Saturday, September 23, 2006

* Chương 52 * LỜI CUỐI SÁCH

Hết thẩy các tác giả viết về Hồ Chí Minh được đề cập trong những chương trên dù thuộc xu hướng nào đều đồng ý về hai điểm.

– Thứ nhất, Hồ Chí Minh là một tín đồ Cộng Sản và là một tín đồ thuần thành, tin tưởng tuyệt đối ở mục tiêu xây dựng của lý tưởng Cộng Sản cũng như hiệu năng của phương pháp đấu tranh do Lenin ấn định trong các nguyên tắc chiến lược sách lược được khai triển bởi Stalin.

Đối với Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Mác-Lenin là ánh sáng chân lý, là mặt trời đưa lại nguồn vui, vì ngay từ 1923, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa Cộng Sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc nguồn gốc, sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc, nói tóm lại là nền cộng hòa thế giới chân chính, xóa bỏ những biên giới tư bản chủ nghĩa chỉ là vách tường dày ngăn cản những người lao động trên thế giới hiểu nhau và yêu thương nhau”

– Thứ hai, từ sau khi tham gia nhóm sáng lập Đảng Cộng Sản Pháp cho tới cuối đời, Hồ Chí Minh luôn là cán bộ Cộng Sản Quốc Tế thuộc thành phần lãnh đạo với nhiều nhiệm vụ cụ thể tại Trung Hoa và Đông Nam Á. Liên tục nhiều năm kể từ 1924, Hồ Chí Minh được Quốc Tế Cộng Sản trả lương và tài trợ mọi phí khoản để hoàn thành các công tác do ban lãnh đạo Cục Đông Phương của Quốc Tế Cộng Sản trao phó.

Hồ Chí Minh đã hoàn thành và hoàn thành xuất sắc mọi công tác, nhất là các nhiệm vụ trên bán đảo Đông Dương, do đó, đã nhận được lời tán tụng nồng nhiệt của lãnh tụ Liên Xô Krutschev: “Hồ Chí Minh là tông đồ nhiệt thành của tôn giáo Cộng Sản, là vị thánh của chủ nghĩa Cộng Sản, người nhiệt thành xả thân vì đại nghĩa …Các bạn phải tôn kính người này, hãy quỳ gối trước ông ấy để tỏ lòng biết ơn về những đóng góp vô vị lợi của ông ấy cho chính nghĩa Cộng Sản, đã dành cho nó tất cả sức lực và khả năng của mình.”

Ngoài hai điểm trên, nhận định về Hồ Chí Minh luôn đưa ra những hình tượng khác biệt, thậm chí hoàn toàn đối nghịch.
Với tác giả này, Hồ Chí Minh là anh hùng dân tộc vĩ đại nhất của Việt Nam thì với tác giả khác, Hồ Chí Minh là kẻ gieo rắc đại họa chưa từng có trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Với tác giả này, Hồ Chí Minh là người luôn chủ trương ôn hòa, giàu lòng nhân ái nhưng bị thủ hạ lấn áp, khống chế nên phải bó tay trước các chủ trương gây ra nhiều thảm họa từ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh qua chính sách cải cách ruộng đất, đàn áp văn nghệ sĩ, trí thức, đối lập tới các chiến thuật biển người tại vùng Việt Bắc, Điện Biên Phủ trước 1954 và chiếu cố miền Nam bằng binh lực, ra lệnh Tổng Công Kích Tết Mậu Thân 1968 … thì với tác giả khác hết thẩy những việc trên đều do chính Hồ Chí Minh quyết định.

Với tác giả này, Hồ Chí Minh là người ngay thẳng, trung thực, một lòng vì dân vì nước nên được toàn dân ngưỡng mộ suy tôn là Cha Già Dân Tộc thì với tác giả khác, Hồ Chí Minh là hiện thân của xảo quyệt, tàn ác, theo đuổi tham vọng cá nhân bằng mọi giá nên bị dân chúng căm thù từng đặt ra nhiều giai thoại để rủa xả, thậm chí gọi là Cáo già, là Quỷ Vương, là Hồ ly tinh…

Cũng thế, có tác giả cho rằng nếu không có Hồ Chí Minh, Việt Nam đã tránh được thảm họa chiến tranh và trở thành một quốc gia độc lập thống nhất phát triển từ lâu, nhưng lại có tác giả phát biểu Hồ Chí Minh là người lập công đầu trong việc giành độc lập và thống nhất cho đất nước vì đã lãnh đạo thành công cuộc kháng chiến chống âm mưu xâm lược của các đế quốc thực dân Pháp – Mỹ…

Bỏ qua các động cơ do phe phái hoặc do mưu tính cá nhân với một dụng ý nào đó, sự khác biệt trong các nhận định xuất phát trước hết từ nhận thức về bối cảnh lịch sử Việt Nam trong thế kỷ qua.

Với một số tác giả, mục tiêu mà mọi phong trào, mọi lực lượng đấu tranh tại Việt Nam theo đuổi là chống lại các thế lực ngoại bang để giành độc lập, thống nhất quốc gia. Quá trình đấu tranh tuy gồm nhiều giai đoạn đặc thù từ đầu thế kỷ nhưng toàn bộ cuộc đấu tranh chỉ thể hiện ý nghĩa duy nhất là tranh thủ và bảo vệ quyền sống tự do tự chủ cho dân tộc.
Trong quá trình đấu tranh này, lực lượng do Hồ Chí Minh lãnh đạo hoạt động hữu hiệu hơn hết và cuối cùng đã đem lại thành quả đúng với mong muốn của toàn dân.

Với số tác giả khác, Việt Nam đã giành lại chủ quyền và thống nhất lãnh thổ sau biến cố Nhật đảo chính Pháp ngày 9.3.1945, vì ngay từ ngày 11.3.1945, Bảo Đại đã tuyên bố hủy bỏ hiệp ước 1884 và sau đó, ngày 14.8.1945 hủy bỏ tất cả các hiệp ước bất bình đẳng 1862, 1874 do triều đình Huế ký với Pháp. Ngoài ra, ngày 27.4.1945, Bảo Đại đã ký dụ số 11 cử Phan Kế Toại làm Khâm Sai Bắc Kỳ và ngày 14.8.1945 ký dụ số 108, cử Nguyễn Văn Sâm làm Khâm Sai Nam Kỳ, thu hồi lãnh thổ về một mối.

Do Hồ Chí Minh muốn biến Việt Nam thành chư hầu của Liên Xô để mở rộng ảnh hưởng Cộng Sản tại Đông Nam Á nên năm 1945 Pháp phải can thiệp với mục đích ngăn chặn và dẫn đến sự có mặt của Mỹ sau 1954.

Không thể phủ nhận nền tảng thực tế của hết thẩy các sự việc nêu trên, nhưng không thể nhìn toàn bộ diễn biến tình hình Việt Nam trong thế kỷ 20 chỉ qua một số sự việc được lọc lựa theo chủ quan.

Thực ra, tình hình Việt Nam là sự đan xen hết sức phức tạp của các sự việc đã được nhắc tới trong bối cảnh quốc tế cũng không kém phần phức tạp từ sau sự hình thành khối Cộng Sản Quốc Tế, nhất là sau khi chấm dứt đệ nhị thế chiến.

Ảnh hưởng mở rộng của Liên Xô tại Đông Âu nói riêng và trên thế giới nói chung đã hình thành rõ rệt thế lưỡng cực đối đầu quốc tế đặt dưới sự lãnh đạo của Liên Xô ở một phía và Mỹ-Anh-Pháp ở phía kia.

Giữa bối cảnh này, sự bừng tỉnh của ý thức dân tộc tự quyết cũng trở thành động cơ thúc đẩy hình thành phong trào đấu tranh tại nhiều quốc gia trên thế giới chống lại mọi chủ trương thực dân đế quốc, đặc biệt là tại các quốc gia đang bị mất chủ quyền hoặc đang bị khống chế dưới một hình thức nào đó bởi các cường quốc Tây Phương, cụ thể là các quốc gia nhược tiểu Á Phi và Nam Mỹ trong đó bao gồm cả Việt Nam.

Chính khối các quốc gia nhược tiểu này là mục tiêu chinh phục trước mắt của Liên Xô và vì thế trở thành mục tiêu phải bảo vệ của Mỹ-Anh-Pháp.

Cả hai khối cực quyền đều thấy rõ tình thế đối đầu một mất một còn nhưng không nhắm thẳng vào nhau mà tiến hành tranh chấp ở mức độ hạn chế theo quan điểm chiến lược riêng tại lãnh thổ các quốc gia nhược tiểu.

Liên Xô tuy theo đuổi mục tiêu xóa bỏ toàn bộ khối Tư Bản để thiết lập nền chuyên chính vô sản trên toàn thế giới như chủ nghĩa Cộng Sản đã ấn định, nhưng không thể rời xa nguyên tắc đấu tranh của Lenin là phải tùy giai đoạn, uốn theo những khúc quanh để đi dần lên đỉnh núi. Một khúc quanh trong chiến lược Lenin là khai thác các phần tử dân tộc yêu nước để từng bước tiêu hao sức mạnh của kẻ thù tư bản như đã được đề ra trong đại hội 5 Quốc Tế Cộng Sản vào tháng 6-1924.

Áp dụng nguyên tắc chiến lược này, Liên Xô đã duy trì tình trạng chiến tranh thường trực, liên tục tấn công Tây Phương theo đúng chủ trương đấu tranh giai cấp, nhưng luôn ẩn mình sau chiêu bài giải phóng dân tộc vận dụng các lực lượng ngoại vi, thay vì công khai lộ diện trên trận tuyến.

Do đó tình trạng chiến tranh giữa hai khối cực quyền sau đệ nhị thế chiến đã được gọi là chiến tranh gián chỉ hoặc chiến tranh lạnh vì không có sự đối đầu trực tiếp bằng bom đạn giữa các phe đối địch mà chỉ diễn ra thông qua các lực lượng trung gian dưới nhiều hình thức tại các quốc gia nhược tiểu.

Mục tiêu trước mắt của Liên Xô là thúc đẩy khối nhược tiểu thù hận Tây Phương để thu hẹp phạm vi thế lực đối phương trong lúc bành trướng thế lực bản thân hầu tiến dần tới thế cô lập đối phương trước khi bước vào trận đánh cuối cùng.

Tất nhiên phản ứng của Tây Phương là ngăn chống mưu đồ tràn lấn này. Nhưng khi ngăn chống, Tây Phương luôn phải lộ diện công khai trên trận tuyến trong lúc quần chúng ở khắp nơi, ngay cả tại nội bộ các quốc gia Tây Phương, vẫn chưa hoàn toàn nhận thức rõ về mối hiểm họa Cộng Sản thường được nêu ra như lý do chủ yếu đòi hỏi phải hành động.

Thêm vào đó là sự tiếp tục hiện diện nhiều phần tử còn tiếc nuối chính sách thực dân trong chính giới Tây Phương bên cạnh những phần tử tiến bộ chủ trương tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc.

Tình thế chen lấn vàng, thau và nhận thức còn nhiều nghiêng ngả về các đường lối chính trị, kể cả nhận thức về mục tiêu đích thực của Cộng Sản, đã dẫn tới những chọn lựa vội vã về thế đứng càng khiến cho thực tế trở thành phức tạp hơn. Tuy cục diện thế giới phân định rõ ràng thành hai khối cực quyền không thể cùng tồn tại do chủ trương tiêu diệt mọi ý hệ dị biệt của Cộng Sản, nhưng trên thực tế, hàng ngũ các lực lượng đấu tranh không kết thành trận tuyến rõ ràng theo phân định đó.

Cộng Sản luôn ẩn mình trong các lực lượng dân tộc yêu nước trong khi hàng ngũ Thế Giới Tự Do luôn có sự trà trộn của những phần tử không coi trọng việc ngăn chống Cộng Sản bằng các đường lối chính trị trục lợi.

Nói chung, thế đối đầu giữa hai khối Cộng Sản - Tự Do với danh xưng cuộc xung đột giữa hai khối Đông - Tây đã thực sự xảy ra ngay sau đệ nhị thế chiến, nhưng không hiện hình rõ rệt. Trong diễn tiến thực tế, tình trạng đối đầu chỉ là những cuộc chiến giành quyền lãnh đạo tại các quốc gia nhược tiểu được gọi là các cuộc chiến cục bộ hoặc như chính Hồ Chí Minh từng diễn tả: “Chúng ta làm cách mạng đánh đế quốc thực dân tức là đánh tư bản chủ nghĩa. Cuộc cách mạng đó có qui mô thế giới mà cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam là một bộ phận”.

Cộng Sản là một khối đồng nhất trong mọi hành động nên toàn thể các cuộc chiến cục bộ ở mọi nơi đều là những mặt trận liên kết thuộc một trận đánh mang tính quy mô thế giới dưới sự chỉ đạo của Liên Xô nhắm tấn công kẻ thù tư bản.
Trong khi đó, Tây Phương chỉ là một nhóm quốc gia với những chủ trương khác biệt nên nhiệm vụ ngăn chống Cộng Sản thường được coi là công việc riêng của từng quốc gia tùy theo khu vực bùng nổ các cuộc chiến cục bộ. Sự yểm trợ quốc tế gần như chỉ bó hẹp giữa vài quốc gia đồng minh và giới hạn ở một số lãnh vực nào đó theo những thỏa thuận có điều kiện. Cuộc chiến Việt Nam 1945-1954 đã diễn ra trong khung cảnh này.

Quan niệm Đông Dương vốn là phần đất thuộc Pháp khiến người Anh chuyển giao vai trò giải giới quân Nhật ở phía Nam vĩ tuyến 16 gần như với ý nghĩa trả về cho Pháp việc ngăn chống Cộng Sản tại vùng đất này. Trong khi đó, trong chính giới Pháp vẫn hiện diện nhiều phần tử chưa thể dứt khoát từ bỏ toan tính tái lập quyền bảo hộ tại đây mặc dù đã thấy rõ bàn tay Liên Xô ở phía sau lực lượng do Hồ Chí Minh lãnh đạo. Ít nhất từ tháng 9-1945 tới hết năm 1947, Pháp tuy đã tự đặt cho mình nhiệm vụ ngăn chống Cộng Sản nhưng nhiệm vụ này vẫn bị chi phối bởi các âm mưu khai thác như một chiêu bài nhắm thuyết phục Mỹ hỗ trợ việc tái lập chủ quyền ở Đông Dương là điều mà Mỹ quyết liệt phản đối.

Riêng Mỹ tuy biết chắc Hồ Chí Minh là cán bộ Quốc Tế Cộng Sản nhưng không tin tưởng hoàn toàn đường lối chính trị của Pháp nên đã chọn thế đứng trung lập sau khi cảnh giác Pháp về hiểm họa Cộng Sản có thể lan tràn khắp Đông Dương. Chính vì thế, vào những ngày mở đầu, cuộc chiến Việt Nam đã thể hiện gần như hiển nhiên ý nghĩa kháng chiến chống xâm lăng mặc dù phía người Pháp vẫn nhắc đến mục tiêu ngăn chống Cộng Sản.

Khi những khó khăn từ nội tình chính quốc khiến hy vọng thắng trận tại Đông Dương trở nên mờ mịt, nhất là trước viễn tượng Trung Cộng thành công tại Hoa Lục, Pháp mới khởi sự tìm liên kết với lực lượng dân tộc yêu nước Việt Nam.

Nhưng sự đổi thay này không dễ xóa nhòa ấn tượng dân tộc kháng chiến trong những ngày đầu của cuộc chiến. Vì thế ngộ nhận tiếp tục kéo dài với cả dư luận quốc tế lẫn quần chúng quốc nội, nhất là Cộng Sản dù nắm trọn quyền lãnh đạo vẫn luôn giấu kín hình tích, trong khi không thể phủ nhận sự hiện diện nhiều phần tử dân tộc yêu nước nơi hàng ngũ kháng chiến.

Song song với thực tế này là những khó khăn tất yếu tồn tại trong quá trình thực hiện liên kết giữa Pháp và lực lượng dân tộc yêu nước Việt Nam ở trận tuyến bên kia.

Hình ảnh các quan thuộc địa kéo dài từ ngót một thế kỷ không thể tan biến ngay, trong khi sự đối đầu giữa một đội quân viễn chinh với một lực lượng bản xứ luôn tạo ấn tượng về sự hiện diện giữa phe xâm lược ở phía này và phe yêu nước ở phía khác. Thành ra, dù Việt Nam thực sự trở thành cuộc chiến cục bộ trong bối cảnh chiến tranh ý thức hệ Cộng Sản - Tự Do ngay từ 1948, nhưng tính chất này tiếp tục bị vùi lấp.

Vai trò chủ động của lực lượng dân tộc yêu nước Việt Nam bên cạnh người Pháp trong trận tuyến ngăn chống Cộng Sản không được nhận ra, thậm chí còn bị xuyên tạc là một thứ bù nhìn cho thực dân.

Sau 1954, khi đất nước bị chia đôi và cuộc chiến đã chuyển sang một giai đoạn khác, lối nhìn này tiếp tục tồn tại với nhiều người bất chấp mọi thực tế lịch sử để đặt ngay người Mỹ vào vị thế cũ của người Pháp.

Nhưng thực tế phức tạp chỉ là một phần nguyên do dẫn đến cái nhìn thiếu chính xác về tính chất cuộc chiến Việt Nam, nhất là cuộc chiến sau 1954.

Nguyên do chủ yếu dẫn tới tình trạng ngộ nhận thuộc về trận tuyến tuyên truyền mà Cộng Sản liên tục nắm quyền chủ động.
Với quan niệm chiến tranh liên tục, trường kỳ và toàn diện, Cộng Sản không giới hạn sự đối đầu với kẻ địch trong một phương diện nào mà luôn tạo thế hỗ tương giữa nhiều trận tuyến, trong đó tuyên truyền là trận tuyến được đặc biệt chú trọng.
Trước hết, trận tuyến tuyên truyền không cần bom đạn vẫn đem lại thành quả lớn gấp bội lần so với những trận đánh sử dụng bom đạn.

Trong quan niệm đấu tranh Cộng Sản, tuyên truyền vận dụng mọi khả năng nên tiến hành dễ dàng ở mọi nơi, mọi lúc và gần như luôn tạo ra sức mạnh quyết định kết quả của mọi trận đánh. Tuyên truyền vừa tiêu hao lực lượng kẻ địch vừa biến đổi, chi phối kẻ địch theo ý đồ sai sử, vì tác dụng chủ yếu của tuyên truyền là thuyết phục, dẫn dắt tâm lý, tư tưởng đối tượng để xoay chuyển về một định hướng trù liệu.

Suốt hai giai đoạn chiến tranh Việt Nam từ 1945 tới 1975, trận tuyến tuyên truyền Cộng Sản không ngừng nỗ lực xoay chuyển tâm lý, tư tưởng mọi đối tượng theo hướng kết buộc các cường quốc Tây Phương, cụ thể là Pháp rồi Mỹ, đã nối nhau theo đuổi tham vọng thực dân đế quốc.

Mục tiêu của nỗ lực này không chỉ nhằm thuyết phục riêng quần chúng Việt Nam tham gia lực lượng do Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo mà nhằm gieo rắc thái độ bất bình, thù hận Tây Phương ở khắp nơi trên thế giới trong khuôn khổ cuộc chiến ý thức hệ toàn cầu do Cộng Sản Quốc Tế phát động.

No comments: