Từ khoảng mùa hè 1946, trong lúc cuộc kháng chiến chống Pháp đang tiếp diễn tại Nam Bộ, hầu như khắp các thôn xã miền Bắc thường xuyên có những buổi tập họp dân chúng vào ban đêm để liên hoan văn nghệ hoặc sinh hoạt chính trị mà Võ Nguyên Giáp đã mô tả: “Từ thành thị đến làng quê, đâu đâu cũng cờ mở trống giong, ngày mít tinh, đêm khai hội. Vùng nông thôn Việt Nam lâu đời yên tĩnh chưa bao giờ sôi nổi, rộn ràng như vậy.” (1)
Những buổi tập họp bao giờ cũng mở đầu bằng màn trình diễn có tên “Suy tôn Bác Hồ”.
Sau lời hô ra lệnh, đèn sân khấu vụt tắt và hai thanh niên để mình trần, đầu chít khăn quì gối giơ cao hai ngọn đuốc trước chân dung Hồ Chí Minh trên bàn thờ Tổ Quốc.
Trong ánh đuốc bập bùng, một giọng hùng tráng cất lên kể công ơn lãnh tụ với những lời cuối cùng vang dội: “Hồ Chí Minh, Người là ông Thánh Sống!”
Nối theo tức khắc là bản đồng ca quen thuộc:
“Đúc gươm thiêng vung cho nước nhà,
Dắt dân Việt đi tới đích xa,
Hồ Chí Minh, anh hùng bao năm luôn tranh đấu,
Thắng gian nguy, tranh công đầu ...
Hồ Chí Minh muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm!…”
Màn suy tôn được lập lại không ngừng đêm này qua đêm khác, năm này qua năm khác, thôn này qua thôn khác… đã tạo trong trí tưởng đa số dân quê một hình tượng lãnh tụ phi phàm sánh ngang thần thánh.
Hình tượng này còn được liên tục tô chuốt mỗi ngày bằng những chuyện kể về “sự dị thường của Bác” với cặp mắt có hai con ngươi, với tình thương bao la như trời biển chỉ nghĩ tới nhân dân, với cuộc sống hy sinh trọn vẹn mọi sinh thú bản thân để dồn hết tâm lực cho đất nước… và đã xuất hiện nơi không ít tác phẩm viết về Hồ Chí Minh cho tới nay.
Với Duiker, “ông Hồ đã chiếm được một chỗ trong ngôi đền thờ những anh hùng cách mạng từng đấu tranh mạnh mẽ để những người cùng khổ trên thế giới có được tiếng nói đích thực của họ”
Với Halberstam, “Hồ Chí Minh là anh hùng số một, anh hùng duy nhất của Việt Nam… là hiện thân cuộc cách mạng của dân tộc ông đối với dân tộc ông và cả đối với thế giới… là nhà ái quốc vĩ đại nhất Việt Nam ở thế kỷ 20”.
Với Douglas Pike, “Hồ Chí Minh có tài về tổ chức, tận tụy hy sinh, chí công vô tư, lo trước dân, hưởng sau dân ...”.
Với nữ ký giả Hélène Tourmaire: “Hình ảnh của Hồ Chí Minh đã hoàn chỉnh với sự kết hợp đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa, triết học của Mác, thiên tài cách mạng của Lênin và tình cảm của một người chủ gia tộc, tất cả bao bọc trong dáng dấp rất tự nhiên”.
Với Phạm Văn Đồng: “Một con người phi thường và xuất chúng, năng động và linh hoạt trong mọi ứng biến, minh khiết và thanh thản trong tâm hồn và phong độ, người của chủ nghĩa nhân đạo trong ý nghĩa đầy đủ nhất, nhà chiến lược, nhà lãnh đạo, nhà tổ chức, đồng thời là nhà văn hóa, nhà báo, nhà thơ lớn.”
Bùi Tín xác định kỹ hơn: “Cá nhân tôi kính trọng ông Hồ Chí Minh…Đây chính là con người thẳng thắn lương thiện (honnête), sống rất giản dị, yêu thích trẻ con và dễ gần gụi với những người hèn mọn nhất (humbles)... Tôi cực lực bác bỏ giả thuyết cho rằng đó chỉ là cái tài đóng kịch của ông.”
Nhưng, chính trong tác phẩm của Duiker, Douglas Pike, Halberstam, Bùi Tín … cuộc sống và con người Hồ Chí Minh đã được diễn tả ra sao?
Duiker đã kể về đời tư Hồ Chí Minh với một loạt người tình và vợ như Nguyễn Thị Minh Khai, Tăng Tuyết Minh, Đỗ Thị Lạc, Nông Thị Xuân vv... một cô ở Pháp, vài cô ở Nga và cả chuyện Hồ Chí Minh vào lúc cuối đời nhờ một cán bộ cao cấp Trung Cộng giới thiệu cho một cô gái trẻ để hưởng tuổi già...
Duiker còn nêu rõ liên hệ tình cảm giữa Hồ Chí Minh và Nguyễn Thị Minh Khai là một bí ẩn rắc rối nhất trong đời ông Hồ do Nguyễn Thị Minh Khai là vợ của Lê Hồng Phong.
Halberstam ca ngợi Hồ Chí Minh có thủ đoạn hơn người để quét sạch các phần tử đối địch gồm hầu hết là những người yêu nước kể cả người được kính ngưỡng như Phan Bội Châu bằng cách báo cho mật thám Pháp bắt hoặc cho thủ hạ tàn sát sau khi phao vu là lưu manh, phản quốc…
Douglas Pike nhắc lại những sự việc đã được Halberstam đề cập và kể thêm: “Theo các nguồn tin đáng tin cậy, ngày thế chiến II bùng nổ (1-9-1939) có kẻ trao cho mật thám Pháp ở Saigon đầy đủ danh sách của nhóm Đệ Tứ với bí danh và địa chỉ của từng người kể cả nơi cư trú địa phương trên toàn quốc. Chỉ trong vài giờ cảnh sát Pháp đã tóm hết các lãnh tụ đầy đi New Hebrides, New Caledonia, Madagascar và những thuộc địa khác của Pháp xa Đông Dương... Sau này nhiều sử gia và các chuyên gia về chính trị quả quyết chỉ có Cộng Sản Việt Nam có tài liệu và khả năng làm một việc có tính tình báo chiến thuật đó.”
Và, Douglas Pike tán đồng nhận định của Halberstam với kết luận: “...Hồ luôn luôn chứng tỏ là kẻ đại tài về xảo trá và tàn bạo”. (2)
Riêng Bùi Tín phát biểu: “Hồi 1945, mới 55 tuổi, ông tự nhận là cha già dân tộc và xưng Bác với đồng bào trong đó có cả cụ già 70, 80 tuổi là không ổn… Ông viết về bản thân mình, ký tên là Trần Dân Tiên và T. Lan tự khen mình là vĩ đại hơn Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, tự nói về mình rằng: “Bác Hồ rất khiêm tốn, người không bao giờ muốn nói đến bản thân mình” thì thật mỉa mai đến buồn cười!” (3)
Dù thành tâm ngưỡng mộ cách nào, những tác giả trên cũng không thể tô điểm cho Vị Thánh Sống của mình bằng những sự việc đã kể.
Bởi tất cả những sự việc đó chỉ phản ảnh một tính cách đối nghịch cùng cực với những điều tốt đẹp.
Chỉ nhìn riêng về cuộc sống tình cảm riêng tư, các tác giả đã ghi nhận hoặc không dám chối bỏ việc ngoài rất nhiều người tình, Hồ Chí Minh ít nhất đã chung sống như vợ chồng với 5 người phụ nữ:
1– Trong Từ thực dân đến cộng sản, Hoàng Văn Chí thuật theo lời kể của Nguyễn Khánh Toàn, cho biết trong thời gian học ở Liên Xô, Hồ Chí Minh cũng như Nguyễn Khánh Toàn đã được Quốc Tế Cộng Sản cấp cho một người Nga làm vợ hờ. Vì Hoàng Văn Chí chỉ nói theo Ngưyễn Khánh Toàn rằng có một cô vợ hờ, mà không nói tên, tuy cũng có người bảo Vera Vasilieva là người tình của Hồ nhưng khó tin vì cô này là cán bộ cao cấp, người từng bao che bênh vực Hồ.
2– Năm 2001, sử gia Trung Cộng, giáo sư Hoàng Tranh, viết một bài báo dài kể lại rất nhiều chi tiết về việc Hồ Chí Minh chính thức lập hôn thú với một nữ hộ sinh người Trung Hoa theo Kitô giáo tên là Tăng Tuyết Minh mới 21 tuổi. Tiệc cưới được tổ chức vào tháng 10-1926 tại nhà hàng Thái Bình ở Quảng Châu là nơi trước đó Chu Ân Lai đã làm lễ cưới với Đặng Dĩnh Siêu.
Năm 1927, khi Tưởng Giới Thạch bắt đầu diệt cộng, Hồ Chí Minh phải cùng với Borodin trở về Liên Xô, không kịp liên lạc với vợ nhưng Tăng Tuyết Minh vẫn một lòng chung thủy ở vậy chờ chồng cho đến khi lâm chung vào tuổi 91. Nhiều lần bà đã gửi thư cho sứ quán Cộng Sản Việt Nam ở Trung Quốc (lúc ấy do Hoàng Văn Hoan làm đại sứ), cũng như nhờ người chuyển thư sang Hà Nội, khi biết tin chồng bà đã thành chủ tịch Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa nhưng không bao giờ có hồi âm.
Theo Pierre Brocheux, người mối lái cho đám cưới này là Lý Huệ Quần, vợ Lâm Đức Thụ vì Tăng Tuyết Minh rất thân với Lý Huệ Quần. Brocheux ghi theo một tài liệu cho biết chính Lâm Đức Thụ đã kể lại như sau: “Tháng 10 năm 1926, Lý Thụy, tức Nguyễn Ái Quốc, tức Hồ Chí Minh đã thành hôn với một nữ hộ sinh đồng môn với vợ tôi. Nguyễn Hải Thần và Lê Hồng Sơn không tán thành cuộc hôn phối này nên tìm cách chống. Nhưng Lý Thụy đã trả lời: “Tôi cứ lấy vợ, bất chấp các anh không chấp thuận, vì tôi cần một người đàn bà dậy tiếng Trung Hoa cho tôi và săn sóc việc nhà.” (4)
3– Nguyễn Thị Minh Khai, theo thông tin chính thức của Đảng, là vợ của Lê Hồng Phong, nhưng William J. Duiker và cả Bùi Tín đều nhắc các tài liệu cho biết từng có thời gian là vợ Hồ Chí Minh vào khoảng 1934-1935.
Riêng nhà báo Việt Thường nói Hồ Chí Minh (khi đó còn mang tên Lin và Nguyễn Ái Quốc) đã làm hôn thú với Nguyễn Thị Minh Khai, mặc dù cô này đã hứa hôn với Lê Hồng Phong. Hồ Chí Minh đoạt vị hôn thê của đồng chí trong thời gian Minh Khai thụ huấn lớp đào tạo cán bộ do Hồ Chí Minh phụ trách ở Hồng Kông.
Theo Việt Thường, cô con gái của Nguyễn Thị Minh Khai hiện sống ở Saigon và được nói là con của Lê Hồng Phong chính là con của Hồ Chí Minh.
Sophie Quinn-Judge, tác giả cuốn tiểu sử Hồ Chí Minh mới nhất, người đã trực tiếp nghiên cứu các tài liệu mới được giải mật ở văn khố Liên Bang Nga cũng cho biết chính Minh Khai đã khai trong lý lịch bà là vợ của Lin (bí danh Hồ lúc ấy).
4– Trong Một Cơn Gió Bụi, sử gia Trần Trọng Kim ghi: “Khoảng tháng 9-1944, Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội dời về Quảng Tây và cho Hồ Chí Minh về Bách Sắc để trù liệu kế hoạch nhập Việt. Sau đó Hội cho Hồ Chí Minh cùng 22 đảng viên phần nhiều là người trong đảng Phục Quốc về nước để khởi sự hành động. Trong số 22 người ấy có một nữ đảng viên tên Đỗ Thị Lạc là người về sau có đứa con gái với Hồ Chí Minh.
5– Cô Xuân (5) là người phụ nữ thứ năm sống như vợ chồng với Hồ Chí Minh.
Cô Xuân thuộc sắc tộc Nùng, người huyện Hòa An, Cao Bằng, đầu năm 1955, được tuyển “đưa về Hà Nội phục vụ Bác Hồ” và được bố trí sống tại ngôi nhà số 66 phố Hàng Bông Thợ Nhuộm. Liên hệ giữa Hồ Chí Minh và cô Xuân gần như không ai biết, ngoại trừ Trần Quốc Hoàn lúc đó là Bộ Trưởng Công An, có nhiệm vụ đưa đón cô Xuân ra vào Phủ Chủ Tịch.
Năm 1956, cô Xuân sinh con trai, được Hồ Chí Minh đặt tên là Nguyễn Tất Trung, nhưng Hồ Chí Minh không đồng ý cho cô Xuân vào sống tại Phủ Chủ Tịch như vợ chính thức. Khoảng hơn 3 tháng sau, đầu năm 1957, người ta tìm thấy một xác chết ở dốc Cổ Ngư, đưa về bệnh viện Việt Đức nhận dạng là xác cô Xuân và được chôn cất vội vã theo lệnh của Trần Quốc Hoàn.
Chuyện cô Xuân được Nguyễn Minh Cần và Vũ Thư Hiên ghi lại với nhiều tình tiết và nêu tên nhiều người liên hệ.
Nguyễn Minh Cần lúc đó là Phó Chủ Tịch Ủy Ban Hành Chính Hà Nội đã kể: “Hôm đó, vào mùa xuân năm 1957, tôi đang thường trực thì anh Nguyễn Quốc Hùng, thành ủy viên, tới báo cáo có vụ xe cán chết người trên đường Nhật Tân, công an báo cáo người bị cán đã là một xác chết. Anh em công an nói chiếc xe mang biển số của Phủ Chủ Tịch. Mấy hôm sau tôi có hỏi anh Trần Danh Tuyên, bí thư thành ủy, về vụ này thì anh ta nói “Vụ đó giải quyết xong rồi”.
Trong Đêm giữa ban ngày, Vũ Thư Hiên kể:
“Tôi nhớ một buổi chiều thu 1964, cha tôi đột nhiên bảo tôi:
– Con lấy xe đưa bố đi một lát….
Cha tôi sai tôi chở ông lên đường Cổ Ngư cũ về phía Chèm. Tới dốc lên đê, ông bảo tôi dừng xe. Châm một điếu thuốc, ông chọn chỗ cỏ sạch để ngồi xuống và bảo tôi ngồi xuống bên ông…
– Con nhớ lấy chỗ này, quãng gốc cây thứ tư và thứ năm từ trên đê đổ xuống – cha tôi chỉ tay về phía trước – Nơi này đã xảy ra một tấn thảm kịch mà rồi đây con phải tìm hiểu để mà viết. Nó là tấn thảm kịch có tính chất tượng trưng cho một sự đổ vỡ lớn của một nền đạo đức và rộng ra, của cả một thời đại.
Mắt cha tôi mờ đi. Giọng ông đứt quãng.
– Con không hiểu bố muốn nói gì.
– Lúc này con không hiểu cũng được. Hiểu bây giờ vừa sớm vừa nguy hiểm. Việc của bố là đánh động trí nhớ của con, bắt nó ghi lại một lời nói không rõ ràng để đừng quên sau này …
Ông Nguyễn Tạo (6) đã giải đáp cho tôi câu hỏi đó, nhiều năm về sau:
– Bố anh không muốn kể vì vào thời kỳ câu chuyện xẩy ra bố anh không còn làm việc với Bác Hồ nữa, bố anh e mình không nắm rõ, không trực tiếp biết sự việc, không biết chi tiết, kể sẽ không đầy đủ, không khách quan. Hoặc giả, bố anh sợ anh biết câu chuyện quá sớm thì hại cho anh … Nhưng bố anh muốn anh biết để có lúc anh sẽ phải viết ra. Bố anh bảo tôi kể cho anh nghe cũng không ngoài ý đó…
– Vậy chuyện gì đã xảy ra ở dốc Chèm, thưa bác?
– Một vụ án mạng oan khuất.
– Ở chính nơi bố cháu chỉ cho cháu?
– Ở đó. Có một người đàn bà bị xe cán chết, hay nói cho đúng hơn, cán xác của người đó.
– Một hiện trường giả?
– Chính là như vậy…Người đàn bà này bố anh cũng biết, tên là Xuân, quê ở huyện Hòa An tỉnh Cao Bằng. Cô Xuân rất xinh gái, da trắng nõn, miệng tươi như hoa, được Ban Bảo Vệ Sức Khỏe Trung Ương tuyển vào trông nom sức khỏe cho Bác Hồ…
– Thời gian nào, thưa bác?
– Sau khi hòa bình lập lại, khoảng năm 1955…Cùng được tuyển với cô Xuân còn có hai người em gái cô ta, một em ruột, một em họ cũng là con cái gia đình gốc gác cách mạng cả. Họ được bố trí ở trong một ngôi nhà ở phố hàng Bông Thợ Nhộm, sát đường Quang Trung. Thông thường, Trần Quốc Hoàn tự thân đưa cô Xuân vào gặp Bác rồi đưa về…
– Mỗi lần như vậy bà ta ở lại bao lâu?
– Không chừng. Có khi chỉ một đêm, có khi đôi ba hôm. Cô Xuân rất được lòng Bác. Họ có với nhau một con trai, được đặt tên Trung, Nguyễn Tất Trung. Về sau, trước khi Bác mất Bác ủy thác thằng Trung cho Vũ Kỳ chăm sóc, coi như con nuôi…
Tôi sững sờ. Lại thêm một bí mật tôi được biết trong những bí mật cung đình được giữ rất kín.
– Như vậy, có thể coi bà Xuân là bà hoàng hậu cuối cùng trong lịch sử Việt Nam?
– Có thể coi là như vậy. Và là bà hoàng hậu bất hạnh nhất trong lịch sử Việt Nam. Bất hạnh vì không một ngày được thừa nhận là hoàng hậu, vì đẻ ra đứa con không được gọi cha ruột của nó bằng cha… Tất cả diễn ra trong sự lén lút nhục nhã…
– Ai đã giết bà Xuân?
– … Ta hãy ghi nhận sự việc này: Vào một buổi sáng mùa Xuân năm 1957, người ta thấy có xác một người đàn bà bị xe ô tô đụng chết ở dốc Cổ Ngư lên Chèm. Xác chết được đưa vào bệnh viện Việt Đức, được nhận dạng. Chính là cô Xuân. Nhưng xác không được mổ theo thường lệ mà bị chôn cất vội vã theo lệnh của Trần Quốc Hoàn…
– Rồi sau thì sao?
– Chưa hết. Sau, em ruột cô Xuân bị điều đi học một lớp y tá ở Thái Nguyên rồi bị đưa về Cao Bằng điều trị bệnh… thần kinh. Ít lâu sau, xác cô nổi lên ở một cây cầu trên sông Bằng Giang…Cô em gái họ cũng biến mất. Như vậy cùng một thời gian, cùng một sự việc, có tới ba người thiệt mạng…” (7)
Theo Nguyễn Minh Cần, Trần Quốc Hoàn nhiều lần đến nhà cô Xuân để hãm hiếp cô từ ngày 6-2-1957 tới ngày 11-2-1957 thì giết cô bằng cách đánh búa vào đỉnh đầu rồi quăng xác ở dốc Cổ Ngư dàn cảnh xe cán.
Nguyễn Minh Cần cho rằng sự việc có thể xuất phát từ chính Hồ Chí Minh hoặc Bộ Chính Trị đã quyết định thanh toán cô Xuân do cô muốn công khai hóa mối liên hệ và đòi chính thức nhìn nhận đứa con. Trần Quốc Hoàn được giao cho thi hành nên mới dám ngang nhiên hãm hiếp cô Xuân trước khi hạ sát và sau đó giết luôn hai người em cô Xuân vì biết rõ sự việc. (8)
Theo Vũ Thư Hiên, một thương binh nhận là chồng của cô Vàng, cuối năm 1983, đã gửi thư lên Văn Phòng Chủ Tịch Quốc Hội ghi lại nhiều chi tiết của sự việc qua lời kể của cô Vàng trước khi bị thủ tiêu. Lá thư dài ghi viết tại Cao Bằng ngày 29 tháng 7 năm 1983 kính gửi ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ Tịch Quốc Hội nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, mở đầu với lời tự giới thiệu như sau:
“Tôi là một thương binh đã 25 năm nay vô cùng đau khổ, không dám hé răng với ai. Không phải chỉ vì vết thương bom đạn, chiến tranh mà là một vết thương lòng vô cùng nhức nhối. Nay tôi sắp được từ giã cái xã hội vô cùng đen tối này đi sang thế giới khác, tôi phải chạy vạy rất khó khăn mới viết được bức thư này lên Chủ Tịch hy vọng ông còn lương tri, lương tâm đem ra ánh sáng một vụ bê bối vô cùng nghiêm trọng tàn ác mà người vợ chưa cưới của tôi là nạn nhân…”
Thư trình bày tiếp sự việc cho biết từ năm 1954, người viết thư có người yêu tên Nguyễn Thị Vàng, 22 tuổi quê làng Hà Mạ, xã Hồng Việt, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Cô Vàng có người chị họ là Nguyễn Thị Xuân, tên gọi trong gia đình là cô Sang tức Minh Xuân. Cuối năm 1952, cô Vàng và cô Xuân tình nguyện vào công tác hộ lý trong một đơn vị quân nhu. Mấy tháng sau, Trần Đăng Ninh, Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Hậu Cần mấy lần đến gặp cô Xuân và đầu năm 1955 thì đem xe tới đón về Hà Nội, nói là để phục vụ Bác Hồ. Được mấy tháng sau thì cô Xuân cũng xin cho cô Vàng về Hà Nội ở trên gác căn nhà số 66 Hàng Bông Thợ Nhuộm với cô Xuân và cô Nguyệt là con gái ông Hoàng Văn Đệ, cậu ruột cô Xuân. Thư viết tiếp:
Đã luôn hai năm, tôi chỉ được tiếp thư chứ không được gặp cô Vàng, người yêu của tôi. Nhưng khoảng tháng 10 năm 1957, tôi bị thương nhẹ được đưa về điều trị tại bệnh viện huyện Hòa An. Chúng tôi vô cùng sung sướng lại được gặp nhau. Trong một tuần lễ, cô Vàng kể lại mọi nỗi đau xót cô đã gặp phải cho tôi nghe. Tôi xin ghi lại tỉ mỉ những lời cô Vàng tâm sự với tôi mà không bao giờ tôi có thể lãng quên được.”
Thư ghi lại nhiều chi tiết theo lời kể của cô Vàng cho biết khoảng đêm 6 hoặc 7 tháng 2 năm 1957, sau khi cô Xuân sinh con hơn 3 tháng, Trần Quốc Hoàn tới nhà ngang nhiên trói cô Xuân hãm hiếp ngay trước mắt hai cô Vàng và Nguyệt. Sau sự việc này, cô Xuân đã kể với các em: “Sau ngày sinh cháu Trung, chị thưa với Bác, bây giờ đã có con trai, xin Bác cho mẹ con ra công khai”. Bác nói: “Cô xin như vậy là hợp tình, hợp lý. Nhưng phải được Bộ Chính Trị đồng ý, nhất là mấy ông Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Hoàng Quốc Việt đồng ý mới được”.
Do đó, cô Xuân đành phải im lặng chờ đợi cho tới khi sự việc xẩy ra theo cô Vàng kể với người tình:
"Khoảng một tuần sau, lúc 7 giờ tối ngày 11 tháng 2 năm 1957, ngày em còn nhớ như đinh đóng cột. Một chiếc xe com măng ca thường đón chị Xuân lên gặp bác Hồ, anh Ninh xồm, người bảo vệ Trần Quốc Hoàn chuyển lên bảo vệ Bác, vào gặp chị Xuân nói lên gặp Bác. Chị Xuân mặc quần áo, xoa nước hoa rồi ra đi. Sáng hôm sau 12 tháng 2, một nhân viên Công An Hà Nội đến báo tin chị Xuân gặp tai nạn ô tô chết rồi, hiện còn để ở nhà xác bệnh viện Phủ Doãn…Em không được vô nhà xác, họ nói còn mổ tử thi…Sau một tiếng, hai bác sĩ, một cán bộ Công An, một Kiểm Sát Viên lên phòng chờ, đem theo một tờ biên bản đọc to lên cho mọi người nghe. Tử thi không có thương tích gì, thấy rõ không bị tai nạn ô tô… Duy chỉ có xương đỉnh đầu bị rạn nứt… Bác sĩ tuyên bố đây có thể bị chùm chăn lên đầu rồi dùng búa đánh giữa đầu…
Ít lâu sau một cán bộ Công An đến bế cháu Trung đi, chúng em không được biết đi đâu (9). Rồi em thì được đi học một lớp y tá của khu tự trị Việt Bắc ở Thái Nguyên. Chị Nguyệt không biết họ cho đi đâu sống chết thế nào. Học mấy tháng thì em được chuyển về bệnh viện Cao Bằng, em khóc luôn, họ cho là em bị thần kinh nên cho về đây điều trị. May lại được gặp anh kể hết mọi chuyện cho anh nghe… Em chắc chắn sẽ bị chúng giết vì em đã nói vụ này cho nhiều chị em bà con biết…
Tôi chỉ được gặp Vàng em tôi có một tháng, đến ngày mồng 2 tháng 11 năm 1957, cô Vàng đi về thăm ông cậu Hoàng Văn Đệ. Hung thủ đi theo rồi giết chết em tôi quăng xác xuống sông Bằng Giang đến ngày mồng 5 tháng 11 mới nổi lên ở cầu Hoàng Bồ. Tôi được tin sửng sốt chạy về cầu Hoàng Bồ thì thi hài đã được kiểm nghiệm và chôn cất rồi. Nghe dư luận xôn xao bị đánh vỡ sọ…Tôi đâm bổ về Hà Nội liên lạc được với một cậu bạn cùng học làm việc ở Tòa Án Hà Nội. Tôi kể vụ án em tôi bị giết thì bạn tôi sao cho tôi một bản Công Văn Viện Kiểm Sát hỏi tòa án về vụ em tôi và cô Xuân bị giết. Tôi xin sao bản văn đó trình ông để tiện việc điều tra. Vụ này nhiều người bị giết. Cô Xuân, vợ cụ Hồ Chí Minh, cô Vàng, vợ chưa cưới của tôi, cô Nguyệt, còn nhiều người ở Trường Y Tá Thái Nguyên nghe chuyện Vàng kể đi nói chuyện lại cũng bị giết lây”...
Cuối thư ký tên vợ chồng Nguyễn Thị Vàng sau khi cho biết người lái xe tới đón cô Xuân đi giết là Tạ Quang Chiến vào năm 1983 đang giữ chức Tổng Cục Phó Tổng Cục Thể Dục Thể Thao và ghi lời cầu xin: “Tôi, một thương binh sắp đi qua thế giới khác, máu hòa nước mắt viết thư này nhờ một người bạn chí tình, thành tâm bảo vệ lẽ phải, đánh máy bức thư gửi tới trình ông”. (10)
Trước phát giác về cuộc sống tình cảm phức tạp của Hồ Chí Minh, Bùi Tín phát biểu: “Ở trong nước, việc đánh giá lại ông Hồ Chí Minh là điều cấm kỵ một cách tuyệt đối. Vì ông là chỗ dựa cuối cùng để những người lãnh đạo duy trì con đường “xã hội chủ nghĩa”, “giữ vững ổn định chính trị” có nghĩa là họ không mất quyền lãnh đạo… Nhà báo Kim Hạnh chỉ giới thiệu về cuốn sách của giáo sư sử học Daniel Hemery nói rằng hồi trẻ ông Hồ có thể có vợ ở Trung Quốc đã lập tức bị mất chức tổng biên tập báo Tuổi Trẻ. Ông Bùi Đình Kế, cục trưởng cục lưu trữ quốc gia viết một bài tương tự trên báo Nhân Dân Chủ Nhật cũng bị khiển trách rồi “cho về hưu”. Lập luận của Ban Văn Hóa và Tư Tưởng là tất cả những chuyện kể trên đều là bịa đặt bậy bạ với ý đồ xấu xa phá hoại đất nước”. Theo Bùi Tín, “nếu quả thật ông có người yêu, có vợ khi còn trẻ thì có gì là xấu? Nếu có cô Brière (Pháp), cô Tuyết Cần (Trung Hoa), cô Véra Vasiliera (Nga) … là bạn, người yêu, là vợ thì cũng là tự nhiên, bình thường, có thể là nét đẹp nữa, vì ông cũng có trái tim như mọi người chứ. Chỉ có kẻ đạo đức giả mới muốn coi ông là thánh”. (11)
Quả thật không có gì xấu trong cuộc sống tình cảm tự nhiên của con người. Nhưng, vấn đề được đặt ra không bởi sự việc Hồ Chí Minh từng viết thư tán tỉnh phụ nữ, từng có người yêu. Vấn đề được đặt ra cũng không bởi sự việc Hồ Chí Minh đã nhiều lần có vợ và bỏ vợ.
Vấn đề được đặt ra chỉ bởi cách đối xử của Hồ Chí Minh với những người vợ, những đứa con của mình và quan trọng hơn là sự cố tình bịa đặt một cuộc sống tình cảm không có thực để dối gạt dư luận.
Những năm trước 1945, việc quần chúng không hiểu rõ cuộc sống riêng của Hồ Chí Minh có thể viện dẫn tình trạng hoạt động bí mật không cho phép nói rõ về bản thân.
Tuy nhiên từ 1945 về sau, mọi tài liệu sách báo đều không ngừng nói về cuộc sống độc thân của Hồ Chí Minh như chứng cớ cụ thể nhất biểu hiện tinh thần vì nước quên mình, hy sinh hạnh phúc cá nhân để phục vụ nhân dân.
Hết thẩy sách báo đều mô tả Hồ Chí Minh từ tuổi thiếu niên không ngừng băn khoăn tìm đường cứu nước, trọn đời sống khổ hạnh như một bậc chân tu không biết đến niềm vui riêng nào, luôn dồn hết tâm lực cho việc đấu tranh giải phóng dân tộc và cán bộ tuyên truyền khắp nước đã dựng lên màn suy tôn Thánh Sống Hồ Chí Minh cho quần chúng.
Trong khi đó, gần như không lúc nào Hồ Chí Minh không nghĩ đến đàn bà và gần như không lúc nào Hồ Chí Minh không có đàn bà ở bên cạnh.
Thời gian theo Phan Chu Trinh học nghề thợ ảnh tại Paris, Hồ Chí Minh đeo theo tán tỉnh một cô gái Pháp có tên Bourdon, viết những lá thư tình dài dặc mà sau này Gaspard Thu Trang thu góp in trong cuốn Hồ Chí Minh à Paris.
Những ngày nối sau, khi là đảng viên Xã Hội Pháp, Hồ Chí Minh đã có một người tình cũng là đồng chí, có tên Marie Brière được sử gia Daniel Héméry ghi lại trong cuốn Hồ Chí Minh, de l’Indochine au Việt Nam.
Những năm đầu ở Mạc Tư Khoa, Hồ Chí Minh cũng không thiếu đàn bà trong sinh hoạt thường nhật. Manabendra N. Roy, lãnh tụ Cộng Sản Ấn Độ từng là ủy viên chính trị của Đệ Tam Quốc Tế, nhưng bị khai trừ năm 1928 trong tác phẩm Men I met kể về những người từng một thời gặp gỡ có đoạn nhắc đến Hồ Chí Minh với cách sinh hoạt như sau: “Vì ở Nga không có những quán cà phê kiểu Paris mà ông ta thường lui tới nên để bù lại cuộc sống kham khổ buồn chán của Mạc Tư Khoa trong những năm 20, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thú vui nơi đàn bà. Đó là các nàng tư sản sa đọa hay các thanh nữ cộng sản phóng đãng bị thu hút mãnh liệt bởi những khóa sinh người châu Á.” (12)
Rời Mạc Tư Khoa về Quảng Châu, Hồ Chí Minh lấy vợ năm 1926.
Ngày 6-6-1931, lúc bị Cảnh Sát Anh bắt tại Cửu Long, Hồ Chí Minh lại đang sống với một phụ nữ tên Li Sam.
Ba năm sau đó, năm 1934, Hồ Chí Minh có con với Nguyễn Thị Minh Khai. Khi Minh Khai về nước, Hồ Chí Minh ở lại cùng Nguyễn Khánh Toàn và đã có một người vợ Nga để có thêm một đứa con lai.
Ít năm sau Hồ Chí Minh về nước, sống tại vùng rừng núi Cao Bằng và sinh hoạt tại đây cũng không thiếu đàn bà. Brocheux ghi lời của đại úy Pháp Desfourneaux là người từng có mặt bên Hồ Chí Minh lúc đó kể về một buổi Hồ Chí Minh tiếp đón nhóm sĩ quan đặc vụ Mỹ: “Trong cái trại có cả người Mỹ lẫn người Việt tụ tập thấy có 15 phụ nữ trẻ từ Hà Nội đến để liên hoan. Ông Hồ giới thiệu họ là những “cô gái giải trí chuyên nghiệp” (professional entertainers). Trước buổi liên hoan ông Hồ đã cho chuẩn bị sẵn một hợp chất gồm dược thảo và lộc nhung được coi là có dược tính khích dâm. Người Mỹ từ chối khi được mời tham dự buổi liên hoan”.
Desfoureaux thuật lại “nhìn thấy trong ánh mắt ông Hồ như có một ngọn lửa lóe lên khi các nàng kiều nữ tới trại”.
Ghi lại mẩu chuyện này, Brocheux thắc mắc “các cô giải trí chuyên nghiệp, thường được hiểu là biết nhảy, biết ca hát .... Tại sao lại pha chế thuốc kích dâm (aphrodisiaques) trước khi liên hoan”? (13)
Năm 1942, Hồ Chí Minh rời căn cứ Cao Bằng trở qua Hoa Nam hơn hai năm. Trên đường trở lại Cao Bằng vào tháng 8-1944, Hồ Chí Minh lại có một phụ nữ cùng đi là Đỗ Thị Lạc và sau đó có cùng bà này một cô con gái.
Chỉ riêng với những trường hợp đã được ghi nhận rõ ràng, hơn hai mươi năm hoạt động đấu tranh của Hồ Chí Minh cũng là hơn hai mươi năm liên tục đắm chìm trong lạc thú yêu đương.
Nói như Bùi Tín, như Duiker vv…, chuyện này chẳng có gì xấu. Nhưng trong lúc sống như vậy, Hồ Chí Minh lại dối gạt mọi người rằng mình là một lãnh tụ cách mạng thanh cao, đạo đức luôn khép mình trong cuộc đời khổ hạnh của một đấng chân tu, một vị Thánh.
Chính Bùi Tín từng nghĩ Hồ Chí Minh tự nhận là cha già dân tộc và xưng Bác với đồng bào trong đó có cả cụ già 70, 80 tuổi là không ổn…và cho là mỉa mai đến buồn cười khi Hồ Chí Minh ký tên khác để viết về bản thân mình, tự khen mình là vĩ đại hơn Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, tự nói về mình rằng: “Bác Hồ rất khiêm tốn, Người không bao giờ muốn nói đến bản thân …”
Bùi Tín nêu một loạt tiêu chuẩn cho việc nhận diện Hồ Chí Minh là cần khách quan, công bằng, không nên dự đoán và suy diễn. Các tác giả như William Duiker, Halberstam, Douglas Pike, Sainteny, Bernard Fall... và hết thẩy những người khác hẳn cũng nghĩ thế. Vấn đề là hết thẩy có theo nổi đúng những tiêu chuẩn do chính mình đã nêu không?
Riêng với Bùi Tín chắc chắn là “không”, qua lời phát biểu: “Cá nhân tôi kính trọng ông Hồ Chí Minh…Đây chính là con người thẳng thắn lương thiện (honnête), sống rất giản dị, yêu thích trẻ con và dễ gần gụi với những người hèn mọn nhất (humbles)... Tôi cực lực bác bỏ giả thuyết cho rằng đó chỉ là cái tài đóng kịch của ông.”
Bởi vì, có thể gọi là người thẳng thắn, lương thiện không, khi người đó dùng mọi cách che giấu những hành vi thực của mình, thậm chí giả xưng nhà văn, nhà báo viết sách ca ngợi mình là anh hùng vĩ đại, là khiêm tốn, là cao thượng?
Có thể gọi người luôn tìm cách đẩy vợ vào bóng tối để trình diễn cuộc sống độc thân và rũ bỏ những đứa con của chính mình là người giản dị, yêu thích trẻ con không?
Có thể gọi người thản nhiên vô cảm trước hành vi sát nhân mà nạn nhân chính là kẻ đầu gối tay ấp với mình là người nhân ái, dễ gần gụi với những kẻ hèn mọn không?
Có thể gọi người nhân danh lý tưởng để lạm dụng quyền hành vào việc thỏa mãn những thú vui riêng của bản thân là người tận tụy hy sinh không?
Có thể gọi người ôm ấp phụ nữ trên giường giữa lúc khắp nơi dân chúng kêu khóc và máu của các đồng chí đang tuôn đổ là người lo trước dân, hưởng sau dân không?
Có thể gọi người luôn ngoảnh mặt làm ngơ trước những chuyện bất bình đau đớn bằng cách viện dẫn phải chiều theo một áp lực nào đó là người chí công vô tư không?
Và, có thể gọi một người làm tất cả những việc đó mà luôn xuất hiện trước đám đông với bộ mặt dịu dàng, cử chỉ âu yếm, lời lẽ ngọt ngào khuyên nhủ cần sống hợp đạo lý, cần hết lòng thương yêu kẻ khác là người không biết đóng kịch không?
Duiker, Halberstam, Douglas Pike, Bùi Tín vv… có thể kính trọng, ngưỡng mộ Hồ Chí Minh, chọn Hồ Chí Minh làm thần tượng không cần giải thích lý do.
Tuy nhiên, mọi câu trả lời khách quan cho những nghi vấn trên chỉ phác họa chân dung một kẻ luôn che giấu cuộc sống thực bằng những thủ đoạn trình diễn kiệt xuất như chính Douglas Pike và Halberstam đã nhìn nhận “...Hồ luôn luôn chứng tỏ là kẻ đại tài về xảo trá và tàn bạo”.
Bùi Tín cũng đã kết án việc “vu khống chụp mũ, ám sát, thủ tiêu những người lãnh đạo trốt-kýt như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch là … một tội ác trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc”. Tuy Bùi Tín thận trọng ghi tội ác này là của những người lãnh đạo Đảng Cộng Sản Đông Dương, nhưng lại xác nhận mọi việc khởi từ chỉ thị của Hồ Chí Minh, nhân danh thực hiện chủ nghĩa Stalin.
Không dễ tìm nổi mối tương đồng giữa kẻ chủ trương vu cáo, thủ tiêu những người yêu nước, phạm tội ác trong lịch sử đấu tranh với người nhân ái, có công đầu trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Cũng không dễ tìm nổi mối tương đồng giữa kẻ xảo trá tàn bạo với người thẳng thắn lương thiện, giữa kẻ gạt bỏ tất cả những đứa con của mình và nhẫn tâm sát hại chính vợ mình với người giản dị, yêu thương con trẻ và người hèn mọn …
Càng khó tìm nổi mối tương đồng giữa kẻ đã nhúng tay vào tội ác và có cuộc sống riêng nhầy nhụa, lén lút nhưng luôn tô vẽ mình là anh hùng vĩ đại, đạo đức tuyệt vời, gương mẫu bậc nhất với người luôn thẳng thắn, không hề biết đóng kịch.
Nhiều người vì một lý do riêng nào đó đã cố gắng xóa lằn ranh giữa tàn bạo và nhân ái, giữa lương thiện và xảo trá, giữa giản dị và quanh co, giữa thẳng thắn và gian dối… nhưng đây là việc bất khả thi dù tốn hao công sức cỡ nào.
Lằn ranh kia sẽ tiếp tục tồn tại và tồn tại mãi mãi để phân biệt hai mặt thực tế và xác định ý hướng của mỗi con người trong cuộc sống.
Chọn lựa thẳng thắn hay gian dối, chọn lựa giản dị hay quanh co… nằm trong ý hướng và nỗ lực của mỗi con người được chứng minh bằng chính hành vi của con người đó.
Hành vi của Hồ Chí Minh đã chứng tỏ ý hướng và nỗ lực của ông nghiêng về phía nào, bất chấp mọi biện giải của những người khác ở xung quanh ra sao.
Cho nên, để nhận diện Hồ Chí Minh một cách khách quan và công bằng không thể dựa vào những biện giải mà chỉ có thể nhìn thẳng vào hành vi của chính Hồ Chí Minh.
Trên thực tế, Hồ Chí Minh từng có vợ, có con và có nhiều vợ, nhiều con từ tuổi ba mươi tới cuối đời. Đây là một thực tế không thể phủ nhận.
Suốt thời gian đó, Hồ Chí Minh luôn tránh né đề cập đến việc vợ con và năm 1967, khi Bernard Fall nêu câu hỏi về vấn đề này, chính Hồ Chí Minh đã cho rằng tất cả chỉ là tin đồn sai sự thực. (14) Đây cũng là một thực tế hiển nhiên.
Sự hiện diện song song của hai thực tế này đủ bài bác mọi lời biện giải khởi từ những dự đoán hay suy diễn mang tính chủ quan của mọi người.
Bùi Tín luôn kính trọng Hồ Chí Minh cũng không thể phủ nhận tiếng nói này của thực tế. Tuy nhiên, theo Bùi Tín, Hồ Chí Minh phải tuân hành ý Đảng.
Giả dụ cứ cho rằng ý nghĩ này không phải dự đoán và suy diễn để coi là thực tế thì lại gặp một thực tế ngược lại. Đó là sự có mặt của cuốn sách do chính Hồ Chí Minh giả xưng nhà báo Trần Dân Tiên để viết về mình với những dòng mở đầu: “Nhiều nhà văn, nhà báo Việt Nam và ngoại quốc muốn viết tiểu sử của vị Chủ Tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa nhưng mãi đến nay chưa có người nào thành công. Nguyên nhân rất giản đơn: Chủ Tịch Hồ Chí Minh không muốn nhắc lại thân thế mình”.
Bùi Tín nói đây là điều mỉa mai đến buồn cười vì cảnh Hồ Chí Minh ngồi nắn nót hàng chữ trang trọng “Chủ Tịch Hồ Chí Minh không muốn nhắc lại thân thế”. (15)
Nhưng đây mới chỉ là bước mở đầu cho những bước tiếp không còn buồn cười mà phải cười ra nước mắt khi hình dung chính Hồ Chí Minh đang viết những dòng sau: "Một người như Hồ Chủ Tịch của chúng ta, với đức khiêm nhường dường ấy và đương lúc bề bộn bao nhiêu công việc làm sao có thể kể lại cho tôi nghe bình sinh của người được.”
Kiều Phong trong Chân dung Bác Hồ phát biểu: "Nếu bác tôn trọng lời bác nói thì cuốn sách … không bao giờ được viết ra vì từ ngày 4-9-1945 cho tới chết, có bao giờ hết cảnh "rất nhiều đồng bào đang đói khổ" hay có khi nào bác hết "những công việc cần kíp đâu.” (16)
Tất nhiên Hồ Chí Minh không tôn trọng lời nói của mình vì biết rõ mình đang nói dối và thấy nói dối là cần nên đã tiếp tục kể: “Khi Chủ Tịch Hồ Chí Minh còn là người thiếu niên mười lăm tuổi… đã sớm hiểu biết và rất đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào… đã có chí đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào… đã tham gia công tác bí mật, nhận việc liên lạc… nhưng không hoàn toàn tán thành cách làm của một người nào, vì: Cụ Phan Chu Trinh chỉ yêu cầu Pháp thực hiện cải lương. Anh nhận điều đó là sai lầm, chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương. Cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp. Điều đó rất nguy hiểm, chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”. Cụ Hoàng Hoa Thám trực tiếp chống Pháp, nhưng còn nặng cốt cách phong kiến. Anh thấy rõ và quyết định con đường nên đi…”
Hồ Chí Minh tả tiếp về mình vào ngày 2 tháng 9 năm 1945 sau khi đã chọn được con đường nên đi: “Ngày hôm đó, lần đầu tiên thủ đô Hà Nội được “mắt thấy” người con yêu quý nhất của dân tộc Việt Nam… Nhân dân nhận thấy Hồ Chủ Tịch giản dị, thân mật như một người cha hiền về với đám con…Quần chúng cảm thấy sâu sắc lòng thương yêu của một người Cha…”
Và, hình ảnh Hồ Chí Minh do Hồ Chí Minh giới thiệu trước công chúng như sau: “Nhân dân Việt Nam muôn người như một, nghe theo lời Hồ Chủ Tịch, vì họ hoàn toàn tin tưởng ở Hồ Chủ Tịch, họ hoàn toàn kính yêu Hồ Chủ Tịch. Không có gì so sánh được với lòng dân Việt Nam kính mến tin tưởng lãnh tụ Hồ Chí Minh… Hồ Chủ Tịch được nhân dân yêu mến là do lòng yêu nước, yêu nhân dân… Hơn bốn mươi năm nay, Hồ Chủ Tịch chỉ đeo đuổi một mục đích giải phóng Tổ Quốc và đồng bào… Chủ Tịch đã từng chịu đựng khổ sở vất vả không thể tưởng tượng được suốt trong thời kỳ hoạt động bí mật…Nhưng Chủ Tịch dũng cảm và kiên quyết vượt qua mọi khó khăn. Chủ Tịch không bao giờ thay đổi, vẫn luôn luôn là một người yêu nước trong sạch và nhiệt tình… Hồ Chủ Tịch được nhân dân yêu mến là do lòng hy sinh và lòng nhân từ của Người. Đúng như lời nói của Mặc Tử, nhà triết học Trung Quốc đời xưa: “Nếu có lợi cho thiên hạ thì dù mình bị mài mòn từ gót đến đầu cũng vui lòng”…Chủ Tịch không bao giờ nghĩ đến mình. Người chỉ nghĩ đến người khác, nghĩ đến nhân dân. Hồ Chủ Tịch được nhân dân yêu mến là do tính cương trực và lòng trong sạch của Người. Thái độ của Người ngay thẳng…Vì Bác Hồ mà những người lao động trong nhà máy và trên đồng ruộng tăng thêm năng suất. Đối với nhi đồng, tên bác Hồ như là một người mẹ hiền. Chỉ nhắc đến tên Bác là các em trở nên ngoan ngoãn... Nhân dân gọi Chủ Tịch là Cha Già của Dân Tộc…” (17)
Kiều Phong nhận xét: "Hãy bỏ qua những câu chuyện dại dột, lố bịch.... chỉ cần nhìn lại chính cái giây phút Bác ngồi nắn nót viết câu đó là thấy Bác man trá chừng nào. Đất nước còn nghèo, nhân dân còn đói, chiến tranh còn khốc liệt… con người "chỉ nghĩ đến nhân dân” ấy lại tranh nghề của bọn văn nô, bỏ hết thời giờ tâm trí vào việc ngồi viết văn tự tâng bốc. Vào lúc người dân Việt đang thi đua gục ngã ở chiến trường theo sự hướng dẫn của Chủ Tịch thì vị "cha già dân tộc” cứ say sưa bận rộn với sự nghiệp tự nâng bi. Có ông Cha già nào trên đời lại nhố nhăng, vị kỷ và bất nhân đến thế!” (18)
Thực ra phải nói không một người nào, dù chỉ đạt mức thẳng thắn và lương thiện tối thiểu, lại dám tự gán cho mình những mỹ hiệu tột đỉnh như “người con yêu quý nhất của Việt Nam, người cha hiền của quần chúng, người được toàn dân kính yêu không gì so sánh nổi, người sẵn sàng mài mòn từ gót đến đầu để mưu lợi ích cho thiên hạ, người dũng cảm, kiên quyết vượt qua mọi khó khăn, người chịu đựng mọi gian khổ cùng cực, người cương trực, trong sạch và người được nhân dân gọi là Cha Già của Dân Tộc…”
Trong lịch sử nhân loại chắc chỉ duy nhất có một người hoàn hảo như vậy, một người mà danh hiệu Thánh Sống cũng chưa diễn tả hết những đức tính tuyệt vời.
Nhưng thực tế cuộc sống của người đó ra sao?
Mức gian khổ cùng cực được đưa ra là gì?
Phải chăng là vỏn vẹn hai lần bị bắt tại Trung Hoa vì lý do hoạt động cho Cộng Sản với không đầy ba năm tù và chưa từng bị đòn vọt?
Phải chăng là những năm tháng đóng vai nhà báo, đóng vai sĩ quan Trung Cộng… với nguồn tiền bạc do Đệ Tam Quốc Tế cung cấp đều đặn?
Phải chăng là những buổi liên hoan có cả thuốc kích dâm ngay giữa mật khu và ở đâu, lúc nào cũng không thiếu đàn bà bên cạnh? …
Theo Bùi Tín, Nguyễn Tạo và cả Vũ Thư Hiên, Hồ Chí Minh ở vào thế không thể đi ngược ý muốn của tổ chức, cụ thể là do Đảng quyết định.
Đảng muốn biến Hồ Chí Minh thành “Thánh Sống” trước mắt dân chúng để trở thành “Cha Già Dân Tộc” và Hồ Chí Minh bắt buộc phải tuân theo.
Như vậy, tội xảo trá lừa gạt là tội của Đảng còn Hồ Chí Minh đã trở thành Thánh Sống, thành Cha Già Dân Tộc một cách bất đắc dĩ.
Nhưng cả Bùi Tín lẫn Vũ Thư Hiên đều thấy việc Hồ Chí Minh giả xưng nhà báo để viết hai cuốn sách về mình không do lệnh Đảng. Bùi Tín nghĩ là điều mỉa mai buồn cười còn Vũ Thư Hiên cho là hành động ngớ ngẩn thừa thãi.
Thực ra, người ngớ ngẩn đáng buồn cười không bao giờ là Hồ Chí Minh. Chính Bùi Tín từng nói Hồ Chí Minh tuyệt đối tin tưởng ở đường lối và kinh nghiệm của Liên Xô với thái độ giáo điều, đã đi đầu trong việc mang chủ nghĩa Mác-Lênin được Stalin hóa vào Việt Nam.
Như vậy, hơn ai hết, Hồ Chí Minh ý thức rất rõ tầm vóc quan trọng của võ khí tuyên truyền, trong đó việc tạo dựng thần tượng là một yếu tố quyết định thành bại của nỗ lực đấu tranh.
Thần tượng tạo sức mạnh thu hút, đồng thời cũng tạo sức mạnh chi phối đối với quần chúng và dư luận. Để đạt mục tiêu này, thần tượng phải bao gồm mọi khía cạnh đáp ứng đúng nhu cầu tình thế và nguyện vọng quần chúng.
Trong hoàn cảnh toàn dân sôi sục nhiệt tình yêu nước, thần tượng không thể chỉ hiện ra như một nhân vật tài năng quán thế mà còn phải là biểu tượng tột cùng của tinh thần dân tộc.
Đây cũng là khía cạnh vô cùng quan trọng trong đòi hỏi của tình hình thế giới đang bắt đầu hình thành trận tuyến giữa tự do và cộng sản. Chính vì thế, mặc dù tự gán cho mình mọi màu sắc tuyệt vời, Hồ Chí Minh đã nỗ lực che giấu niềm tự hào cao nhất là tính chất Cộng Sản.
Hồ Chí Minh không hề ngớ ngẩn thừa thãi hoặc làm trò cười khi vùi lấp vóc dáng thực là Vị Thánh của Chủ Nghĩa Cộng Sản như Krutshchev đã mô tả để tự gán cho mình danh hiệu Cha Già Dân Tộc.
Danh hiệu này chính là võ khí cần thiết cho việc thu hút những người yêu nước, đặt tất cả dưới sự chi phối đồng thời vận động sự hỗ trợ trên khắp thế giới để tạo một thế trận dư luận bao vây cô lập mọi đối thủ.
Diễn trình cuộc chiến Việt Nam trước và sau 1954 đã nói lên thực tế này rất rõ ràng với không ít chứng liệu.
Hồ Chí Minh, như Bùi Tín diễn tả, là người đi đầu trong việc truyền bá lý tưởng Cộng Sản, là tín đồ nặng tinh thần giáo điều của chủ thuyết Stalin, nên không thể nhắm mục tiêu nào ngoài việc phát triển ảnh hưởng Cộng Sản để đi tới thiết lập nền chuyên chính vô sản trên toàn thế giới.
Nhưng đã không ít lần, Hồ Chí Minh cũng như các thủ hạ từng tuyên bố mình không hề là Cộng Sản, mục đích của mình chỉ là giải phóng dân tộc.
Luận điệu tuyên truyền này được phụ họa với dàn đồng ca xưng tụng thần tượng là Cha Già Dân Tộc cất lên không ngừng ở bất kỳ nơi nào đã tạo ảnh hưởng không nhỏ trong dư luận thế giới mà chứng tích đầy rẫy trong sách báo. Ảnh hưởng đó đã góp phần quyết định thắng lợi cho Cộng Sản trong mục tiêu giành quyền thống trị.
Tự phong là Cha Già Dân Tộc, Hồ Chí Minh không hề ngớ ngẩn mà đã mở ra một chiến dịch lớn trên mặt trận tuyên truyền tấn công thẳng vào dư luận cả trong lẫn ngoài nước để củng cố chiêu bài giải phóng dân tộc cho Đảng Cộng Sản theo đuổi mục tiêu độc chiếm quyền lực tại Việt Nam.
Tầm mức quan trọng đó khiến Hồ Chí Minh phải đích thân tự tô vẽ bức tranh thần tượng của mình thay vì trao cho thủ hạ. Cho tới nay, nhiều hình ảnh Hồ Chí Minh được giới thiệu ở khắp nơi đều rập theo khuôn mẫu do Hồ Chí Minh đưa ra từ đầu năm 1948 cho thấy ảnh hưởng của trận đánh tuyên truyền này sâu rộng tới mức nào.
Nhưng dù nhắm mục đích nào, lường gạt vẫn là lường gạt.
Hồ Chí Minh đã lường gạt quần chúng Việt Nam và lường gạt cả dư luận thế giới để giành thắng lợi cho Cộng Sản.
Biện giải để trút bỏ trách nhiệm lường gạt từ Hồ Chí Minh qua Đảng Cộng Sản Đông Dương là điều ngược với thực tế.
Bởi lẽ, Đảng trị chỉ là tên gọi khác của một kiểu mẫu chế độ độc tài mà trong đó lãnh tụ luôn nắm quyền uy tuyệt đối của một bạo chúa.
Bùi Tín đã nhìn về Đảng Cộng Sản Việt Nam như sau: “Đảng độc quyền lãnh đạo, không cho phe phái xuất hiện trong Đảng, giữ một khối thống nhất nguyên khối (monolithique) … Đảng là nhà nước, đồng nhất với nhà nước, Đảng là luật pháp, coi thường luật pháp… Đảng và chính quyền là của một nhóm lãnh đạo, là của một lãnh tụ duy nhất”. (19) Khi Đảng đã là thứ nằm dưới quyền sai xử của một lãnh tụ duy nhất thì có thể ban chỉ thị cho lãnh tụ chăng?
Nếu Đảng có đủ uy lực ép buộc Hồ Chí Minh phải làm ngược ý muốn chắc chắn Hồ Chí Minh đã không thể có cuộc sống hoang tàng như từng có.
Để diễn tả chính xác, chỉ có thể bảo Đảng chính là một công cụ vận dụng tối đa uy lực để phục vụ Hồ Chí Minh.
Trước hết, chính các cán bộ cao cấp của Đảng đã phải đi kiếm gái đẹp về cho Hồ Chí Minh. Trường hợp cô Xuân là một chứng minh và có thể kể thêm trường hợp bất thành với cô Nguyễn Thị Phương Mai tại Thanh Hóa.
Kế tiếp, chính các cán bộ cao cấp của Đảng phải cúi đầu nhận cái công việc đêm đêm lén lút đưa gái tới với Hồ Chí Minh.
Sau đó, cơ cấu chỉ đạo cao nhất của Đảng cùng các cơ quan viên chức Nhà Nước lại lên tiếng ca ngợi Hồ Chí Minh là ông Thánh Sống, là bậc chân tu đạo hạnh tuyệt vời để dối gạt dư luận. Hồ Chí Minh đã hóa thân thành Đảng và nhân danh Đảng để biến đồng chí thành một nhóm thủ hạ tận trung tới mức sẵn sàng làm mọi việc kể cả nhúng tay vào máu như trường hợp cô Xuân, khi phát giác thấy dấu hiệu đe dọa sự nguyên vẹn của tấm áo thần thánh mà Hồ Chí Minh đang mặc.
Chiếu theo thực tế, uy quyền của Hồ Chí Minh trong tương quan với Đảng Cộng Sản Việt Nam còn vượt khỏi phạm vi diễn tả của Bùi Tín.
Trước 1945, Đảng chỉ có tư cách một chi bộ độc lập trực thuộc Đệ Tam Quốc Tế mà Hồ Chí Minh là đại diện nên người ra chỉ thị cho Đảng, quyết định mọi đường đi nước bước của Đảng chính là Hồ Chí Minh.
Trong tương quan cá nhân, hết thẩy tập thể lãnh đạo Đảng đều thuộc vai học trò của Hồ Chí Minh nên Hồ Chí Minh từng thoải mái tuyên bố là không ai có thể làm được điều gì nếu không có Hồ Chí Minh.
Kể từ 1945, khi Hồ Chí Minh trực tiếp lãnh đạo Đảng thì uy quyền trở nên tuyệt đối hơn. Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng… đều đã bày tỏ thái độ tuân phục triệt để trước Hồ Chí Minh mà chứng cớ cụ thể là lời lẽ phát biểu về lãnh tụ trong các tác phẩm viết nối tiếp sau tác phẩm của Hồ Chí Minh tự ca ngợi mình.
P.J Honey từng mô tả về uy quyền lãnh đạo của Hồ Chí Minh trong Đảng và Nhà Nước ở Hà Nội: “Chỉ một mình ông quyết định những vấn đề chính trị cao cấp, còn những kẻ khác, kể cả các ủy viên bộ chính trị, chỉ có việc chấp nhận và tuân hành mệnh lệnh của ông về các vấn đề liên quan”.
Cho nên, không thể cho rằng Đảng ép buộc Hồ Chí Minh phải trở thành Thánh Sống.
Trên thực tế, chính Hồ Chí Minh đã chỉ đường vạch lối cho Đảng phải thần thánh hóa mình và còn vẽ ra cả hình thù của vị thánh Hồ Chí Minh. Bằng chứng về ý muốn này của Hồ Chí Minh đã hiện diện ngay trước mắt mọi người là 2 cuốn sách ký tên Trần Dân Tiên và T. Lan.
Dù 2 cuốn sách được viết ra bởi bất kỳ lý do nào thì vẫn chứa đựng ý của người viết muốn tô điểm mình thành một khuôn mẫu nhân vật do chính mình diễn tả bằng mọi thứ mỹ từ như anh hùng cứu nước, con yêu của đất nước, cha già dân tộc...
Khởi từ đây, Đảng đã tô vẽ cuộc đời đấu tranh không thiếu niềm vui của Hồ Chí Minh thành cuộc đời đầy gian lao khổ hạnh, đã làm mọi cách để vùi lấp những người đàn bà sống bên cạnh Hồ Chí Minh kể cả nhúng tay vào máu, đã phải đi từ khuyến dụ tới ép buộc mọi người dành riêng tiếng Bác để gọi Hồ Chí Minh và tô vẽ cho Hồ Chí Minh những màu sắc huy hoàng nhất bằng các màn trình diễn suy tôn Thánh Sống trong các buổi sinh hoạt với dân chúng trên toàn miền Bắc từ năm 1946.
Khi Hồ Chí Minh giả xưng nhà báo có tên Trần Dân Tiên tạo ra khuôn mẫu thần tượng cho bản thân mình thì toàn Đảng có nhiệm vụ phổ biến khuôn mẫu thần tượng này. Đảng chỉ tuân hành chỉ thị còn người chủ trương xảo trá, lừa gạt không là ai khác, ngoài Hồ Chí Minh, dù đã có những biện giải ra sao.
Với thực tế này, việc Hồ Chí Minh có tài đóng kịch đã trở thành rõ ràng. Bởi kẻ thiếu tài đóng kịch để che giấu chân tướng thì không lường gạt nổi ai.
Cho tới giờ này, sự kiện Hồ Chí Minh vẫn được Bùi Tín kính trọng vì cho là người lương thiện, vẫn được Sainteny nghĩ là người tin ở Chúa Jésus, vẫn được Nguyễn Tạo, Vũ Thư Hiên tội nghiệp do bị áp lực đến nỗi phải im lặng khi vợ mình bị thủ hạ sát hại và vẫn được nhiều người cho là nhà ái quốc vĩ đại hết lòng lo cho dân, cho nước… chứng tỏ Hồ Chí Minh không chỉ có tài đóng kịch mà còn là kịch sĩ kiệt xuất đã che mắt không chỉ một người mà nhiều người trong một thời gian dài.
Tài đóng kịch của Hồ Chí Minh có thể do thiên phú và phần khác do được rèn luyện về các kỹ năng tuyên truyền, kỹ năng điệp báo...
Truy tầm nguồn gốc các kỹ năng này hoàn toàn không cần thiết bởi chủ điểm của vấn đề ở đây chỉ là Hồ Chí Minh có tài đóng kịch hay không. Chủ điểm đó đã có lời giải đáp qua thực tế con người hai mặt không thể phủ nhận của Hồ Chí Minh với đủ loại huyền thoại.
Dù sao, công bình mà nói phải nhận là về phương diện này Hồ Chí Minh đã chứng tỏ tài trí hơn người. Cứ tưởng tượng một diễn viên điện ảnh hay một điệp viên quốc tế đã phải tốn biết bao công phu rèn luyện mới leo lên đến bậc siêu sao hay điệp viên thượng thặng. Thế mà Hồ Chí Minh, ngoài cái tài xuất chúng về tuyên truyền chẳng khác gì một nhạc trưởng của dàn nhạc giao hưởng, ông còn có tài “đóng kịch” một cách kiệt xuất, đến nỗi những kẻ gần bên ông như Bùi Tín, hay những bậc thức giả như Bernard Fall đã phải thốt lên: “Không phải kịch!” hay “Không thể nào đóng kịch tài đến thế trong suốt một thời gian dài đến thế!” Nhiều người đã đánh giá ông Hồ quá thấp khi bảo tuyên truyền chỉ là nói dối, ai làm không được. Hoặc đóng kịch chỉ là đánh lừa, cái tài của bọn gian manh!
Thực ra tuyên truyền chính trị là một khoa học, hơn nữa đồng thời cũng là một nghệ thuật mà người lãnh đạo mặt trận này được ví như nhạc trưởng tài ba vừa thông thạo nhạc lý, vừa có khả năng sử dụng một cách điêu luyện nhiều nhạc cụ, lại có uy tín đủ để tập họp được một tập thể nhạc công có tài... Và nghề điệp báo hay diễn viên điện ảnh cũng là cả một khoa học phức tạp không có tài thiên phú khó mà thành công. Cho nên phải nhìn nhận Hồ Chí Minh đã phải có chí lớn, có một lý tưởng mà ông tôn thờ, say mê nhắm tới mới có thể bền chí khổ công rèn luyện mà thành. Chỉ tiếc rằng lý tưởng của ông là ảo tưởng (của chủ nghĩa Mác-Lênin), và cái tài của ông đã được xử dụng để đánh lừa và nhấn chìm cả một dân tộc vào cảnh máu lửa triền miên.
Hồ Chí Minh đã có hàng trăm huyền thoại về cười, khóc, về cung cách thân mật, về lời lẽ ngọt ngào, về hành vi nhân ái… Giữa những huyền thoại đó, huyền thoại về đôi dép râu được nhắc lại không biết bao nhiêu lần như một chứng liệu về nếp sống giản dị và sự quên mình của Hồ Chí Minh.
Theo lời kể, Hồ Chí Minh gần như không khi nào rời đôi dép râu, kể cả khi đón tiếp quốc khách quan trọng như Mao Trạch Đông. Chuyện kể ngụ ý Hồ Chí Minh có tính tình giản dị và luôn tiết kiệm, nhất là có xu hướng gần gũi với người nghèo khổ.
Sau năm 2000 Lữ Phương còn say sưa kể lại chuyện này để đề cao lãnh tụ: “Bác Hồ đi dép râu thì ai cũng biết. Bác đi một đôi dép đến mòn lẳn. Cậu bảo vệ đề nghị Bác thay nhiều lần nhưng Bác nhất định không chịu. Cuối cùng nài nỉ mãi không được, cậu phải lấy lén đôi dép ấy đi đổi. Khi phát hiện, Bác không vừa lòng và nhất quyết bắt cậu bảo vệ đi lấy lại đôi dép cũ.” (20)
Nhưng Hồ Chí Minh trung thành với đôi dép râu tới mức đó chưa hẳn do ý hướng như người kể muốn nhắc.
Trên thực tế, chuyện đã gợi nhớ lời kể của Võ Nguyên Giáp: “Bác chỉ định mấy đồng chí cùng đi. Thấy một đồng chí mang dép, Bác bảo về nhà thay giày. Bác nói: Khi nào gặp “người ta”, tôi ăn mặc thế nào cứ mặc tôi, nhưng các chú thì phải cho tề chỉnh”.
Lời kể này diễn tả khá đầy đủ ý nghĩa việc Hồ Chí Minh nằng nặc đòi lại đôi dép cũ và đã phản ảnh sự việc không hề do bản tính tự nhiên mà có chủ ý rõ rệt. Mấy câu thơ của Nguyễn Chí Thiện trong Hoa Địa Ngục có lN
Saturday, September 23, 2006
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment