Sunday, September 24, 2006

Chương 48* HỒ CHÍ MINH và tình trạng bị thủ hạ khống chế

Một số người Mỹ như Archimedes Patti, Charles Fenn, Gallagher… từng gặp Hồ Chí Minh trước tháng 8-45 và các tác giả Pháp như Bernard Fall, Jean Lacouture, Jean Sainteny... đều mô tả Hồ Chí Minh là người hiếu hòa không thích bạo động.
Do đó, khi xảy ra cuộc tổng công kích Mậu Thân 1968 tại miền Nam đã có người cho rằng Hồ Chí Minh không dính dấp tới sự việc, thậm chí Hồ Chí Minh còn chống lại chủ trương thống nhất đất nước bằng võ lực.
Ngoài bản tính hiếu hòa, lý do chính được viện dẫn là Hồ Chí Minh đã cao tuổi không còn nắm thực quyền chỉ đạo chế độ miền Bắc, đặc biệt trong những năm cuối đời, Hồ Chí Minh đã bị nhóm Lê Duẫn khống chế.
Nhiều cách biện giải để chứng minh cho nhận định trên đã được đưa ra, trước hết là cuộc “tổng công kích, tổng nổi dậy Tết Mậu Thân” xảy ra chỉ cách ngày cuối đời của Hồ Chí Minh không đầy hai năm và cũng là thời điểm Hồ Chí Minh dưỡng bệnh tại Trung Quốc.
Trước đó, tình trạng chia rẽ trong nội bộ Cộng Sản Việt Nam cũng là nguyên do hạn chế quyền lực của Hồ Chí Minh.
Theo nhiều tác giả, sự phân bè kết nhóm do ảnh hưởng cuộc xung đột Liên Xô – Trung Cộng đã khiến Hồ Chí Minh không còn giữ được vị thế tối cao của thời gian trước 1954 vì thuộc phe yếu thế.
Dựa vào quá trình hoạt động, những người nêu nhận định này cho rằng Hồ Chí Minh đã ngả về phe thân Liên Xô. Đối với Hồ Chí Minh, Mạc Tư Khoa là nơi mở đầu cuộc hành trình đưa vào thế giới Cộng Sản và cũng là vùng đất thiêng tượng trưng cho lý tưởng đấu tranh.
Tương quan giữa Hồ Chí Minh với các đồng chí Liên Xô luôn chặt chẽ và đậm đà hơn tương quan với các đồng chí Trung Cộng. Dù được trao vai trò phụ trách vùng Đông Á và có mặt tại Trung Hoa từ cuối năm 1924, Hồ Chí Minh luôn gắn bó với các giới chức Liên Xô trong mọi công tác vì là nhân viên của Đệ Tam Quốc Tế. Ngoài ra, do bản tính ôn hòa, Hồ Chí Minh không tán thành chủ trương sắt máu của Mao Trạch Đông.
Kèm theo các biện giải trên là sự viện dẫn một số sự việc ghi nhận qua sách báo viết về Hồ Chí Minh, đặc biệt là một số sự việc mà người kể tự nhận chính là nhân chứng.
Những câu chuyện được nhắc lại nhiều lần để chứng minh cho bản tính hiếu hòa, nhân ái là Hồ Chí Minh thường luôn ôm hôn trẻ em mỗi khi gặp gỡ, thường không ngăn được nước mắt ngay trước các đám đông, từng cởi áo khoác tặng một sĩ quan ngoại quốc hay đưa áo len của mình cho một người lính gác giữa mùa đông với manh áo mỏng…
Lời lẽ, cử chỉ và dáng vẻ bề ngoài của Hồ Chí Minh khi gặp gỡ cũng lưu lại một ấn tượng thoải mái với Archimedes Patti, Fenn, Gallagher hay Sainteny, Wilfred Burchett, France Fitzgerald ... Và, Lacouture, Bernard Fall đều không quên hình ảnh Hồ Chí Minh đi dép ăn mặc sơ sài từ ngoài bước vào, “tiếng chân nhẹ nhàng như tiếng lụa xào xạc”, (chữ của Lacouture) khi họ đang phỏng vấn thủ tướng Phạm Văn Đồng về những vấn đề quan trọng.
Cùng với cách xuất hiện đột ngột đó là những lời thăm hỏi hết sức tự nhiên. Các nhà báo trên đều ghi lại Hồ Chí Minh đã điềm nhiên chuyển câu chuyện qua các đề tài thân mật với từng nhà báo như việc phu nhân Bernard Fall vẽ chân dung Hồ Chí Minh ra sao hay Paris lúc này có gì lạ không vv...
Mặt khác, việc Hồ Chí Minh giải tán đảng Cộng Sản, lập chính phủ liên hiệp với những người đối lập, việc ký hiệp định sơ bộ 6-3-1946 với Pháp cũng như nội dung hai bản hiến pháp 1946, 1959 ra đời thuở Hồ Chí Minh còn sống đều không nói đến chuyên chính vô sản và độc quyền lãnh đạo của đảng Cộng Sản … và đặc biệt, một tin đồn cho tới nay vẫn chưa có bằng chứng xác nhận cũng được nhắc như các chứng cớ biểu hiện tính hiếu hòa và chủ trương chống giải pháp võ lực của Hồ Chí Minh. Đó là tin đồn về việc Hồ Chí Minh gửi tặng Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm một cành đào đính kèm tấm thiệp chúc Tết nhân dịp đón Xuân Quý Mão 1963.
Theo tin đồn, thời khoảng sau đó cho tới trước khi xảy ra cuộc đảo chính 1-11-1963 tại Miền Nam, Hồ Chí Minh đã có một loạt cử chỉ bày tỏ thiện chí muốn thương thuyết với chế độ Việt Nam Cộng Hòa tại miền Nam để đi tới thống nhất đất nước trong hòa bình.
Trong Đêm giữa ban ngày, Vũ Thư Hiên trưng dẫn ý kiến của cha mình, Vũ Đình Huỳnh, vốn là người thân cận với Hồ Chí Minh cho rằng Hồ Chí Minh không chủ trương bạo lực: “Sau vụ bắt bớ giam cầm những người cộng sản bất đồng chính kiến, nhiều người buộc tội ông Hồ Chí Minh, thậm chí gán cho ông những tính chất mà ông không có, như tính hiếu chiến, hiếu sát. Cha tôi giận ông Hồ, nhưng không đồng tình với lời buộc tội đó. Những ngày ở trong rừng Việt Bắc, cha tôi kể, mỗi khi sắp mở một chiến dịch ông Hồ trở nên bẳn gắt và hút thuốc lá luôn miệng, có khi thức trắng đêm. Hồ Chí Minh hiểu hơn ai rằng gắn liền với mỗi thắng lợi trên chiến trường là máu chiến sĩ, đồng bào phải đổ ra” (1) . 
Riêng Vũ Thư Hiên cũng nhận định về Hồ Chí Minh: “Khi ban lãnh đạo Đảng ngả theo Bắc Kinh, ông Hồ còn buồn hơn. Ông hiểu Mao Trạch Đông, hiểu tham vọng bá, tính cách bá của ông ta. Với đường lối “tọa sơn quan hổ đấu”(ngồi trên núi xem hổ đánh nhau) đã nhiều năm Mao xúi Liên Xô đụng đầu với Mỹ, nay ông ta lại khuyến khích Việt Nam xông trận. Mao sẵn sàng hy sinh đến người Việt Nam cuối cùng trong cuộc đấu tranh chống “con hổ giấy” là điều Hồ Chí Minh hiểu hơn ai hết” (2)
Về Lê Duẫn, Vũ Thư Hiên viết: “Không có chiến tranh, Lê Duẫn không còn là Lê Duẫn. Lê Duẫn chẳng ngần ngại chê bai Hồ Chí Minh không dám chủ trương dùng bạo lực giải phóng miền Nam. “Bác còn do dự, chớ khi rời miền Nam tui đã chuẩn bị hết cả rồi. Với tui chỉ có uýnh thôi, uýnh cho tới thắng lợi cuối cùng”. (3)
Trong Vietnam, la face cachée du régime, Bùi Tín kể lại chính mình đã ghi âm trước nhiều nhân chứng khác, những lời Lê Duẫn tự khoe và chê Hồ Chí Minh không dám chủ trương chiến tranh, chỉ nuôi ảo vọng thực hiện thống nhất bằng đường lối hòa bình.
Bùi Tín viết: “Một hôm ông ta (Lê Duẫn) khoe trước những người được chính thức cử viết tiểu sử của ông ta – trong đó có tôi – rằng: Sau hiệp định Genève, bác Hồ vẫn tiếp tục tin là tổng tuyển cử sẽ có thể xảy ra được trên toàn quốc. Đó chỉ là ảo tưởng. Tôi nhìn sự việc đúng hơn Bác. Tôi tiên liệu ngay việc phải dùng tới bạo lực cách mạng. Tôi bảo các đồng chí miền Nam hãy chôn vũ khí. Chính tôi đã bảo họ để lại lực lượng tại miền Nam chứ đừng tập kết hết ra Bắc.” (4) 
Bùi Tín tỏ ra không tin những lời khoe được đưa ra quá muộn – năm 1983 –  nhưng vẫn nhắc lại có lẽ chỉ nhắm cho thấy Hồ Chí Minh ít hiếu sát hơn các thủ hạ và việc xử dụng võ lực là ngoài ý muốn.
Cả Vũ Thư Hiên lẫn Bùi Tín đều nhắc đến uy thế và lập trường chủ chiến của Lê Duẫn, nhưng không xác nhận tình huống Hồ Chí Minh bị nhóm Lê Duẫn khống chế như Nguyễn Văn Trấn, một trong số cán bộ Cộng Sản cao cấp nhất của miền Nam. Sau năm 1975, khi thất vọng về lý tưởng Cộng Sản, Nguyễn Văn Trấn đã ghi lại trong Viết Gử i Mẹ và Quốc Hội về thái độ của Hồ Chí Minh ngả theo đường lối “sống chung hòa bình” của Khrutshchev, nhưng thuộc nhóm thiểu số nên bị nhóm Lê Duẫn – Lê Đức Thọ khống chế.
Nguyễn Văn Trấn trích dẫn lời Bùi Công Trừng tả cảnh Hồ Chí Minh chủ trì Hội Nghị Trung Ương kỳ 9 ngày 11-12-1963 – chỉ hơn một tháng sau khi chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam bị lật đổ tại Sài Gòn.
Bùi Công Trừng nói với tác giả nguyên văn như sau: “Mày coi, coi nó tội nghiệp không. Đồng chí Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu của chúng ta bận đồ lụa gụ, chủ trì hội nghị mà mặt day ra sân. Có lỗ tai tự nhiên nó phải hứng những lời công kích mạt sát Liên Xô. Khi chướng tai quá, quay vô, đưa tay để nói, thì thằng Thọ lễ phép Bắc Hà: “Bác hãy để cho anh em người ta nói đã mà.” Tao đếm lão Hồ đưa tay mấy lần, lần nào thằng Thọ cũng kịp ngăn. Cuối cùng ông cũng cho hội nghị nghe, ông nói ca dao bằng tiếng khóc: “Khi thương trái ấu cũng tròn. Khi ghét bồ hòn cũng méo”. Và ông nói xụi lơ: “Thấy lợi người ta cho tên lửa vô; thấy bất lợi người ta rút ra mà!” (5)
Đó là quang cảnh hội nghị kỳ 9 Trung Ương Đảng đưa ra nghị quyết số 9, nghị quyết tối quan trọng mở màn cho cuộc tấn công miền Nam, sau khi tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm rồi tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy bị giết trong tháng trước. Hai vị tổng thống trên đều chủ trương rút quân Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam, dù lúc ấy cũng chỉ mới có 16 ngàn lính Mỹ được tăng cường từ cuối 1962. 
Tóm lại, nhiều người kể cả một số người Cộng Sản Việt Nam đã rời bỏ hàng ngũ đều nghĩ rằng sự bùng nổ cuộc chiến Việt Nam sau 1954 cũng như cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 hoàn toàn ngoài ý muốn của Hồ Chí Minh.
Ba lý do được viện dẫn cho nhận định này là Hồ Chí Minh vốn do bản tính hiếu hòa nhân ái không ưa chuyện giết chóc, tuổi già bệnh hoạn khiến không thể bao quát mọi công việc và bị một nhóm thủ hạ thân Trung Cộng, cụ thể là nhóm Lê Duẫn vốn theo đuổi chủ trương gây chiến khống chế.
Về bản tính hiếu hòa, luận cứ được viện dẫn hầu hết thuộc ý nghĩ chủ quan dựa trên một số giai thoại trong đó gồm cả những giai thoại do chính Hồ Chí Minh dựng nên.
Giả dụ hết thẩy những giai thoại này đều xác thực vẫn chưa đủ minh chứng bản tính của một con người luôn đặt vấn đề tuyên truyền lên hàng đầu và từng nhắc một người thân rằng “Làm chính trị phải biết cười khi cần cười, biết khóc khi cần khóc.” Đó là lời Hồ Chí Minh nhắc Vũ Đình Huỳnh mùa thu năm 1946 ở Paris khi Vũ Đình Huỳnh thắc mắc tại sao ông ta có thể khóc dễ dàng như vậy tại nghĩa trang Père Lachaise.
Với một người dễ dàng cười khóc theo nhu cầu đối phó với từng hoàn cảnh thì việc ôm hôn trẻ con, việc cởi áo tặng một thuộc hạ thiếu áo, việc băn khoăn bứt rứt sau khi hạ lệnh mở một chiến dịch, việc xuất hiện nhẹ nhàng, nói năng giản dị với các nhà báo ngoại quốc… đều có thể chứa hậu ý tuyên truyền một điều gì đó.
Sẽ không khó hiểu nếu bảo những cử chỉ hay lời nói rất tự nhiên trước mắt mọi người thực ra đã được xếp đặt để chinh phục tình cảm hay “đắc nhân tâm” vốn là mục tiêu mà chính khách chuyên nghiệp nào cũng luôn chú trọng.
Vấn đề chỉ là không phải bất kỳ ai cũng đạt nổi mức tự nhiên để che giấu tính giả tạo của những cử chỉ hay lời nói đó. Hồ Chí Minh đã được rèn luyện kỹ về nghệ thuật tuyên truyền, về kỹ thuật điệp báo và có thể nhờ sự khôn khéo thiên bẩm nên dễ dàng thành công hơn nhiều người khác trong sự giả tạo một cách rất tự nhiên.
Vả lại, bên cạnh những giai thoại trên vẫn hiện diện không ít giai thoại phản ảnh một bản tính ngược lại. Trong hồi ký của Võ Nguyên Giáp và trong các tài liệu lịch sử chính thức của Cộng Sản Việt Nam đều ghi một lời nói của Hồ Chí Minh năm 1945 trong cơn mê sảng dặn Võ Nguyên Giáp: "Dù cho phải đốt cả dẫy Trường Sơn thì cũng quyết dành cho được nền độc lập”.
18 năm sau, 1963, Hồ Chí Minh cũng nói một câu tương tự với Chu Ân Lai: “Đừng nói phải đánh 5 năm, 10 năm, dù có 20 năm, 30 năm, thậm chí 50 năm cũng phải đánh”.
Tròn ba tháng sau khi gặp Chu Ân Lai để phát biểu như trên, Hồ Chí Minh đã lên tiếng trong phiên họp Bộ Chính Trị Trung Ương Đảng chỉ thị về một phương cách tiến hành cuộc chiến tại miền Nam: “Ta vừa tiêu diệt, vừa tuyên truyền”. Những lời lẽ này không chỉ bác bỏ bản tính hiếu hòa của người nói mà còn cho thấy rõ mưu toan vận dụng tuyên truyền để che giấu mức độ hiếu chiến.
Thêm nữa, ngay khi nói về bản tính hiếu hòa của Hồ Chí Minh, thậm chí còn nghĩ Hồ Chí Minh tin Chúa Jésus, chính Sainteny lại cho biết không hề ảo tưởng thuyết phục được Hồ Chí Minh nhượng bộ trong cuộc thương thuyết giữa hai người và giải thích về con người Hồ Chí Minh như sau: “Khi những mưu tính của ông ta hay đồng chí của ông ta, hoặc chính bản thân ông ta bị đe dọa, ông ta sẽ không do dự dùng những cách tàn bạo. Về phương diện này, ông ta hoàn toàn thuôïc về cái thứ châu Á quá nhiều mâu thuẫn, ở đó người ta áp dụng các hình thức tra tấn cực hình tinh vi nhất tiếp theo những nghi thức xã giao rất ư ngọt ngào”.
Sainteny đã tự xô đổ hình ảnh thần tượng của mình.
Bởi, cái tính Á Châu quá nhiều mâu thuẫn được viện dẫn không thể biến một kẻ không do dự dùng những phương cách tàn bạo thành một kẻ hiếu hòa, nhất là kẻ đó lại đủ thủ đoạn để vẫn nói cười ngọt ngào giữa lúc thi thố những cực hình man rợ. Ngôn ngữ Á Châu hay ngôn ngữ Việt Nam đã có những từ để chỉ loại người đó là tàn ác nham hiểm. Người hiếu hòa nhân ái và kẻ tàn ác nham hiểm luôn luôn là hai đối cực ngay tại Á Châu chứ không bao giờ là hai mặt của một con người Á Châu quá nhiều mâu thuẫn.
Duiker trong khi bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Hồ Chí Minh cũng cho biết Hồ Chí Minh hết sức trung thành với quan điểm về người đấu tranh cách mạng theo diễn tả của Sergey Nechayev như sau: “Anh ta phải tàn nhẫn, nham hiểm như Machiavel, trong khi cổ võ cho mục đích cách mạng. Anh ta phải tỏ ra tuyệt đối phục tùng đảng của anh ta. và sẵn sàng từ bỏ mọi liên hệ bạn bè và gia đình. Cũng phải sẵn sàng hy sinh những tiêu chuẩn đạo lý đã được nhìn nhận một cách phổ quát, để có thể nói dối, ăn gian vì lợi ích cách mạng…”
Kẻ đã chấp nhận từ bỏ mọi liên hệ bạn bè, gia đình để sẵn sàng ăn gian nói dối, sẵn sàng hành động tàn nhẫn nham hiểm không thể là kẻ hiếu hòa nhân ái.
Hai bản hiến pháp 1946, 1959 ban hành khi Hồ Chí Minh còn sống không có những điều khoản minh thị nền chuyên chính vô sản như hai bản hiến pháp 1976, 1992 không phải vì Hồ Chí Minh có tinh thần dân chủ hơn mà chỉ vì theo sách lược giai đoạn khi chưa đoạt được quyền lãnh đạo trên cả nước thì chưa thể lộ bản chất độc tài.
 Trên thực tế, nội dung hai bản Hiến Pháp đó có thể mang thêm nhiều điều khoản tốt đẹp hơn nữa cũng không có ý nghĩa gì. Bởi, ngay trong thời gian Hồ Chí Minh còn sống, các bản Hiến Pháp vẫn không hề có hiệu lực thực tế mà chỉ là món đồ trang trí không hơn không kém. Hiến Pháp quy định mọi thứ quyền công dân nhưng đủ loại công dân đã bị lôi ra đấu tố, tàn sát trong Cải Cách Ruộng Đất mà chính Hồ Chí Minh diễn tả là cuộc đấu tranh long trời lở đất. Hiến Pháp xác nhận quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí nhưng hàng loạt văn nghệ sĩ bị xiềng xích trong các nhà giam với vụ Nhân Văn Giai Phẩm và hàng loạt đồng chí của Hồ Chí Minh chỉ do phát biểu về những sai lầm của giới lãnh đạo đã bị tù đày, bị hành hạ tới chết như Vũ Đình Huỳnh, Đặng Kim Giang, Bùi Công Trừng, Phạm Viết, Phạm Kỳ Vân, Ung Văn Khiêm, Lê Liêm, Nguyễn Văn Vịnh… thậm chí bị hạ sát tức khắc như Dương Bạch Mai để không thể mở miệng nói ra ý nghĩ của mình.
Những sự việc trước đó như tuyên bố giải tán đảng Cộng Sản, thành lập chính phủ liên hiệp, hô hào đoàn kết dân tộc, ký kết hiệp định Sơ Bộ 6-3-1946… cũng không khác những bản Hiến Pháp chỉ có tính trang trí.
Bởi mặt trái của những sự việc đã nói quá rõ về các mưu tính, các thủ đoạn thấm đẫm xương máu của không biết bao nhiêu nạn nhân.
Hết thẩy những sự việc trên đều diễn ra ngay trước mắt Hồ Chí Minh, thậm chí do chính bàn tay sắp đặt của Hồ Chí Minh vào giữa thời điểm mà mỗi lời nói của ông đều là một lời “Thánh huấn”.  Dù muốn dù không, những tiếng nói thực tế này sẽ tiếp tục cất lên bất chấp một số cá nhân cố sức diễn tả Hồ Chí Minh là người hiếu hòa nhân ái.
Bùi Tín cũng là một người cho rằng Hồ Chí Minh không có tính hiếu sát nhưng lại diễn tả về cách hành sử của Hồ Chí Minh đối với những người Cộng Sản Việt Nam thuộc Đệ Tứ Quốc Tế như sau: “Cuối năm 1939, Nguyễn Ái Quốc trong báo cáo gửi Quốc Tế Cộng Sản chỉ rõ: “Đối với bọn trốt-kýt không thể có một thỏa hiệp hay nhân nhượng nào cả. Phải lột mặt nạ chúng như là tay sai của phát-xít, phải tiêu diệt chúng về chính trị”. Sau đó, từ Trung Quốc, ông gửi thư về nước, chỉ rõ: “Bọn trốt-kýt là một lũ bất lương, những con chó săn của chủ nghĩa phát-xít Nhật và chủ nghĩa phát-xít quốc tế… Vu khống chụp mũ những người trốt-kýt Việt Nam, ám sát, thủ tiêu những người lãnh đạo trốt-kýt như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch là những bạn chiến đấu một thời của những người Cộng Sản, những người lãnh đạo Đông Dương đã thực hiện chủ nghĩa Staline, đã phạm một tội ác trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc”. (6)
Bộ áo không làm thành nhà tu nhưng trong rất nhiều trường hợp, bộ áo vẫn có thể gây ra sự ngộ nhận một kẻ sát nhân là nhà tu. Riêng trong câu chuyện về con người Hồ Chí Minh, bộ áo hiếu hòa nhân ái mà một số người đưa ra để che đậy bản tính tàn ác nham hiểm đã không che nổi hai bàn tay thọc quá sâu vào những thảm trạng đẫm máu kéo dài suốt một thời kỳ lịch sử hơn 30 năm kể từ 1930.
 Tuổi già và bệnh hoạn cũng là lý do được viện dẫn để đẩy Hồ Chí Minh xa khỏi những quyết định về trận đánh Tết Mậu Thân 1968.
Cho tới nay, trận đánh này vẫn được ca ngợi là một trận đại thắng của Cộng Sản Việt Nam với tầm mức quyết định toàn bộ kết quả cuộc chiến vào tháng 4-1975.
Tuy nhiên, những người ca ngợi ở khắp nơi, kể cả giới lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam, đều có vẻ chưa thoát khỏi một mặc cảm gì đó khi nhắc đến trận đánh. Sự vướng mắc có thể khởi phát từ thực tế hiển nhiên là mức tổn thất quá nặng cùng một số phản ứng bất lợi trong dư luận quốc tế đối với đảng Cộng Sản Việt Nam do vụ thảm sát dân chúng tại Huế (7).
Về hai sự việc này, Bùi Tín ghi lại: “Đầu năm 1988, nhân dịp kỷ niệm 20 năm Tết Mậu Thân, Bộ Quốc Phòng có tổ chức một cuộc họp có ý nghĩa tổng kết về cuộc tiến công Mậu Thân 1968. Có đại điện Bộ Ngoại Giao đến dự và phát biểu về tác động của thắng lợi ấy về mặt đấu tranh ngoại giao. Theo những con số được đưa ra thì quả thật, hy sinh thật là lớn. Hy sinh trong đợt đầu (tháng Giêng 1968) không nhiều, nhưng đến đợt 2 (tháng 5-1968) thì nhiều hơn và đợt 3 (tháng9-1968) lại nhiều hơn nữa. Thiệt hại còn kéo dài sang năm 1969 và đầu năm 1970 với những chiến dịch bình định, bình định cấp tốc rất ác liệt. Qua Mậu Thân, các lực lượng cơ sở, du kích, bộ đội địa phương xây dựng hàng chục năm bị lộ gần hết, bị đánh quét bật ra khỏi các địa bàn quan trọng. Từ giữa năm 1970 tình hình mới khôi phục dần. Ai cũng thấy từ giữa 1968 đến đầu 1970 là thời kỳ chuyển vào thoái trào, phải bị động bảo toàn lực lượng để rồi khôi phục dần cơ sở, sức lực bị tổn thất là lớn nhất so với các thời kỳ khác của cuộc chiến tranh…
Trong cuộc tiến công Mậu Thân 1968, cuộc tàn sát ở Huế được dư luận thế giới hết sức chú ý… Hồi ấy, trong không khí căng thẳng đột nhập thành phố, thấy dân không nổi dậy, lại còn bỏ chạy, rất ít người đón chào, phối hợp giúp đỡ bộ đội, nên bộ đội nhập thành phố liền có thành kiến với dân Huế. Họ bảo nhau: Đúng là dân “ngụy” rất nặng căn… Danh từ “ác ôn” hồi ấy dùng cũng tràn lan tùy tiện … Cho nên những vụ tàn sát tập thể có thể đã xảy ra ở các tiểu đoàn đang hành quân rút lui… Các vụ tàn sát này về sau đã được giải quyết ra sao? Có ai bị kỷ luật không? Theo tôi được biết, do dư luận miền Nam, dư luận quốc tế xôn xao, xúc động mạnh nên Tổng Cục Chính Trị, cơ quan thanh tra quân đội có chú ý vụ này. Việc có 5 bác sĩ Cộng Hòa Liên Bang Đức bị giết cũng làm cho vụ này vang động hơn. Tướng Trần Văn Quang có bị phê bình. Chính Ủy Lê Chưởng của mặt trận Trị Thiên về sau chuyển ngành ra Thứ Trưởng Bộ Giáo Dục. Ông chết trong một tai nạn ô tô ở Nghệ An. Đại tá Lê Minh chỉ huy cánh quân ở tả ngạn sông Hương cũng bị phê bình, ông chết bệnh sau đó.
Cách giải quyết những sự việc lớn của chế độ hiện hành luôn che giấu, ém nhẹm, xử lý nội bộ, úp úp mở mở… Việc giáo dục căm thù cần thiết trong chiến tranh đã đẩy tới mức cực đoan quy định tràn lan là “ác ôn”, kẻ thù tối nguy hiểm, không được để bỏ trốn … đã tạo nên những vụ tàn sát khốc liệt. Lẽ ra trong vụ này, công lý đã phải lên tiếng một cách công khai rõ ràng vì liên quan đến mạng sống của hàng ngàn con người… Lẽ ra tất cả hệ thống chỉ huy Trị Thiên đều phải bị điều tra và xử lý về vụ này để qui rõ trách nhiệm từng người, để kết luận một cách công minh, để giảm bớt phần nào nỗi đau của những người trong cuộc và gia đình người thân của họ. Điều tệ hại là những người lãnh đạo đảng Cộng Sản có khuynh hướng coi những sai lầm “tả” khuynh là nhẹ. Như bắt người trong Cải Cách Ruộng Đất, thái độ hung hãn với các tôn giáo, qui định quá mức trong Cải Tạo Tư Sản… đều xử trí qua loa. Họ lập luận rất kỳ quặc là hữu khuynh mới thật tai hại! Hữu khuynh là thiếu tinh thần cách mạng, còn tả khuynh là thừa tinh thần cách mạng. Cho nên, ông Đồng Sỹ Nguyên hồi 1947-1948 ở Quảng Bình phạm tội đốt phá bắn giết một số làng Công Giáo, bị kết án cho yên lòng dân, sau đổi tên (tên thật hồi ấy là Nguyễn Sỹ Đồng) ra Hà Nội làm Cục Trưởng Dân Quân, rồi cứ lên mãi đến Ủy Viên Bộ Chính Trị, Phó Thủ Tướng (8) …
Qua ghi nhận của Bùi Tín, trận đánh Tết Mậu Thân 1968 dù được coi là một cuộc tấn công đặc sắc, táo bạo cùng một lúc đánh vào 44 thị trấn và hơn 100 cứ điểm miền Nam gây một tiếng vang lớn trên thế giới nhưng rõ ràng đã gợi nhắc nhiều nỗi nhức nhối với những người Cộng Sản.
Trước hết, trận đánh đã đẩy lui Cộng Sản vào tình trạng thoái trào kéo dài tới giữa năm 1970 do tổn thất nặng nề về nhân sự. Ngoài một số đại đơn vị gần như bị xóa sổ, hầu hết lực lượng cơ sở gồm cán bộ cài đặt từ 1954 và du kích, bộ đội địa phương tốn công tổ chức hàng chục năm cũng bị quét khỏi địa bàn hoạt động.
Tổn thất này khiến hầu hết người dân miền Bắc đều mất mát người thân và là một lý do gây bất ổn trong tâm lý quần chúng. Dù chính sách trấn áp vẫn giữ vững quyền lực cho Đảng Cộng Sản, nhưng không thể phủ nhận mức sút giảm uy tín của giới lãnh đạo trước con mắt oán trách đã có từ mọi thành phần, kể cả trong hàng ngũ quân đội.
Lực lượng bị tổn hại quá lớn, dân chúng đau đớn vì mất mát người thân, tinh thần binh sĩ xuống thấp vì lâm thế bị động trốn tránh là những hậu quả cụ thể nhất của trận đánh Tết Mậu Thân 1968, trong khi kích đẩy tinh thần chống Cộng của nhiều người dân Miền Nam cho tới lúc đó thường vẫn thờ ơ với mọi vấn đề chính trị.
Nói cách khác, đây là một trận thảm bại của Cộng Sản Việt Nam nếu nhìn thuần túy về mặt quân sự và chính trị, vì ngoài những hậu quả trên, trận đánh không đem lại điều gì tốt đẹp.
Ngay trên mặt trận ngoại giao và tuyên truyền luôn được coi là quan trọng hàng đầu với Cộng Sản cũng xuất hiện những trở ngại hiển nhiên là dư luận bất lợi về chiêu bài chính nghĩa mà cả khối Cộng Sản Quốc Tế đang vận động những phong trào phản chiến tô vẽ cho chế độ Hà Nội.
Cuộc tàn sát tại Huế – Quảng Ngãi và sự vi phạm lệnh hưu chiến nhân dịp Tết để tạo yếu tố bất ngờ cho trận đánh đã đặt nỗ lực ngoại giao và tuyên truyền vào cảnh chống đỡ nhiều hơn tấn công. Chủ trương hận thù giai cấp và tận diệt mọi thành phần đối nghịch mà người Cộng Sản vẫn che đậy bằng bộ mặt yêu nước thương dân lâm thế bị đe dọa bóc trần do hành động được gọi là tả khuynh vốn là kết quả trồng người của Đảng.
Bùi Tín cho rằng các cán binh tả khuynh tàn sát những người rơi vào tay họ chỉ bởi đã ngộ nhận về thái độ thờ ơ và trốn chạy của người dân Huế khi Cộng Sản xâm nhập với danh nghĩa giải phóng. Bùi Tín muốn giảm nhẹ tội ác bằng cách đẩy cho những phần tử quá khích không phân biệt nổi bạn và thù do thái độ của người dân Huế lúc đó.
Trong lời biện giải đã hiện lên cùng một lúc hai sự thực: dân chúng xa lánh Cộng Sản và Cộng Sản Việt Nam chỉ theo đuổi việc giành độc quyền thống trị.
Vì thế, họ đã giáo dục về bạn, thù theo cách biến bất kỳ ai không chịu vỗ tay tán thưởng suy tôn họ đều trở thành ngụy, ác ôn trong mắt cán binh của họ. Những cán binh này cũng được giáo dục kỹ lưỡng về cách đối phó với kẻ thù là tận diệt thay vì để cho trốn thoát.
Lời biện giải có thể giúp giảm nhẹ tội lỗi cho những kẻ trực tiếp nhúng tay vào máu nhưng lại gia tăng tội lỗi của giới lãnh đạo vì chính là lời xác nhận hướng nhắm của Cộng Sản luôn ngược với mọi nguyện vọng của dân tộc. Như thế, nhắc tới trận đánh Tết Mậu Thân 1968 theo cách nào cũng khó tránh chạm tới mối đe dọa bóc trần bộ mặt thực của giới lãnh đạo Cộng Sản, đặt họ vào vị thế của những tội phạm đối với dân tộc và nhân loại. Vì qua trận đánh đó, họ chỉ nhắm giành quyền lực tối cao cho tập thể Đảng và sẵn sàng giết người dù đó là những đồng bào vô tội.
Kể từ khi thành lập tổ chức đầu tiên năm 1925 tại Hoa Nam cho tới năm 1973, nhiều nhân vật Cộng Sản Việt Nam trong số có cả Hồ Chí Minh gần như luôn tuyên bố với báo chí quốc tế rằng họ không phải Cộng Sản.
Sự chối cãi này chính là lời xác nhận giới lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam ý thức rõ rệt hơn bất kỳ ai hết về mục tiêu họ theo đuổi hoàn toàn ngược với nguyện vọng dân tộc. Cho nên, phủ nhận là việc cần thiết để khai thác sức mạnh dân tộc đồng thời giữ vững chiêu bài yêu nước thương dân trước dư luận thế giới. Không nắm vững được hai yếu tố này, Cộng Sản không những khó hy vọng đạt nổi mục tiêu giành quyền lực cho riêng mình mà còn có thể tiêu tan.
Hơn nữa, dù được mô tả là một trận đại thắng, nhưng chính họ lại hiểu hơn ai hết trận đánh Mậu Thân là một thảm bại của họ. Năm 1993, năm năm sau kỳ tổng kết mà Bùi Tín thuật lại, tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử xuất bản tại Hà Nội đã viết về trận đánh Mậu Thân như sau: “Sau tết Mậu Thân, vùng làm chủ của ta bị thu hẹp, cơ sở bị tổn thất, lực lượng vũ trang bị tiêu hao, phải rút dần lên miền núi. Thế trận chiến tranh nhân dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các sư đoàn, 5.7,9 chủ lực của miền Nam mất bàn đạp, mất chỗ đứng chân phải lên vùng biên giới Cao Miên. Khu 8 có 2 trung đoàn, còn 1. Khu 9 có 3 trung đoàn còn 1 trung đoàn và một tiểu đoàn. Du kích đặc khu Sài Gòn chỉ còn 1 phần 3…” (9) Cho nên, một số thân tín muốn đẩy trận đánh xa khỏi tầm trách nhiệm của Hồ Chí Minh đồng thời những người ngưỡng mộ Hồ Chí Minh cũng muốn làm việc đó để tránh cảnh thần tượng bị nhuộm máu.
Douglas Pike là người luôn coi mọi thủ đoạn tàn ác và xảo trá của Hồ Chí Minh đều là hành vi biểu hiện thiên tài tổ chức đấu tranh vẫn phải ghi nhận cuộc đấu tranh mà Hồ Chí Minh theo đuổi qua hình ảnh sau: “Khi thực dân bị đánh bại và người Pháp bị đuổi rồi, cái chính nghĩa chống thực dân bị biến đổi từ quyền tự quyết của nhân dân biến thành quyền độc tôn của đảng. Danh nghĩa không thay đổi; người ta chỉ đổi lại định nghĩa của sự chống thực dân. Cuộc chiến đấu vẫn tiếp tục, nay là để chống lại nhân dân Việt Nam, một cuộc chiến dành quyền lực, vì quyền lực… Cái chủ nghĩa chống thực dân cao cả đã trở thành một giai đoạn lịch sử chuyên chế, ham hố quyền lực”.
Douglas Pike viết tiếp: “Rất có thể, ông Hồ đã không muốn nó trở thành như vậy”.
Câu bào chữa này cũng mơ hồ như lời phát biểu Hồ Chí Minh bệnh hoạn không thể tham gia công việc hoặc như Lữ Phương, một người chạy theo Cộng Sản vào dịp Tết Mậu Thân 1968, được ban chức Thứ Trưởng Văn Hóa của chính phủ lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam thuở đó, nhưng sau 1975 bị mất chức, tham gia nhóm phản tỉnh, biện bạch rằng Hồ Chí Minh chỉ góp cho cuộc tổng nổi dậy Mậu Thân 1968 một bài thơ.
Những người như Douglas Pike, Lacouture, Jean Sainteny, Bernard Fall…hay Lữ Phương, Vũ Thư Hiên, thậm chí Bùi Tín đều chỉ nêu cảm nghĩ chủ quan chứ không có điều kiện gắn bó kề cận với Hồ Chí Minh như Vũ Kỳ trong thời gian chuẩn bị trận đánh Tết Mậu Thân 1968.
Vũ Kỳ là bí thư riêng của Hồ Chí Minh trong thời điểm đó đã viết một bài đăng trên ba tờ báo Văn Nghệ, Tiền Phong và Nghệ An với tựa đề “Bác Hồ vui Tết Mậu Thân năm ấy”.
Theo Vũ Kỳ, ngày 21-12-1967 Bộ Chính Trị điện sang Bắc Kinh mời “bác về dự hội nghị Bộ Chính Trị ngày 28-12-1967” quyết định ra lệnh tổng tấn công miền Nam.
Trận đánh được dự trù khai diễn vào giữa giờ hưu chiến Đêm Giao Thừa miền Nam trong dịp Tết để giành yếu tố bất ngờ. Như thường lệ, nhân dịp Tết Mậu Thân, cả hai phía đều ra lệnh ngưng bắn vào ngày cuối năm cũ và ngày đầu năm mới tức Ba Mươi Tết và Mùng Một Tết trùng với ng

No comments: