito) và một bà phước ở bên cạnh để săn sóc bệnh nhân thì bác sĩ đã không dám tiến hành giải phẫu.
Jovanka yêu Tito đến độ tận tụy với nhiệm vụ như một bà phước, nhưng chẳng những bị Tito ruồng rẫy vào những năm cuối đời mà ngay khi mới lấy nhau cũng không được Tito đối xử một cách xứng đáng. Trong tác phẩm mang tựa đề Tito, Djilas viết về cuộc hôn nhân này như sau: “Cuộc hôn phối thật bất hạnh và tàn phá, đặc biệt đối với Jovanka. Bà không có cuộc sống riêng bên ngoài nhóm cận thần của Tito và công việc tẻ nhạt thường ngày theo nhiệm vụ của bà. Nhiều buổi tối khi chúng tôi đến thăm Tito, chúng tôi đã thấy bà phải ngồi ở lối đi của sảnh đường để canh chừng cùng với đoàn hộ tống của chồng cho đến khi Tito đi ngủ. Trong hoàn cảnh đó, sự thèm muốn và đố kỵ, sự ngờ vực từ phía những người xung quanh là điều không thể tránh. Sự thân mật giữa bà với Tito sẽ có thể bị giải thích bằng nhiều cách khác nhau, bất lợi và bất công cho bà, như: hám danh, bợ đỡ, hai lòng, đa dâm, lợi dụng sự cô đơn của Tito, tham lam. Đôi khi nhân viên an ninh, vì ác tâm hoặc nghi ngờ đã bắt bà phải ăn thử trước những món ăn mà bà nấu cho chồng với tất cả tình yêu của mình.” (12)
Bà vợ thứ hai có một sắc đẹp quý phái trưởng giả, tên Harta Hass, kém Tito 12 tuổi, đã bị Tito ruồng rẫy để lấy bà thứ ba là Zdenka. Harta từng khóc nức nở trên vai Milovan Djilas khi nghe tin Tito bỏ bà để gắn bó với Zdenka.
Về mặt này hiển nhiên Hồ Chí Minh không thua kém Tito. Tăng Tuyết Minh cũng rất chung tình, đảm đang, chăm lo cho chồng nhưng chỉ được ở với chồng một thời gian ngắn. Khi Hồ Chí Minh thành công, trở thành Chủ Tịch Nhà Nước đã tuyệt nhiên không nhớ tới cô nữa, dù nhiều lần cô gửi thư, nhờ cả tòa đại sứ Cộng Sản Việt Nam ở Bắc Kinh và các nhà lãnh đạo Trung Quốc can thiệp.
Rồi Nông Thị Xuân cũng rất đẹp, rất trẻ, kém Hồ Chí Minh trên 40 tuổi, có con với Hồ Chí Minh đã bị ruồng rẫy và hạ sát thê thảm. Những người khác như Nguyễn Thị Minh Khai, Đỗ Thị Lạc vv… dù đã có con với Hồ Chí Minh cũng bị đẩy ra xa kể như không quen biết.
Về phương diện này, Hồ Chí Minh khác với Tito là có nhiều mối tình và có số lượng phụ nữ ở bên cạnh đông hơn. Một điểm khác nữa là Tito xử sự tương đối công khai, không lén lút, giả đạo đức. Tito không che giấu chuyện tình cảm, không ra lệnh cho Đảng che giấu giùm để tạo huyền thoại hy sinh trọn đời cho cách mạng giải phóng dân tộc, quên hết tình cảm bản thân....
Giữa Tito và Hồ Chí Minh cũng còn một khác biệt trong đời sống riêng. Cả thế giới đều biết Tito rất thích ở nhà đẹp và sang trọng. Chỗ ở của Tito thường là những lâu đài vua chúa thời xưa. Tito còn bỏ công quỹ xây thêm một tư dinh vĩ đại theo kiểu tối tân. Riêng Hồ Chí Minh không chiếm Phủ Toàn Quyền cũ hay Tòa Khâm Sứ mà chỉ cho làm một ngôi nhà gỗ bên cạnh. Về căn nhà này, Hoàng Quốc Kỳ đã châm biếm, mỉa mai là tấn kịch giả dối vụng về với dụng ý tuyên truyền cho tính giản dị và gần gũi dân chúng. Dù sao, đây cũng là sự khác biệt của Hồ Chí Minh so với Tito.
Những khác biệt hoặc tương đồng về đời sống riêng tư chắc chắn không quan trọng đủ khiến có sự tiếc rẻ cho việc Pháp - Mỹ đã bỏ lỡ cơ hội biến Hồ Chí Minh thành Tito để xoay chiều lịch sử theo một hướng khác.
Thực ra, cơ hội đó thực sự có hay không?
Luận cứ thứ nhất do Jean Lacouture đưa ra để chứng minh cho cơ hội này là sự đặc biệt lưu tâm của Hồ Chí Minh tới nước Mỹ và chính trị Mỹ. Theo Jean Lacouture, Hồ Chí Minh từng tới Mỹ vào khoảng 1915-1916; từng gửi yêu sách 8 điểm cho hội nghị Versailles do sáng kiến của Tổng Thống Mỹ Willson vào tháng 6-1919; từng giúp viên phi công Shaw của Mỹ bị rớt máy bay tại Cao Bằng cuối năm 1944 rồi sau đó cộng tác với toán đặc vụ tình báo Mỹ OSS tại Hoa Nam để được giúp đỡ về võ khí, từng trích Tuyên Ngôn Độc Lập Mỹ vào Tuyên Ngôn Độc Lập Việt Nam đọc ngày 2-9-1945; khi ở tù làm thơ từng nhắc đến tên ứng cử viên tổng thống Mỹ Wendell Willkie; từng nghiên cứu Tam Dân Chủ Nghĩa vì Tôn Dật Tiên nói đến Abraham Lincoln; từng lưu tâm tới chính sách chống thực dân của tổng thống Mỹ Roosevelt và tại Hà Nội thời 1945-46 đã có một hội Hữu Nghị Việt Mỹ, đồng thời trên khắp phố phường luôn xuất hiện cờ Mỹ và nhiều biểu ngữ bằng tiếng Anh, chứ không có biểu ngữ nào bằng tiếng Pháp, tiếng Trung Hoa, hay tiếng Nga vv...
Có thể kể thêm hàng loạt những sự kiện loại này, nhưng nếu cho đây là bằng chứng cụ thể về sự thành tâm muốn kết thân với Mỹ, muốn trở thành đồng minh của Mỹ thì rõ ràng đã quá cường điệu hóa. Vì hết thẩy đều vụn vặt và nặng tính cá nhân không đủ tầm vóc biểu hiện một chính sách quốc gia, thậm chí vô nghĩa, chẳng hạn việc Hồ Chí Minh từng đặt chân lên đất Mỹ, việc Hồ Chí Minh khi còn tham gia nhóm Phan Chu Trinh gửi yêu sách 8 điểm cho hội nghị Versailles, việc tương quan với nhóm tình báo đặc vụ Mỹ tại Hoa Nam, một câu thơ viết trong tù hay cờ Mỹ tung bay tại Hà Nội… Các sự kiện này đã được gán cho cái ý nghĩa mà bản thân không đủ tầm vóc chứa đựng.
Luận cứ thứ hai được nhắc tới là bản tính dịu ngọt, mềm mỏng và ý hướng của Hồ Chí Minh muốn kết thân với Mỹ theo ghi nhận của một số nhân viên tình báo đặc vụ Mỹ OSS từng có mặt một thời gian tại vùng Việt Bắc, đặc biệt là thái độ thân hữu của các cán bộ lãnh đạo Mặt Trận Việt Minh biểu hiện bằng hành vi Võ Nguyên Giáp đã đứng nghiêm đưa nắm tay chào khi nghe cử bản quốc thiều Mỹ…
Nêu tính nết con người và cách xã giao giữa một số cá nhân để suy luận đã có cơ hội bằng vàng xoay chiều lịch sử là vấn đề cần xét lại về tính nghiêm túc.
Nhưng Duiker vẫn dựa theo đó và nêu thêm mấy lá thư Hồ Chí Minh nhờ gửi tới nhà cầm quyền Mỹ đương thời.
Lá thư thứ nhất viết đầu tháng 5-1945 nhờ thiếu tá Patti chuyển cho phái đoàn Mỹ tại Hội Nghị Liên Hiệp Quốc. Nội dung thư kêu gọi Hội Nghị trên ủng hộ nền độc lập của Việt Nam, ký tên Đảng Quốc Dân Đông Dương.
Lá thư thứ hai nhân danh Mặt Trận Việt Minh viết ngày 15-8-1945 gửi cho trung úy Mỹ tên John nhờ chuyển về Bộ Chỉ Huy của ông ta với nội dung như sau: “Ủy Ban Dân Tộc Giải Phóng của Mặt Trận Việt Minh yêu cầu nhà cầm quyền Hoa Kỳ báo cho Liên Hiệp Quốc rằng chúng tôi đã đứng về phía Liên Hiệp Quốc chống lại bọn Nhật. Nay bọn Nhật đã đầu hàng. Chúng tôi yêu cầu Liên Hiệp Quốc thực hiện lời hứa long trọng của mình là tất cả các dân tộc đều được hưởng dân chủ và độc lập.” (13)
Sau đó, từ 29-9-1945 tới 16-2-1946, Hồ Chí Minh gửi thư 7 lần gồm 2 lần gửi Ngoại Trưởng James Byrnes và 5 lần gửi Tổng Thống Truman. Trong 7 lá thư này, 4 lá lập lại nội dung 2 lá thư nhờ các sĩ quan OSS chuyển và 3 lần gửi vào ngày 18-10-1945, 18-1-1946, 16-2-1946 còn gửi chung cho các nhà lãnh đạo Anh, Hoa, Nga.
Nội dung riêng biệt chỉ có trong 3 lá thư ngày 1-11-1945, 29-9-1945 và 9-11-1945.
Thư ngày 1-11-1945 gửi Ngoại Trưởng Mỹ James Byrnes, Hồ Chí Minh nhân danh chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đề nghị “được gửi phái đoàn khoảng 50 thanh niên Việt Nam sang Mỹ để thiết lập quan hệ văn hóa thân thiết với thanh niên Mỹ và xúc tiến việc nghiên cứu kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lãnh vực chuyên môn khác”. (14)
Thư ngày 29-9-1945, gửi Tổng Thống Truman, Hồ Chí Minh ngỏ lời phân ưu về trường hợp trung tá OSS Mỹ Dewey bị hạ sát tại Sài Gòn ngày 26-9-1945.
Thư ngày 9-11-1945, gửi Tổng Thống Truman, Hồ Chí Minh tả về cảnh đói của dân chúng Việt Nam, xin được Mỹ viện trợ và giúp ngăn chặn quân Pháp trở lại Việt Nam. Lời yêu cầu giúp ngăn chặn quân Pháp cũng được Hồ Chí Minh gửi cho Tưởng Giới Thạch trong các lá thư khác.
Trong cùng thời điểm đó, theo ghi nhận của Võ Nguyên Giáp, Hồ Chí Minh vẫn không ngừng nhắc mọi người rằng “Hồng Quân Trung Hoa mới là bạn của ta. Quân đội Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch chính là kẻ thù của nhân dân và cách mạng Trung Quốc, cũng là kẻ thù của nhân dân và cách mạng Việt Nam” (15)
Như vậy, những lá thư trên không dễ coi là bằng cớ cho ý muốn thành thực kết thân.Võ Nguyên Giáp cũng nói rõ dụng tâm che giấu thực chất Cộng Sản trong thời gian này: “Đầu tháng Chín, Bác ra mắt nhân dân với danh hiệu Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Đó là một bí danh Bác đã dùng mấy năm trước để che mắt bọn Quốc Đân Đảng Trung Hoa. Những người cách mạng đã qua thời kỳ ẩn náu, lẩn tránh, về sống giữa đồng bào, nhưng mọi hoạt động của Đảng vẫn tiến hành theo phương thức bí mật … Hầu hết đảng viên đều công tác dưới danh nghĩa cán bộ Việt Minh” (16)
Vì thế, hai lá thư gửi tới các giới chức Mỹ qua sự chuyển giao của thiếu tá Patti và trung úy John đều nhấn mạnh mục tiêu tranh thủ độc lập cho dân tộc và còn ẩn danh dưới một đoàn thể không hề có mặt trên thực tế là Đảng Quốc Dân Đông Dương. Yếu tố thành tâm mà Duiker và nhiều người khác nhắc tới là điều hết sức đáng ngờ.
Nói về cùng sự kiện này, Bernard Fall cho rằng Hồ Chí Minh cố tình tỏ ra thân Mỹ chỉ với mục đích mong được tiếp trợ về võ khí và hư trương là được phe Đồng Minh công nhận hầu che kín thực chất Cộng Sản trong sự vận dụng chiêu bài giải phóng dân tộc đối với quần chúng và các phe phái chính trị đương thời.
Tiết lộ của Cựu Hoàng Bảo Đại vào đầu thập niên 1990 xác nhận quan điểm của Bernard Fall rất gần thực tế.
Trước khi qua đời, Cựu Hoàng Bảo Đại đã gián tiếp thú nhận mình lầm khi nói với một nhà báo về lý do thoái vị trao quyền cho Hồ Chí Minh như sau: “Lúc ấy tôi chỉ biết Hồ Chí Minh có chí hướng quốc gia muốn mưu tìm độc lập, thống nhất cho Việt Nam. Hồ Chí Minh được giới thiệu như người cộng tác với Đồng Minh và được đại tá Patti trong tổ chức OSS ở Vân Nam của Mỹ ủng hộ.” (17)
Dù sao, tất cả đều trở thành việc đã rồi.
Tuy nhiên cứ giả dụ lịch sử thực sự xoay chiều khiến Hồ Chí Minh trở thành Tito Việt Nam thì có tránh được cái hậu quả thảm khốc cho nhân dân Việt Nam và cho cả thế giới như W.J. Duiker và một số tác giả khác đã nói không?
Điều kiện xoay chiều lịch sử được nêu ra chỉ đơn giản là Tổng Thống Truman chấp thuận ủng hộ Hồ Chí Minh. Có điều kiện này, Pháp không thể đưa quân trở lại Việt Nam khiến bùng nổ cuộc chiến 1945–1954 và Việt Nam hoàn toàn độc lập thống nhất, nằm ngoài vòng chi phối của Liên Xô nên Mỹ không cần đưa quân tới chống Cộng Sản kéo dài cuộc chiến thêm 20 năm. Nền tảng của xác quyết này hết sức mong manh vì chỉ là sự phán đoán về thái độ của cả Pháp lẫn Hồ Chí Minh theo chủ quan.
Trên thực tế, sau khi Pétain chính thức đầu hàng Đức ngày 22-6-1940, ảnh hưởng Nhật bao trùm khắp Đông Dương nhưng chính quyền tại đây vẫn nằm trong tay Pháp.
Năm 1943, trước và sau cuộc đổ bộ Phi Châu của đồng minh, lực lượng kháng chiến Pháp do De Gaulle lãnh đạo đã có nhiều nỗ lực ngoại giao cùng các hành động chuẩn bị tiếp tục duy trì chủ quyền tại Đông Dương.
Ngày 8-12-1943, De Gaulle công bố chính sách đối với các quốc gia Đông Dương với lời hứa hẹn “từng bước trao trả quyền tự trị” cho vùng đất này, tuy nhiên lại lập Ủy Ban Hành Động Giải Phóng Đông Dương – Comité d’Action pour la Libération de l’Indochine, lập Lực Lượng Viễn Chinh Pháp ở Đông Dương - Forces Expéditionnaires Francaises d’Extrême-Orient và cử tướng Mordant làm Cao Ủy Đông Dương.
Suốt thời gian này, các giới lãnh đạo Mỹ thường chống lại quan điểm của De Gaulle về Đông Dương mà kết quả cụ thể là Hội Nghị Cairo tháng 11-1943 và đặc biệt là hội nghị Postdam tháng 7-1945 không dành cho Pháp vai trò nào tại Đông Nam Á, dù ngày 24-3-1945, De Gaulle đã công bố một số cải cách trong chính sách về Đông Dương với các điểm sau:
– Liên bang Đông Dương sẽ được thành lập bao gồm 5 xứ Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Ai Lao, Cao Miên và nằm trong khối Liên Hiệp Pháp.
– Liên bang sẽ có một Quốc Hội do dân cử thông qua các cuộc đầu phiếu tự do và có quyền tự trị về kinh tế tài chính.
– Liên bang được lãnh đạo bởi một Chính Phủ với thành phần nhân sự gồm một nửa là người bản xứ, do một toàn quyền Pháp lãnh đạo. Pháp sẽ thay mặt cho liên bang trong các hoạt động ngoại giao.
– Liên bang sẽ được trao trả quyền tự trị chính trị sau một thời gian tùy thực tế.
Chính sách trên không được Mỹ tán thành nhưng De Gaulle tiếp tục đi tới. Ngày 15-8-1945, đô đốc D’Argenlieu được cử làm Cao Ủy Đông Dương thay tướng Mordant trong khi Bộ Quốc Phòng Pháp đưa một số đơn vị đang đóng tại Đức vào Lực Lượng Viễn Chinh Đông Dương.
Hai ngày sau, tướng Leclerc tới Ấn Độ trực tiếp vận động Anh giúp đỡ đưa một số đơn vị biệt kích Pháp đổ bộ Sài Gòn.
Ngày 24-8-1945, trong dịp chính thức viếng thăm Mỹ, De Gaulle tuyên bố thẳng tại Hoa Thịnh Đốn: “Thế kỷ 20 này là thế kỷ độc lập của mọi dân tộc kể cả các quốc gia thuộc địa, nhưng điều này chưa thể xẩy ra ngay tại Viễn Đông… Chính sách của Pháp đối với các xứ Đông Dương trong lúc này là phải xác lập chủ quyền tại đây”. (18)
Kết quả là ngày 23-9-1945, chiến tranh Việt – Pháp bùng nổ tại Sài Gòn, trước khi Hồ Chí Minh gửi thư chính thức cho Bộ Ngoại Giao và Tổng Thống Mỹ.
Nếu Truman chấp nhận xiết tay Hồ Chí Minh thì cuộc chiến cũng đã mở màn và thực tế cho thấy cái xiết tay này khó có uy lực buộc Pháp thay đổi đường lối mà De Gaulle vạch ra từ mấy năm trước với những chuẩn bị ráo riết để sẵn sàng tiến hành. Bởi ngay khi đưa quân trở lại Đông Dương, De Gaulle vẫn phải chống chọi với thái độ phản đối của Mỹ và tỏ ra không hề nao núng.
Về phần Hồ Chí Minh sẽ có thái độ nào đối với Mỹ, có thực sự trở thành đồng minh của Mỹ và sẵn sàng tách khỏi khối Liên Xô không?
Sau khi Stalin tuyên bố giải tán Đệ Tam Quốc Tế, Tổng Bí Thư Trường Chinh đã đưa ra chỉ thị ngày15-7-1943: “Vô luận trong tình thế nào, những người Cộng Sản Đông Dương cũng không được sao lãng việc tuyên truyền chủ nghĩa Cộng Sản và việc phát triển tổ chức Đảng… không được hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, coi thường nhiệm vụ Đảng hoặc làm lu mờ sứ mệnh thiêng liêng của giai cấp vô sản Đông Dương” (19)
Trong lúc Hồ Chí Minh gửi thư tỏ ý muốn kết thân với Mỹ và tuyên bố giải tán Đảng, Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng tiếp tục đưa ra chỉ thị ngày 25-11-1945 nêu rõ: “Kẻ thù cụ thể trước mắt lúc này là bọn phản động Pháp. Chúng chủ trương câu kết với đế quốc Mỹ và đế quốc Anh để bao vây Liên Xô”.
Đồng thời, đường lối tuyên truyền và ngoại giao của Đảng theo chỉ thị của Hồ Chí Minh là “phải lợi dụng sự mâu thuẫn của Trung Hoa – Mỹ và Anh – Đờ Gôn”. Chính vì thế, Võ Nguyên Giáp không tiếc lời xỉ vả Nguyễn Tường Tam do chủ trương tìm sự giúp đỡ từ phía Mỹ. Vào lúc Hồ Chí Minh ve vuốt các quân nhân Mỹ có mặt ở Hà Nội, gửi thư tới giới lãnh đạo Mỹ thì Võ Nguyên Giáp kết án mọi xu hướng ngả về phía Mỹ: “Những phần tử phản động của Việt Nam Quốc Dân Đảng trong chính phủ liên hiệp chủ trương nên tìm chỗ dựa ở Tưởng và Mỹ. Ngày 12 tháng Ba, Nguyễn Tường Tam tới Bộ Ngoại Giao nhận chức, tuyên bố: “Trung Hoa và Mỹ có nhiệm vụ duy trì nền hòa bình ở Viễn Đông”. Y luôn luôn nhắc tới việc cần liên hệ với Mỹ, cần tranh thủ sự giúp đỡ của Mỹ…” (20)
Nguyễn Tường Tam bị kết án vì thực sự muốn kết thân với Mỹ, trong khi đảng Cộng Sản Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh luôn coi Mỹ-Anh là đế quốc thù địch với Liên Xô và chỉ muốn khai thác tình thế đương thời để lợi dụng Mỹ thôi. Ý nghĩa thực của những diễn biến trên chỉ có thể ghi nhận như thế.
Cho nên Tưởng Vĩnh Kính từng nhận định: “Hành động "liên kết với Mỹ" và "bài Hoa" của ông Hồ và Mặt Trận Việt Minh hoàn toàn đặt cơ sở trên nỗi thao thức về vấn đề sinh tồn và phát triển của bản thân họ", bởi Hồ Chí Minh luôn trung thành với điều đã ghi trong tác phẩm Con Đường Kách Mệnh: "Một là, nhiệm vụ cách mạng không phải vì một thiểu số người nào mà vì quảng đại giai cấp công nhân và quần chúng nông dân, do đó cần phải tổ chức quần chúng. Hai là, cách mạng tất yếu phải chịu sự chỉ huy của chủ nghĩa Mác Lênin. Ba là, cuộc vận động cách mạng ở mỗi quốc gia phải được kết hợp chặt chẽ với giai cấp vô sản quốc tế; công nhân và quần chúng nông dân phải phân biệt rõ giữa đệ tam và đệ tứ quốc tế.”
Theo Tưởng Vĩnh Kính, mục đích tối hậu của Hồ Chí Minh là đoạt chính quyền để tiến hành cách mạng vô sản quốc tế nên nỗi thao thức chính yếu lúc đó không phải vấn đề "có thể sớm đạt được một nền độc lập hay không”, mà là vấn đề "bản thân Việt Minh có thể đoạt thủ được chính quyền hay không...” (21)
Khi đặt vấn đề Hồ Chí Minh là người quốc gia hay Cộng Sản, Bùi Tín cũng phát biểu: “Thật ra ông Hồ Chí Minh ít có chính kiến riêng về đường lối chính trị. Đến tinh thần dân tộc trong tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lênin như ông Tito ở Nam Tư, ông Hồ cũng không có. Ông tuyệt đối tin ở đường lối và kinh nghiệm của Liên Xô, không một chút phê phán, với thái độ giáo điều”. (22)
Một người hoàn toàn tin tưởng ở Liên Xô như thế và với chủ trương, đường lối đã được thực tế biểu thị như thế hẳn khó sẵn sàng từ bỏ Liên Xô để trở thành đồng minh của Mỹ.
Thực ra, trường hợp Tito ngả về phía Tây Phương đã xẩy ra trong khung cảnh hoàn toàn khác với khung cảnh Việt Nam.
Tito lúc đó không được Stalin tin cậy và trở thành đối tượng cần loại trừ. Trong tình thế hiểm nghèo, Tito tách khỏi Cominform, thối thân của Comintern cũ, cả hai hoàn toàn do Liên xô chi phối. Sự hỗ trợ của Anh – Mỹ chỉ đơn giản là hành vi đáp ứng trước một thực tế hiển nhiên.
Với Hồ Chí Minh, sự việc chỉ nằm trong vòng dự đoán qua những lá thư hoàn toàn mập mờ trong khi các nguồn tin do Bộ Ngoại Giao Mỹ tiếp nhận không hề ngờ vực về tương quan giữa Hồ Chí Minh với Liên Xô.
Vì vậy, dù vẫn theo đuổi các nỗ lực ngoại giao nhắm thúc đẩy hai phía giải quyết vấn đề Đông Dương bằng thương thuyết, chính quyền Mỹ đã không thể hoàn toàn loại bỏ mối lo ngại Liên Xô sẽ mở một đầu cầu tại Đông Nam Á nên Mỹ không thể dứt khoát nghiêng về phía nào.
Các viên chức trong Đông Nam Á Sự Vụ của Bộ Ngoại Giao Mỹ như Moffat, Landon ngay từ những ngày đầu năm 1946 đã nhiều lần lui tới Sài Gòn, Hà Nội gặp gỡ D’Argenlieu và Hồ Chí Minh nhưng không tìm được điều kiện dung hòa.
Trở ngại lớn nhất là cả hai phía Pháp và Hồ Chí Minh đều có những dự tính nằm ngoài các vấn đề thường được nêu ra trong thương thuyết. Theo đánh giá của Bộ Ngoại Giao Mỹ, đặc biệt là của Phụ Tá Ngoại Trưởng Dean Acheson, Hồ Chí Minh liên hệ mật thiết với Mạc Tư Khoa và Diên An nên sẽ cố giữ thế toàn quyền hành động để tiến tới bành trướng ảnh hưởng Cộng Sản trong tương lai.
Ngược lại, Pháp luôn ngờ vực về sự thành thực của đối phương và cũng muốn tái lập chế độ bảo hộ. Thực ra, ngay từ thời điểm đó, việc kéo Hồ Chí Minh về phía Tây Phương đã được nghĩ tới qua ghi nhận của lãnh sự Mỹ Reed tại Sài Gòn trong báo cáo với Bộ Ngoại Giao Mỹ là thái độ trung lập của Mỹ đối với vấn đề Đông Dương có thể khiến Hồ Chí Minh ngả về phía Liên Xô. Thông báo ngày 16-12-1946 của Ngoại Trưởng Byrnes gửi các đại sứ Mỹ xác nhận mối liên hệ chặt chẽ với Đệ Tam Quốc Tế của Hồ Chí Minh có thể coi như lời giải đáp.
Vấn đề có thể hiểu là không làm được chứ không phải bỏ lỡ không chịu làm. (23)
Một điểm so sánh đáng kể khác giữa Hồ Chí Minh và Tito, là “Tito tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lênin với tinh thần dân tộc”, như Bùi Tín đã nhận định, trong khi “Hồ Chí Minh là tông đồ nhiệt thành của tín ngưỡng Cộng Sản” theo mô tả của Krutshchev.
Hồ Chí Minh và Tito không hoàn toàn giống nhau về tương quan với Cộng Sản, tuy cả hai đều trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin và Stalin. Tito vận dụng chủ nghĩa Cộng Sản như một phương tiện củng cố quyền lực và giới hạn trong phạm vi một quốc gia còn Hồ Chí Minh say sưa với giấc mơ tiến tới nền chuyên chính vô sản trên toàn thế giới.
Trên thực tế, Hồ Chí Minh được người lãnh đạo tối cao là Stalin tin cậy còn Tito thì ngược lại. Vào lúc Tito cảm thấy tính mạng và địa vị bị đe dọa thì Hồ Chí Minh hoàn toàn thoải mái, nên giữa cảnh ngộ khó khăn của Việt Nam 1945 vẫn đặt nặng vấn đề bảo vệ Liên Xô qua lời Võ Nguyên Giáp: “Kẻ thù cụ thể trước mắt lúc này là bọn phản động Pháp… câu kết với đế quốc Mỹ và đế quốc Anh để bao vây Liên Xô”. (24)
Trong nỗi thao thức của Hồ Chí Minh, Liên Xô lớn hơn Việt Nam và vấn đề đoạt thủ quyền lực cho đảng Cộng Sản lớn hơn nền độc lập dân tộc. Hồ Chí Minh không nhìn Liên Xô như một quốc gia mà như một mục tiêu phụng sự. Đây không phải ý nghĩ chủ quan của Tưởng Vĩnh Kính mà là tiếng nói cất lên từ những diễn biến thực tế đã có.
Cho nên, Cộng Sản Việt Nam nguyền rủa Tito là “phản bội để kiếm đô-la Mỹ” và Hồ Chí Minh đã làm một việc hết sức bất thường là đả kích Tito liền ngay sau ngày 22-2-1950 là ngày Nam Tư công bố sẵn sàng lập bang giao với Việt Nam theo Hồ Chí Minh yêu cầu.
Trong cuốn Tito (25), Vladimir Dedijer cho rằng việc Hồ Chí Minh yêu cầu Nam Tư công nhận Việt Nam chỉ là thủ đoạn của Liên Xô nhắm đẩy Tito vào thế khó khăn trong bang giao với Pháp, Mỹ do Hồ Chí Minh được lệnh thực hiện.
Liệu chỉ bằng một cử chỉ bắt tay thân thiện, Tổng Thống Mỹ Truman có thể biến đổi hoàn toàn con người Hồ Chí Minh như thế thành thù địch với Liên Xô như Tito không?
Câu trả lời thuận tình nhất khó tránh là một câu phủ định.
Từ lời nói, từ việc làm, Hồ Chí Minh luôn chứng tỏ chỉ muốn lợi dụng Mỹ để tranh thủ các mục tiêu của mình như đã từng lợi dụng Trung Hoa Dân Quốc, lợi dụng các đảng phái quốc gia và lợi dụng chiêu bài giải phóng dân tộc.
Do đó, nếu Truman bắt tay Hồ Chí Minh thì cũng chỉ có nhiều triển vọng là thêm một nạn nhân sập bẫy, không hơn không kém. Trong trường hợp này, Hồ Chí Minh có thể dễ dàng hơn trong việc củng cố quyền hành cho bản thân và đảng Cộng Sản Đông Dương để mau chóng tiến hành “nhiệm vụ quốc tế” tại Đông Nam Á là quét sạch ảnh hưởng chủ nghĩa tư bản tại đây.
Như thế, có thể Mỹ sẽ phải đối đầu với một cuộc chiến khốc liệt hơn và Việt Nam còn có thể biến thành cuộc chiến toàn cầu gây chết chóc nhiều hơn nữa.
Nhưng cứ giả sử Hồ Chí Minh dám tách khỏi Liên Xô như Tito và Mỹ tránh được cuộc chiến tại Việt Nam thì nhân dân Việt Nam hiển nhiên vẫn phải sống dưới một chế độ độc tài sắt máu. Vì Hồ Chí Minh và Cộng Sản Việt Nam cũng giống như Tito và “Liên đoàn những người cộng sản Nam Tư” (26) vẫn theo chủ nghĩa cộng sản, vẫn áp dụng chế độ độc đảng, vẫn tàn sát những người không chịu cúi đầu tuân phục…
Tổng thống trọn đời Tito đã đem lại cho đất nước Nam Tư cuộc sống đầy bất công và áp bức.
Thực tế Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh không khác bao nhiêu. Dù có cái bắt tay của Truman hay không, lịch sử vẫn đã xoay theo đúng hướng của nó.
CHÚ THÍCH
CHƯƠNG 50
__________________________
(01) Theo tài liệu chính thức, Hồ Chí Minh sinh năm 1890. Nhưng cũng có những tài liệu khả tín khác nói Hồ Chí Minh tuổi con Mèo tức sinh năm Tân Mão, 1891. Riêng tài liệu hộ tịch của làng Kim Liên, theo sử gia Daniel Hemery, ghi Hồ Chí Minh sinh năm 1894.
(02) The Lost Revolution – Robert Shaplen - tr. 28.
(03) Nxb Westview Press, Colorado 1985.
(04) Thuộc chủng tộc Serb, trong khi Tito người gốc Croat.
(05) Trong thế chiến II, quân đội Chetniks (thuộc sắc dân Serbia) của Mihaelovic bị cộng quân tấn công tàn sát dữ quá, đã có lúc phải tạm dựa vào quân Đức, nhưng vẫn được quân Anh kháng Đức tiếp tế, yểm trợ.
(06) Theo Milovan Djilas trong cuốn Tito, Stalin nói câu này vào lúc khiển trách phái đoàn Ba Lan về sự do dự yếu kém của cộng đảng Ba Lan đối với phe đối lập. Một nhà ngoại giao rất trẻ thuộc đảng CS Ba Lan kể lại cho tác giả khi ngồi trên xe với ông – SĐD tr. 39.
(07) Chúng tôi không dùng từ “toàn trị” để dịch từ “totalitarian regime”, vì nó không lột hết nghĩa chuyên chế, cực quyền mà còn có thể gây hiểu lầm là một chế độ cai trị tốt (toàn hảo, toàn thiện).
(08) Theo Bùi Xuân Quang - Xin đọc chương về Nhóm Đường Mới.
(09) Bản dịch Anh ngữ xuất bản tại Hoa Kỳ 1980, tr. 71- 91
(10)-(12) Viêt Nam, le dossier noir du communisme – Michel Tauriac, Bản Việt ngữ, tr.308, 45
(11) SĐD tr. 144-145
(13)-(14) BNTS – T. 2 tr. 228, 261, 57
(15)-(16)-(20)- (24) Những năm tháng không thể nào quên – Võ Nguyên Giáp, tr. 30, 68-69, 19, 183
(17) Diễn Đàn Phụ Nữ, tháng 9-1992 – Bài phỏng vấn của ký giả Phan Thế Trường.
(18)-(19) Việt Nam những sự kiện lịch sử –Dương Trung Quốc, tr. 417, 366
(21) Hồ Chí Minh tại Trung Quốc – Tưởng Vĩnh Kính , tr. 361
(22) Mặt thật – Thành Tín, tr. 99
(23) Nội dung thông báo của James Byrnes cho biết Hồ Chí Minh tương quan mật thiết với Liên Xô và hướng nhắm của Hồ Chí Minh trong “giai đoạn đầu là thực hiện một quốc gia độc lập rồi tiến tới Cộng Sản hóa”– Theo Việt Nam niên biểu – Chính Đạo, tr. 369
(25) Nxb Simon and Schuster, New York 1953.
(26) Danh xưng của cộng đảng Nam Tư kể từ sau đại hội 6 của đảng này vào năm 1952, 4 năm sau khi ly khai khối CS Liên Xô.
Saturday, September 23, 2006
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment