Đạt tới cái nhìn về tính chất cuộc chiến Việt Nam theo định hướng này là một mục tiêu chiến lược trong tiến trình đấu tranh giai cấp để thực hiện liên minh mở rộng lực lượng chống tư bản trên khắp thế giới. Tất nhiên, tầm vóc này của mục tiêu khiến trận tuyến tuyên truyền về cuộc chiến Việt Nam đã có sự tham gia tích cực của toàn thể các quốc gia Cộng Sản cùng mọi tổ chức ngoại vi chịu sự chi phối của Cộng Sản ở mọi nơi .
Từng ngày, từng giờ, người dân khắp thế giới không ngừng được nghe, được đọc, được nhắc nhở những tin tức, những sự việc do các bộ máy tuyên truyền Cộng Sản chọn lọc, tô chuốt và cuối cùng khó tránh khỏi dấy lên các ấn tượng thuận lợi cho Cộng Sản, thậm chí trở thành những công cụ tự nguyện. Đây là trường hợp của những nhà báo như Wilfred Burchett của Úc, Madeleine Riffaud của Pháp, Don Luce của Mỹ hoặc những nhân vật nổi danh như Jane Fonda, Cora Weiss, Diane Johnstone … và ngay cả đức Giáo Hoàng cũng bị cuốn vào vòng khai thác để chinh phục dư luận trong thời gian diễn ra cuộc hòa đàm về Việt Nam tại Paris.
Biến không thành có, đổi một thành mười, chuyển mười thành trăm, ngàn… vốn là nghệ thuật siêu đẳng trong tuyên truyền Cộng Sản sau quá trình thực hành kéo dài gần trọn thế kỷ.
Có thể nói không sợ lầm lẫn rằng sự bành trướng chủ nghĩa Cộng Sản trong thế kỷ 20 đã dựa phần lớn vào thành quả của trận tuyến tuyên truyền, một trận tuyến gần như luôn bỏ ngỏ với khối các quốc gia tự do.
Do đó, cái nhìn thiếu chính xác của nhiều người về tính chất cuộc chiến Việt Nam không phải là điều đáng ngạc nhiên.
Kể từ khi mở đầu cuộc chiến năm 1945, trận tuyến tuyên truyền gần như sân khấu độc diễn của Cộng Sản.
Trong tác phẩm Vietnam, le dossier noir du Communisme, Michel Tauriac đã nhắc lại hai tấm hình và vụ một đơn vị Mỹ sát hại 500 người dân ấp Mỹ Lai khiến dư luận khắp thế giới không những vùi lấp chính nghĩa của những người Việt Nam yêu nước mà còn thù hận những người này đồng thời cũng khinh ghét quân đội Mỹ.
Tauriac viết: “Hai hình ảnh đã làm mất đi chính nghĩa của Sài Gòn trên toàn thế giới. Một tấm cho thấy tướng Loan, chỉ huy trưởng Cảnh Sát miền Nam ngay trước các nhiếp ảnh viên đã bắn hạ ngoài đường phố bằng một phát súng lục một kẻ chỉ vài phút trước đó đã giết người hàng loạt… Và tấm khác, chụp cô bé gái 9 tuổi chạy ngoài đường, hoàn toàn lõa lồ, sau lưng là các tia nổ tung của bom napalm nháng lửa… Hai tấm hình khủng khiếp dán vào trán nước Mỹ như hai vết phỏng… Nước Mỹ đã bị hỏng cả mặt.”
Trước nỗi bất bình cực điểm của dư luận thế giới về hai tấm hình cùng sự việc được nêu, Tauriac nhớ lại nhiều hình ảnh và sự việc khác: “Không xa Mỹ Lai bao nhiêu là một ngôi làng nhỏ Quảng Ngãi, có hai bệnh viện… Trong đêm Tết 1968, quân Cộng Sản xông vào một bệnh viện. Y tá, bác sĩ, bệnh nhân nằm trên giường đều bị giết chết, súng cứ nhả đạn thả dàn. Khi những người Cộng Sản ra đi, thần chết đã mang theo hết mọi người…”
Và tấm hình thành phố Huế sau ngày 24 tháng Hai 1968 khi quân đội Cộng Sản bị đánh bật khỏi đây: “Khi rút lui về rừng, nhóm tấn công mang theo nhiều gia đình để làm bia đỡ đạn. Các tù nhân này không sống sót trên đời được lâu. Một số bị bắn, bị bóp cổ, bị đâm bằng dao… Một số khác phải tự đào lấy mồ trước khi bị chôn sống, bị trói dính thành xâu từng khoảng mười đến mười lăm người … Khoảng năm mươi hố chôn tập thể được khám phá trong thành phố và các vùng lân cận. Ba ngàn thi hài làm nghẹt các hào rãnh của thành phố đổ nát.”
Một hình ảnh khác không xa Huế là đoạn đường phía Nam thị xã Quảng Trị. “Năm 1972, mười mấy ngàn xác chết nằm ngổn ngang trên đó, xác của những người dân sống trong vùng đất trận mạc này, khi quân đội Bắc Việt tấn công, đã bỏ trốn do nhìn thấy số phận mà người dân Huế được Cộng Sản dành cho vào bốn năm trước. Trên suốt mười cây số, chỉ là những đống thịt đầy máu me trộn lẫn với những hành trang rải rác…”
Một sự việc cũng chìm vào im lặng dù không thể phai nhòa trong ký ức kinh hoàng của nhiều người Pháp từng sống tại Sài Gòn: “Ngày 25.9.1945, Trần Văn Giàu đã tự tay và thúc giục đồng bọn tàn sát 450 phụ nữ cùng trẻ em Pháp và lai Âu tại phố Heyraud giữa trung tâm Sài Gòn… Vợ và con người Việt của các người Pháp cũng không được tha. Khắp nơi hàng ngàn vụ tàn sát diễn ra… Khắp nơi các hố chôn tập thể được khám phá…”
Tauriac tự hỏi tại sao cho tới nay, báo chí tả khuynh Pháp không thốt lên tiếng kêu khiếp hãi nào về tất cả những sự việc đó mà chỉ nói tới vụ Mỹ Lai và hai tấm hình kia?
Làm sao báo chí tả khuynh có thể làm khác, khi trận tuyến tuyên truyền Cộng Sản đã định hướng là phải biến phe địch thành những tập đoàn tội ác, những kẻ thù của nhân loại và tô điểm bức chân dung bản thân bằng những màu sắc thiết tha vì dân vì nước!
Điểm quan trọng hơn sự im lặng của báo chí tả khuynh là chính báo chí không tả khuynh đã bị lôi cuốn, kích động và trở thành những trợ thủ đắc lực cho Cộng Sản trên trận tuyến tuyên truyền.
Do đó, tội ác thực sự khủng khiếp đã bị vùi lấp trong khi những hình ảnh bình thường trong chiến tranh được biến thành tội ác và phóng đại thành những tội ác chưa từng có trong lịch sử. Đây cũng là phương thức áp dụng để diễn tả thực chất cuộc chiến Việt Nam theo định hướng tuyên truyền Cộng Sản.
Trong tuyên truyền Cộng Sản, cuộc chiến Việt Nam được vận dụng như một nguồn chứng cớ tố giác tình trạng phạm tội của toàn bộ phe tự do, đồng thời xác định chính nghĩa vì dân vì nước của phe Cộng Sản.
Thành quả mà trận tuyến tuyên truyền Cộng Sản đạt được là thực tế của một giai đoạn lịch sử đã bị lật ngược để đổi đen thành trắng, ít nhất cũng với một số khá đông người trên thế giới.
Nói cách khác, ngoài tính vàng thau lẫn lộn của một thực trạng phức tạp, hình ảnh cuộc chiến Việt Nam đối với khá đông người trên thế giới chỉ là sản phẩm của tuyên truyền. Trên căn bản này, bức chân dung Hồ Chí Minh với tư cách nhân vật tiêu biểu cho chính nghĩa của phe Cộng Sản trong chiến cuộc Việt Nam cũng không thể mang tính cách nào ngoài tính cách sản phẩm của tuyên truyền.
Điều này chính là lời giải đáp cho câu hỏi do đâu nhân vật Hồ Chí Minh đã được lưu ý ở nhiều nơi trên thế giới và do đâu chính Hồ Chí Minh đã phải đích thân ngồi viết một cuốn sách tự phong cho mình danh vị Cha Già Dân Tộc Việt Nam.
Hồ Chí Minh được nhắc tới ở nhiều nơi vì cuộc chiến Việt Nam sau 1945 chính là điểm nóng trong cuộc chiến ý thức hệ đang diễn ra.
Đối với khối Tây Phương, cuộc chiến Việt Nam là mũi dùi tấn công trực diện vào chế độ thực dân vẫn được Cộng Sản gán chung cho mọi quốc gia Tây Phương.
Đối với các quốc gia nhược tiểu, cuộc chiến Việt Nam là yếu tố thúc đẩy sự nổi dậy chống lại ảnh hưởng Tây Phương đồng thời là sức hút sự hướng về chủ nghĩa Cộng Sản.
Hồ Chí Minh với tư cách tiêu biểu cho cuộc chiến Việt Nam đã trở thành công cụ trong cuộc đấu tranh giai cấp chống chủ nghĩa tư bản của toàn khối Cộng Sản. Cho nên nhắc nhở theo hướng đề cao Hồ Chí Minh trở thành việc làm cần thiết của toàn khối Cộng Sản cho mục tiêu bành trướng ảnh hưởng để thúc đẩy sự bùng nổ thêm các cuộc chiến cục bộ mới.
Hơn ai hết, Hồ Chí Minh đã nhận thức rõ tầm mức quan trọng trong việc định hướng cho cách nhìn của dư luận về cuộc chiến Việt Nam và về bản thân mình thuộc trận tuyến tuyên truyền Cộng Sản. Được thụ huấn về chủ thuyết Cộng Sản và các phương pháp đấu tranh tại Mạc Tư Khoa nên Hồ Chí Minh không coi nhẹ trận tuyến tuyên truyền.
Trên thực tế, khi còn hoạt động bí mật, Hồ Chí Minh đã được chỉ thị phải nỗ lực thành lập một trường tuyên truyền tại Thái Lan và những thành tựu bước đầu của Hồ Chí Minh tại Hoa Nam cuối năm 1924 hoàn toàn nhờ hoạt động tuyên truyền.
Với Hồ Chí Minh, tuyên truyền không chỉ là phương thế phát triển ảnh hưởng mà còn là hoạt động gắn liền với hơi thở của lực lượng đấu tranh nên công tác tuyên truyền luôn được đặc biệt lưu ý.
Cuối năm 1944, Hồ Chí Minh đã đặt tên cho đơn vị võ trang đầu tiên của Mặt Trận Việt Minh là “đội vũ trang tuyên truyền” để nhắc nhở đồng chí về công tác trọng tâm luôn là công tác tuyên truyền.
Sau đó, trong chính phủ đầu tiên thành lập cuối tháng 8-1945, Hồ Chí Minh đã đặt Bộ Tuyên Truyền trên cả Bộ Quốc Phòng. Đánh giá tuyên truyền ở tầm mức đó nên việc Hồ Chí Minh ngay cuối năm 1947 đã ngồi viết sách tô vẽ cho bản thân mình là điều dễ hiểu.
Thời điểm trên là thời điểm mà Mặt Trận Việt Minh đối diện với những khó khăn chồng chất, mặc dù đã thành công trong việc triệt hạ các lực lượng đối lập để nắm trọn quyền lãnh đạo.
Trước hết, Việt Minh chưa thể bám rễ sâu trong quần chúng vì các phần tử quốc gia yêu nước vẫn duy trì ảnh hưởng ở nhiều nơi và đang có những vận động kết hợp thành một trận tuyến chống lại Cộng Sản.
Dấu hiệu nguy hiểm là người Pháp bắt đầu tìm thế chuyển hướng cho sự hiện diện tại Đông Dương qua vai trò đồng minh liên kết với các lực lượng quốc gia Việt Nam.
Dấu hiệu không kém nguy hiểm khác là Hồ Chí Minh không còn giấu kín nổi hình tích Cộng Sản như thời kỳ hoạt động bí mật trong khi sự nghi ngại trong quần chúng về Cộng Sản vẫn là một thực tế.
Dù đã tuyên bố giải tán Đảng Cộng Sản, Hồ Chí Minh vẫn chưa thu phục trọn vẹn lòng tin của nhiều người đấu tranh yêu nước và phía Pháp đã tuyên bố không chấp nhận thương lượng với Việt Minh do Hồ Chí Minh là cán bộ Cộng Sản Quốc Tế chịu sự chi phối của Liên Xô.
Nói gọn lại, tính chất Cộng Sản của Hồ Chí Minh đang đe dọa chiêu bài dân tộc yêu nước của Việt Minh đồng thời đẩy Cộng Sản Việt Nam vào cảnh có thể bị chống đối từ quốc nội tới quốc tế.
Tạo ra hình ảnh một Hồ Chí Minh tuy từng có tương quan với Cộng Sản nhưng một lòng vì dân vì nước, được toàn thể dân chúng kính yêu chính là một nỗ lực trên trận tuyến tuyên truyền để giải tỏa các áp lực chống đối.
Vì thế, cái tên Hồ Chí Minh chỉ mới xuất hiện lần đầu trước công chúng vỏn vẹn 24 tháng trước và còn là mối nghi ngại đối với nhiều người vẫn được chính Hồ Chí Minh diễn tả như một cái tên thân thiết với hết thẩy mọi tầng lớp quần chúng và gán cho quần chúng sự sùng kính tột cùng đối với mình qua những dòng chữ trơ tráo: “Không có gì so sánh được với lòng dân Việt Nam kính mến tin tưởng lãnh tụ Hồ Chí Minh... Nhiều nhà báo và người ngoại quốc rất ngạc nhiên trước lòng kính yêu của nhân dân Việt Nam đối với vị Cha già Hồ Chí Minh... Hồ Chủ Tịch được nhân dân yêu mến là do lòng yêu nước, yêu nhân dân ... Hồ Chủ Tịch được nhân dân yêu mến là do lòng hy sinh và lòng nhân từ của Người... Chủ tịch không bao giờ nghĩ đến mình. Người chỉ nghĩ đến người khác, nghĩ đến nhân dân... Mọi người kính mến Hồ chủ tịch, nhất là thanh niên và nhi đồng. Ở ngoài mặt trận khi xung phong các chiến sĩ hô lớn: Vì tổ quốc, vì Bác Hồ tiến lên! Vì Bác Hồ mà những người lao động trong nhà máy và trên đồng ruộng tăng thêm năng suất. Đối với nhi đồng tên bác Hồ như là một người mẹ hiền. Chỉ nhắc đến tên Bác là các em trở nên ngoan ngoãn... Nhân dân gọi chủ tịch là Cha Già của dân tộc, vì Hồ chủ tịch là người con trung thành nhất của Tổ Quốc Việt Nam”.
Kiều Phong bảo Hồ Chí Minh lố bịch rẻ tiền, Vũ Thư Hiên coi đây là chuyện ngớ ngẩn trong khi Bùi Tín cho rằng Hồ Chí Minh đã diễn một tấn trò nực cười…
Những phê phán theo hướng này đã bỏ qua khung cảnh thực tế căng thẳng của Mặt Trận Việt Minh lúc đó và không xét việc làm của Hồ Chí Minh trong tính cách một nỗ lực đấu tranh trên trận tuyến tuyên truyền.
Vào lúc ngồi nặn óc viết ra những điều giả dối trơ trẽn trên, Hồ Chí Minh không bị thúc đẩy chỉ bởi riêng lòng ham muốn sùng bái cá nhân mà đang chiến đấu cho sự tồn tại trên chính trường của bản thân và phe phái. Cho nên cuốn sách được viết giữa không khí sôi động khốc liệt của chiến trường và vừa viết xong đã gửi cấp tốc qua Ngưỡng Quang để dịch sang ngoại ngữ phổ biến đi khắp nơi.
Chính cuốn sách giả dối trơ trẽn này đã đóng góp lớn lao vào trận tuyến tuyên truyền về cuộc chiến Việt Nam do khối Cộng Sản mở ra trên khắp thế giới những ngày sau đó. Những huyền thoại mà Hồ Chí Minh tạo ra cho mình như con người nhân từ, một lòng hy sinh vì nước, được toàn dân yêu mến tôn xưng là Cha Già Dân Tộc… gần như được lập lại ở hầu hết các tác phẩm nói về cuộc chiến Việt Nam theo định hướng kết buộc Pháp - Mỹ đã theo đuổi ý đồ xâm lược và lực lượng dân tộc yêu nước Việt Nam chỉ là một nhóm bù nhìn cho ngoại bang.
Dư luận này đã khiến dấy lên những làn sóng chống đối ở nhiều nơi ngăn trở nỗ lực chiến đấu của phía thế giới tự do và lực lượng yêu nước Việt Nam trong khi hỗ trợ tối đa cho hành động của Cộng Sản.
Tới nay, khối Cộng Sản chỉ còn là một dấu tích của thế kỷ 20, nhưng tiếng nói chính xác của thực tế lịch sử Việt Nam cũng như chân dung thực sự của Hồ Chí Minh vẫn chưa thoát cảnh bị vùi lấp dưới ảnh hưởng của trận tuyến tuyên truyền Cộng Sản.
Vẫn còn không ít người diễn tả Hồ Chí Minh như một nhà cách mạng ái quốc của Việt Nam, một người có công đầu giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị ngoại bang dù trên thực tế, hết thẩy đều đồng ý rằng Hồ Chí Minh là tín đồ thuần thành của chủ nghĩa Cộng Sản và trong lý thuyết Cộng Sản không có điểm nào dung nạp tinh thần dân tộc.
Những người không thể chối bỏ thực tế hiển nhiên của thảm trạng đời sống Việt Nam suốt già nửa thế kỷ qua thì biện giải rằng mọi việc đều nằm ngoài ý định của Hồ Chí Minh.
Những cách diễn tả hoặc biện giải này đều đã có lời đáp từ nhiều phía được ghi lại rải rác trong các chương sách trước nên xin được bỏ qua.
Ý nghĩ của chúng tôi chỉ trở lại với một điều từng được trình bày trong cuốn sách viết trước đây là nếu không đặt Hồ Chí Minh cùng cuộc chiến mà ông chủ trương và lãnh đạo trong bối cảnh chiến tranh ý thức hệ toàn cầu do Cộng Sản chủ trương thì chẳng khác những nhà khoa học trước và đương thời với Copernic và Gallilée, cứ nhất định bảo mặt trời xoay quanh trái đất. Mọi người đã rõ số phận của Gallilée lúc ấy nhưng ngày nay chỉ người điên mới nói mặt trời xoay quanh trái đất. Không sớm ắt muộn, thực tế sẽ dõng dạc cất lên tiếng nói chính xác không gì có thể rời đổi nổi.
Chúng tôi không dám đem mình sánh với Gallilée để diễn tấn tuồng đom đóm sánh với mặt trời mà chỉ hy vọng những trang sách đã được viết sẽ gợi nhắc phần nào hướng nhìn gần gũi nhất về con người thực của nhân vật Hồ Chí Minh để từ đó có thể khơi lên những tia sáng sẽ làm tỏ lộ dần tính chất thực của những biến cố lịch sử nhuốm đầy tóc tang và đau đớn mà dân tộc Việt Nam phải gánh chịu suốt già nửa thế kỷ qua.
Hy vọng này không chỉ do thúc đẩy của khát khao phát hiện những thực trạng từng bị vùi lấp và còn đang bị vùi lấp mà chủ yếu khởi phát từ mong mỏi những tiếng nói hàm chứa trong thực trạng của giai đọan vừa qua sẽ mở ra một lối thoát thực sự cho tương lai đất nước để không bao giờ còn lâm cảnh tốn hao xương máu nhiều thế hệ cho thành quả cuối cùng là dấn bước vào một ngõ cụt tối tăm.
Xin được ghi lại như dấu chấm cuối cùng về bức chân dung Hồ Chí Minh, lời trối trước khi giã từ cuộc sống của một người đã dành trọn đời tham gia hàng ngũ đấu tranh do Hồ Chí Minh lãnh đạo: “Đất nước mình bất hạnh cùng cực vì đã có một lãnh tụ là ông Hồ! ”.
Saturday, September 23, 2006
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment